Bước đi đầu tiên thực thi 5 điểm về Myanmar được quốc tế hoan nghênh

Chỉ định được Đặc phái viên về Mynamar, thúc đẩy ngay lập tức các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar là những điểm chính đạt được để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 54 và các hội nghị liên quan đang diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Đây là những bước đi đầu tiên của ASEAN trong việc thực thi 5 điểm đồng thuận về Myanmar, được cộng đồng quốc tế chờ đợi và hoan nghênh.

Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing trong một chương trình phát sóng của kênh truyền hình Myawaddy hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing trong một chương trình phát sóng của kênh truyền hình Myawaddy hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Theo quyết định của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, Ngoại trưởng thứ hai của Brunei ông Erywan Yusof trở thành đặc phái viên của khối tại Myanmar. Vai trò của đặc phái viên ASEAN sẽ là gây dựng lòng tin và uy tín giữa các bên, đồng thời cung cấp một lịch trình rõ ràng nhằm thực thi Đồng thuận 5 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.

Dự kiến ông Erywan Yusof sẽ báo cáo tình hình tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN được tổ chức vào tháng 9 tới.

Đánh giá về những kết quả đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54 về Myanmar, Tổng giám đốc Cơ quan phụ trách vấn đề hợp tác ASEAN của Inodonesia ông Sidgarto Suryodipuro nhấn mạnh: “Tất cả các thành viên ASEAN cũng nhất trí rằng Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo nên bắt đầu nhiệm vụ ngay lập tức trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Myanmar. Và điều đáng chú ý là trong 5 điểm đồng thuận đạt được, việc bổ nhiệm Đặc phái viên và viện trợ nhân đạo đều được tất cả các đối tác ASEAN ủng hộ mạnh mẽ".

ASEAN thời gian qua đối mặt với nhiều lo ngại về những bước đi chậm trễ sau khi đạt được đồng thuận 5 điểm trong việc giải quyết tình hình Myanmar. Vì vậy những kết quả đầu tiên sau 4 tháng đang nhận được sự hoan nghênh quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua hoan nghênh quyết định bổ nhiệm Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar.

Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephen Dujaric nhấn mạnh: “Việc chỉ định Đặc phái viên là một bước đi quan trọng hướng đến việc thực hiện 5 điểm đồng thuận được ASEAN thông qua vào tháng 4 vừa qua. Liên Hợp Quốc mong đợi tiếp tục hợp tác với Đặc phái viên để thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc hơn nữa về Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng hối thúc giảm bạo lực, hành động vì lợi ích hòa bình và sự phát triển bền vững tại Myanmar”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng bày tỏ ủng hộ hoàn toàn việc ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên tại Myanmar như một phần trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện các nước đều nhấn mạnh để nhiệm vụ của Đặc phái viên đạt kết quả, ông Yusof cần bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo đó đặc phái viên của khối sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN trong việc gửi các hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN về quản lý thiên tai (trung tâm AHA). Và quan trọng hơn nữa, ông Yusof cần phải có toàn quyền tiếp xúc với tất cả các bên tại Myanmar nhằm thúc đẩy giải quyết những mâu thuẫn tại quốc gia thành viên này.

Indonesia hoan nghênh việc bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN đồng thời lưu ý tầm quan trọng của việc trao quyền cho các đặc phái viên để giúp giải quyết xung đột tại quốc gia này.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua (5/8), Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi cho rằng việc Myanmar đã thông qua đề xuất của ASEAN cử Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof làm đặc phái viên ở nước này là một bước đi tốt nhưng vẫn còn rất nhiều bước đi tiếp theo phải thực hiện.

Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền tiếp cận cho các đặc phái viên và rằng đặc phái viên phải sang thăm Myanmar ngay lập tức và tiến hành đối thoại với tất cả các bên. Ngoại trưởng Indonesia hi vọng thông qua đặc phái viên, tiến triển trong việc giải quyết xung đột Myanmar sẽ được báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 9 tới. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Myanmar.

Trước đó, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 54 diễn ra ngày 2/8, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi kêu gọi ASEAN thực hiện năm điểm đồng thuận, trong đó lập tức cử đặc phái viên tới Myanmar. Indonesia đề xuất, nếu cuộc họp lần này không đưa ra được các biện pháp cụ thể để thực hiện 5 điểm đồng thuận thì các nhà lãnh đạo ASEAN cần can thiệp để đưa ra các bước đi phù hợp với Hiến chương ASEAN.

Điều đáng mừng là người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing cho biết sẵn sàng hợp tác với ASEAN: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Myanmar sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm đối thoại với Đặc phái viên của khối về Myanmar”.

Việc bổ nhiệm Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar đánh dấu sự kết thúc một thời gian dài đàm phán, trì hoãn do lựa chọn ứng cử viên phù hợp cũng như tìm kiếm sự đồng thuận của chính quyền quân sự Myanmar. Tuy nhiên giới phân tích cũng nhận định, đây sẽ là điểm khởi đầu của một quá trình ngoại giao phức tạp phía trước, với những khó khăn không nhỏ để ông Yusof thực hiện nhiệm vụ của mình./.

Phạm Hà/VOV1, Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/buoc-di-dau-tien-thuc-thi-5-diem-ve-myanmar-duoc-quoc-te-hoan-nghenh-880369.vov