Những 'bông hồng thép' của ngành thi hành án dân sự Hà Tĩnh

Làm việc trong môi trường đặc thù, đòi hỏi các nữ chấp hành viên (CHV) ngành thi hành án dân sự (THADS) Hà Tĩnh ngoài việc 'cứng' về năng lực chuyên môn còn phải tôi luyện bản lĩnh, tinh thần 'thép'.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Hà Tĩnh.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Hà Tĩnh.

Chi cục THADS thành phố Hà Tĩnh là đơn vị thường xuyên có lượng việc và tiền phải thi hành hằng năm vô cùng lớn, chiếm đến 30% khối lượng của toàn ngành. Do đặc thù địa bàn, nơi đây có nhiều vụ, việc phức tạp, đặc biệt là các loại án liên quan đến tín dụng ngân hàng và đa phần đối tượng phải thi hành án có nhân thân xấu. Trong 6 CHV của đơn vị, có 2 người là nữ.

Chị Nguyễn Thị Như Ý - 1 trong 2 nữ chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự TP Hà Tĩnh.

Gắn bó với vị trí CHV kể từ năm 2017, 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Như Ý không thể nhớ hết những khó khăn bản thân phải đối mặt trong quá trình làm nhiệm vụ. Chia sẻ về kỷ niệm trong nghề, chị Ý nhớ nhất lần cách đây 2 năm, chị đến nhà đối tượng N.B.M. (trú phường Nam Hà, bị TAND thành phố Hà Tĩnh kết án về tội sử dụng trái phép chất ma túy) để thi hành án phí dân sự (200 nghìn đồng). M. không ở nhà nên CHV tìm gặp người nhà của đối tượng để làm việc. Do M. từng nhiều lần vào tù ra tội nên người thân “viện” lý do để thoái thác trách nhiệm. Phải rất kiên trì, CHV mới thuyết phục thành công người nhà M. chấp hành án.

Mọi chuyện tưởng chừng đã kết thúc thì vào một buổi trưa, M. xuất hiện tại cơ quan của chị Ý, dùng lời lẽ đe dọa, chửi bới. Thời điểm ấy, các anh em đã xuống bám nắm địa bàn nên tại trụ sở chỉ có cán bộ nữ đang làm việc. Đứng trước đối tượng có chuỗi thành tích bất hảo, xăm trổ đầy mình với thái độ hung hăng nhưng chị Ý vẫn bình tĩnh đối mặt. Trước thái độ vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn của CHV, đối tượng M. buộc phải quay về.

Rất nhiều trường hợp, bên phải thi hành án cố tình trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ, thậm chí chống đối quyết liệt để giữ lại tài sản.

"Giai đoạn tổ chức thi hành án dễ xảy ra mâu thuẫn vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án, vì vậy, đương sự đón tiếp CHV với thái độ không mấy dễ chịu. Rất nhiều trường hợp, bên phải thi hành án cố tình trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ, thậm chí chống đối quyết liệt để giữ lại tài sản. Nếu không đủ bản lĩnh, năng lực thì rất khó để CHV hoàn thành nhiệm vụ” - chị Ý trải lòng.

Cũng là nữ CHV tại Chi cục THADS thành phố Hà Tĩnh song chị Bùi Thị Liễu mới được điều chuyển về đơn vị kể từ ngày 1/6 vừa qua. Trước đó, chị từng có đến 11 năm công tác ở Chi cục THADS huyện Cẩm Xuyên.

Chị Bùi Thị Liễu (người ngồi bên trái) và chị Ý cùng trao đổi các nội dung liên quan đến nghiệp vụ.

“Khi CHV đến vận động, thuyết phục hoặc kê biên tài sản thi hành án, các đương sự lập tức tỏ thái độ nóng giận, dọa nạt, thậm chí dùng hung khí đe dọa. Những câu chuyện tương tự như vậy không còn xa lạ với chúng tôi. Rất nhiều trường hợp, đương sự vô cùng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng tự sát để gây sức ép đối với CHV và thường có thái độ coi thường, chèn ép CHV nữ” - chị Liễu chia sẻ.

Một lần, chị Liễu đến nhà bị đơn tại xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) để tiến hành cưỡng chế, thu hồi tài sản là một con bò trị giá 12 triệu đồng để trả cho nguyên đơn. Nhằm chống đối cơ quan chức năng, đương sự đập đầu vào nền nhà tự tử. Ngay lập tức, chị Liễu cùng với cán bộ công an nữ đi cùng đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế.

Các nữ cán bộ ngành THADS trong một lần tham gia cưỡng chế, thu hồi tài sản thi hành án.

Điều khiến chị Liễu trăn trở nhất là những lần tổ chức thi hành các quyết định ly hôn. Đó là những lần thi hành án giao con cho cha theo đúng bản án nhưng đứa trẻ nhất quyết ở lại với mẹ hay người cha dù có nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng cho con song vì hậm hực với vợ cũ nên không làm tròn trách nhiệm... dẫn đến tổn thương tâm lý con trẻ.

21 năm là CHV, chị Nguyễn Thị Phương Đông (công tác tại Chi cục THADS huyện Hương Sơn) được xem là “cây đa, cây đề” trong ngành và từng trực tiếp cưỡng chế thành công các vụ án lớn trên địa bàn như vụ: Hồ Hữu Nhàn, Trần Thị Mai về tranh chấp đất đai...

Cưỡng chế thành công vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Trần Thị Mai và gia đình ông Nguyễn Quốc Hiệp (cùng trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Phố Châu) là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của CHV Nguyễn Thị Phương Đông (Chi cục THADS huyện Hương Sơn).

“Dù lượng tiền và việc phải thi hành của Hương Sơn không nhiều song xét về tính chất lại vô cùng phức tạp bởi đây là huyện có địa bàn tương đối rộng, luôn tiềm ẩn các tội phạm ma túy, giết người, buôn lậu... Bên cạnh đó, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân chưa thực sự đồng đều. Các đối tượng phải thi hành án thường trốn tránh, chây ỳ; tẩu tán, sang tên tránh bị thu hồi tài sản; có động thái đe dọa, thậm chí sử dụng vũ khí nóng. Tuy nhiên, ngoài việc vận dụng kiến thức pháp luật, chúng tôi phải kiên nhẫn để xử lý tình huống cho phù hợp, đem lại hiệu quả” - chị Đông khẳng định.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Văn Đình Minh cho biết: “Trong tổng số 48 CHV tại Hà Tĩnh, chỉ có 4 CHV là nữ đang công tác tại các chi cục thành phố Hà Tĩnh, các huyện Hương Sơn, Hương Khê. Làm việc trong môi trường đặc thù như ngành THADS đòi hỏi các nữ CHV ngoài việc “cứng” về năng lực chuyên môn còn phải tôi luyện bản lĩnh, tinh thần “thép”. Đây cũng là yếu tố giúp các nữ CHV hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào kết quả chung của toàn ngành”.

Thùy Dương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/nhung-bong-hong-thep-cua-nganh-thi-hanh-an-dan-su-ha-tinh/232913.htm