Những bữa cơm nội trú đặc biệt nơi rẻo cao Ba Lế

Hơn 7 năm qua, lớp lớp học trò người dân tộc Hre nơi rẻo cao Ba Lế (Quảng Ngãi), được học tập trong ngôi trường nội trú và dùng những bữa cơm đặc biệt từ tấm lòng yêu thương của các thầy cô từ miền xuôi lên công tác.

Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, nằm giữa bốn bề rừng núi, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Hre. Gia đình các em hầu hết đều thuộc hộ nghèo, nên cái ăn, cái mặc thiếu thốn. Hiện, nhà trường có 200 học sinh đang theo học và các thầy cô giáo đang nuôi ăn cho 80 em có nhà cách điểm trường từ 5-10km đường rừng.

Thầy Nguyễn Hải Dương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây buổi sáng học trò đến trường và trưa kéo nhau cắt rừng về nhà, nhưng bữa cơm chỉ có nước mắm, cùng lắm là vài con cá khô... cuộc sống vất vả khiến nhiều em chỉ đọc được con chữ thì bỏ học. Với số gạo Nhà nước cấp cho học trò miền núi, các thầy cô đã "đạo diễn" thành những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ học trò bám lớp an tâm học tập.

Không phải là trường bán trú nên các em học sinh chỉ được Nhà nước hỗ trợ gạo theo Nghị định 116 của Chính phủ dành cho học sinh miền núi. Thế nhưng, 7 năm qua thầy cô giáo công tác tại trường Tiểu học và THCS Ba Lế đã kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm và tiền túi các thầy cô bỏ ra mua thức ăn nấu hàng chục suất cơm mỗi ngày để các em học sinh bám trường bám lớp học con chữ.

Để có những bữa cơm được tươm tất, thầy cô giáo đã nhờ cô Nguyễn Thị Thủy Tiên, một người dân sống gần trường đến nấu ăn cho các em học sinh. Dù số tiền ít ỏi, nhưng thực đơn từng bữa ăn luôn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Em Phạm Văn Bay cho biết, nhà ở thôn Vả Lếch, cách trường hơn 10km, từ ngày có thầy cô nuôi cơm em không còn phải đi bộ về nhà mỗi ngày mà thay vào đó sáng thứ 2 em đến trường học và được thầy cô chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Đến chiều thứ 6 thì phụ huynh đến đón em về.

Ngoài truyền đạt con chữ trên lớp, các thầy cô giáo nơi đây còn thay phiên nhau làm cha làm mẹ chăm sóc những học trò của mình. Theo đó, để có nơi học sinh ở lại ngủ nghỉ, thầy cô chung tay sửa lại phòng học ở điểm trường cũ không còn sử dụng biến thành nhà bán trú và nhà ăn. Tối đến, điểm trường bán trú tự phát này có đến 50 học sinh ở lại và thầy cô thay phiên nhau trực canh, quản lý.

Dưới sự chỉ dạy, giáo dục của các thầy cô, những đứa trẻ Hre đã biết tự lập khi không có cha mẹ ở bên. Sau bữa cơm trưa, các em học sinh tự động mang chén đũa đến khu vệ sinh để rửa.

Em Phạm Văn Quy cho chén, đũa vào kệ sau khi rửa sạch. Quy cho biết, ba mẹ đi hái cà phê mướn ở Tây Nguyên, nên trong tuần em ở lại trường học, cuối tuần đi bộ về nhà với ông bà. Có thầy cô chăm sóc, có cơm ăn hằng ngày rất ngon nên em sẽ cố gắng học tập tốt.

Không chỉ chăm lo bữa ăn cho học trò mà các thầy cô giáo nơi rẻo cao còn lên mạng xã hội kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ từng cái mùng, cái mền và xin cả hệ thống nước sạch sinh hoạt để các em có nguồn nước uống hợp vệ sinh.

Với 50 em học bán trú 100%, nên các thầy cô giáo phải thay phiên nhau trực, quản lý và xem chừng các em, cứ thế họ gác lại niềm vui riêng để lo cho những đứa trẻ nơi miền đất khó mà không nhận bất kỳ chế độ nào. Tâm nguyện của các thầy cô là muốn những đứa trẻ ấy lớn lên trong môi trường giáo dục tốt và tình yêu thương để sau này xây dựng quê hương.

Không chỉ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà thầy cô giáo đang công tác tại đây còn tìm xin những dụng cụ thể dục để các em vui chơi sau những giờ học.

Chủ tịch UBND xã Ba Lế Phạm Văn Thình cho biết, mô hình ở khu nội trú tự học tự quản của thầy cô giáo trường Tiểu học và THCS Ba Lế đã góp phần duy trì sĩ số học sinh trong các buổi học, giúp phụ huynh an tâm và các cháu học sinh được sống trong môi trường đầy đủ tình yêu thương, nhờ đó chất lượng giáo dục trên địa bàn nâng lên. Đây là mô hình học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tiêu biểu ở địa phương.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-bua-com-noi-tru-dac-biet-noi-reo-cao-ba-le-192240503170609853.htm