Những bóng hồng tòng quân

Mùa tòng quân năm nay, cả nước có hàng trăm nữ thanh niên tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Mỗi bóng hồng đều xác định rõ tư tưởng: Học tập và rèn luyện trong môi trường Quân đội sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, nhưng họ quyết tâm nỗ lực vượt qua để xứng đáng với niềm tự hào của gia đình và lựa chọn của bản thân...

1. Ngày 6-2, ước mơ trở thành chiến sĩ với Bàn Thị Thanh Bình, một đảng viên người dân tộc Dao (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã thành hiện thực. Giây phút chia tay người thân lên đường về Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia huấn luyện chiến sĩ mới, Bình rưng rưng xúc động: "Bố mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Về đơn vị, con sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình".

19 tuổi, cao ráo, trắng trẻo, khuôn mặt ưa nhìn, lại là cử nhân ngành luật, đang có công việc tại Hà Nội với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, thế nhưng Bàn Thị Thanh Bình đã không ngần ngại viết đơn xin nhập ngũ. Nói về quyết định táo bạo của con gái, Trung tá Bàn Văn Hùng, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết: "Trong những câu chuyện hằng ngày, tôi cũng chỉ trò chuyện, phân tích thuận lợi và thời cơ của tuổi trẻ khi được học tập và rèn luyện trong môi trường Quân đội; về chủ trương của Bộ Quốc phòng trong tuyển chọn nữ công dân tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2023...".

 Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đến chúc mừng Bàn Thị Thanh Bình trước ngày nhập ngũ.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đến chúc mừng Bàn Thị Thanh Bình trước ngày nhập ngũ.

Đến cuối năm 2022, Thanh Bình thủ thỉ với mẹ xin tạm dừng công việc ở Hà Nội để “thử sức” trong môi trường quân ngũ. Biết được ý định của con, anh Hùng và vợ rất ủng hộ, đồng thời cũng chỉ rõ những khó khăn, vất vả trong quá trình học tập và huấn luyện; những nền nếp, tác phong, quy định và kỷ luật trong Quân đội mà mỗi quân nhân phải thực hiện để con có sự chuẩn bị về tinh thần nếu trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Vẫn biết rằng môi trường Quân đội có rất nhiều khó khăn, vất vả đang đón đợi, nhưng ánh mắt tự tin và quyết tâm của Bàn Thị Thanh Bình trong ngày lên đường đã nói lên tất cả. Với Bình, được phấn đấu, rèn luyện trong môi trường Quân đội vừa là niềm vinh dự, tự hào cũng đồng thời là trách nhiệm lớn lao của một đảng viên được cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trung tá Bàn Văn Hùng giúp con gái Bàn Thị Thanh Bình chỉnh trang quân phục. Ảnh: KHÁNH TRÌNH

2. Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng, Ngô Thị Quỳnh Trang ở phường Tam Thuận (Thanh Khê, Đà Nẵng) khiến thầy cô và bạn bè ngỡ ngàng, nể phục khi biết cô viết đơn xin bảo lưu kết quả học tập, xung phong nhập ngũ. Để đi đến quyết định táo bạo này, Trang đã “ngấm ngầm” chuẩn bị tâm lý từ trước. Trong khoảng thời gian học tập ở trường, những lúc rảnh rỗi, Trang thường lên mạng tìm hiểu cuộc sống trong quân ngũ. Không những thế, cô còn là fan “ruột” của một số chương trình như: “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Sao nhập ngũ” được phát trên các kênh truyền hình.

Dù chưa một ngày trong quân ngũ, nhưng hiện Trang đã thuộc nằm lòng 10 lời thề danh dự của quân nhân cùng rất nhiều bài hát cách mạng. Trang tâm sự: "Em tìm hiểu và được biết, môi trường quân ngũ có nền nếp, kỷ luật chặt chẽ, khắt khe. Học tập và rèn luyện trong môi trường này sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, với nam giới đã là không dễ dàng, với phái nữ càng cần cố gắng gấp nhiều lần. Nhưng em tin vào sự lựa chọn của bản thân và quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ".

3. Trước ngày lên đường nhập ngũ, Nguyễn Phạm Hồng Ngọc, 21 tuổi, thị trấn Prao (Đông Giang, Quảng Nam) dành nhiều thời gian cho gia đình, người thân. Ngọc là một trong 4 nữ thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2023 của tỉnh Quảng Nam. Bố mẹ Ngọc là công chức nhà nước. Năm 2020, tốt nghiệp THPT, Ngọc chọn thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Thiếu 2 điểm, Ngọc đành chuyển nguyện vọng sang học ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng.

Không từ bỏ ước mơ, vừa học tại Trường Đại học Kinh tế, Ngọc vừa tiếp tục ôn luyện để tiếp tục thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Kỳ thi năm 2021, may mắn vẫn không mỉm cười với Ngọc. Cuối năm 2022, tìm hiểu và biết thông tin đợt tuyển quân lần này có chỉ tiêu nữ nên Ngọc xin phép gia đình viết đơn tình nguyện nhập ngũ. “Ngày nhận được quyết định trúng tuyển lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, em thấy mình may mắn và hạnh phúc vô cùng”, Ngọc chia sẻ.

Nói về quyết định của con gái, ông Nguyễn Anh Hùng (bố Ngọc) không giấu được sự hãnh diện: “Gia đình luôn ủng hộ quyết định của con. Được rèn luyện trong môi trường quân ngũ là niềm tự hào không chỉ của riêng Ngọc mà còn là niềm tự hào của bà con thị trấn Prao này. Từ lúc biết con tôi trúng tuyển nhập ngũ, ai nấy đều phấn khởi bảo nhau đến chúc mừng gia đình”.

Bàn Thị Thanh Bình, Ngô Thị Quỳnh Trang, Nguyễn Phạm Hồng Ngọc chỉ là 3 trong số hàng trăm cô gái trẻ có chung hoài bão, ước mơ được sống và cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Họ tạm gác mọi niềm riêng để lên đường nhập ngũ, đến với môi trường rèn luyện mới. Sự quan tâm chu đáo, kịp thời của địa phương cùng tình cảm ấm áp của gia đình, bạn bè, người thân là động lực để các cô gái vững bước cho hoài bão lớn, khát khao cống hiến.

HẢI BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-bong-hong-tong-quan-718680