Những bức ảnh để đời và vợ chồng nhà báo neo đơn

Ông Phạm Văn Thính, phóng viên ảnh Thông tấn xã Giải phóng, đang hưởng tuổi già cùng vợ tại một căn hộ nhỏ trong khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam, số 218 Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh. Ông đã dành cả tuổi thanh xuân cho nhiếp ảnh, băng qua bom đạn chiến tranh với lòng quả cảm và sự tận tâm nghề nghiệp hiếm thấy. Ông có bức ảnh 'Cầu người' và bộ ảnh 'Trên vành đai thép Tây Ninh' tham dự giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật năm nay.

Về Nam chiến đấu

Bị thương vẫn bám trụ chiến đấu (mặt trận Thiện Ngôn).

Là một trong những thanh niên trẻ miền Nam tập kết ra Bắc, ông Phạm Văn Thính đã học qua các trường Phổ thông cấp III A Hà Nội, Chu Văn An, Nguyễn Trãi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông tham gia nghĩa vụ quân sự năm 1958. Hết nghĩa vụ quân sự, ông tiếp tục con đường học hành và thi vào khoa ngữ văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp, ông được tuyển làm phóng viên đi chiến trường miền Nam.

Ông Thính nhớ lại: Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, chủ nhiệm khoa văn công bố danh sách 15 người ra trường đi công tác. Hôm sau, cán bộ tổ chức Việt Nam Thông tấn xã đến nhận và đưa các ông lên Hà Tây học khóa nghiệp vụ thông tấn báo chí, chi viện cho chiến trường miền Nam. Thế là nguyện vọng được về quê hương chiến đấu đã thành hiện thực.

Cuối khóa học, ông đi thực tập tại trận địa pháo cao xạ ở Nam Định, đó là tháng 4 năm 1965. Sau lần làm quen với súng đạn phòng không ít ngày, ông lên đường vào Nam, đi bộ ròng rã 6 tháng trời. Đến Tây Ninh, phòng biên tập phân công ông theo rõi chụp ảnh chiến sự vùng Đông Nam Bộ.

Về công việc của phóng viên thời chiến, ông Thính nói: “Cực lắm. Làm phóng viên chiến trường, thì trên vai một khẩu súng AK, kèm theo một cơ số đạn 2 băng, và hai trái lựu đạn, sau đó mới đến túi đồ nghề máy ảnh, bi đông nước và lương khô... Nhẹ nhất cũng khoảng 30 kg. Hồi đó đi ra chiến trường, điều kiện sinh hoạt không đầy đủ, ngay cả máy ảnh cũng là máy cơ kiểu cũ như Praktica (Cộng hòa dân chủ Đức), Zenit (của Liên Xô), Hải âu (của Trung Quốc), dễ hỏng hóc, lại không có ống kính tele hay ống kính góc rộng, phim thì độ nhạy thấp”.

Ông nhớ mãi chuyến hành quân cùng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 trong chiến dịch Mậu Thân đợt 2, tại cánh rừng Tây Ninh.

Ông kể: “Trời mưa như trút nước, lúc hành quân, tự nhiên nghe thấy đằng trước có tiếng lao xao, linh cảm có việc gì đó khác thường, thế là mình báo cáo với trưởng đoàn, chạy lên trước xem sao. Nhìn thấy cảnh thanh niên xung phong chuyển thương binh đang đứng ở ven sông, nước dâng lên gần đáy cáng. Giữa sông họ đang bắc cầu, nhưng không có cọc trụ. Tự nhiên thấy mấy người dùng đòn tre, đòn gỗ lao qua gầm ván, rồi nâng ván lên thành một chiếc cầu. Trụ cầu là từng cặp hai thanh niên xung phong đứng dưới lòng sông, nước ngập tới vai. Người đội trưởng đi thử, thấy vững chãi, anh vẫy tay cho đội cáng thương đi qua. Hay quá, thế là chụp mấy kiểu, mấy góc độ liền. Hôm đó, thực sự xúc động, nếu để thương binh ngập nước sông đục ngầu, thì vết thương tránh sao khói nhiễm trùng!”.

Điều thú vị là đúng 40 năm sau, nữ Thanh niên xung phong Giáp Thị Thanh Tiến, người lấy thân mình làm trụ cầu, lại nhận ra mình trong ảnh tại Bảo tàng Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó nhân vật trong ảnh và tác giả đã gặp nhau. Họ ứa nước mắt vì còn sống tới hôm nay, kể lại với nhau chuyện cũ, ai ai cũng thương nhau như ruột thịt. Cái “Cầu người” là tình đồng đội, là trí thông minh sáng tạo hình thành trong chớp nhoáng. Bức ảnh ấy cũng được ghi lại trong giây lát. Nhưng giờ đay nhìn lại mới thấy nó lớn lao, nó vĩ đại bởi tính nhân văn cao cả của những con người bình dị làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Cầu người.

Bộ ảnh “trên vành đai thép Tây Ninh” gồm 5 ảnh:

1- Quân Giải phóng Bắc Tây Ninh xốc tới.
2- Hạ máy bay, bắt sống giăc lái tại trận.
3- Bị thương vẫn bám trụ chiến đấu (mặt trận Thiện Ngôn).
4- Nữ pháo thủ Nguyễn Thị Định.
5- Bắt sống lính Mỹ lái xe vận tải.

Đấy là những ảnh giáp chiến nóng hổi lửa khói bom đạn. Đấy là những ảnh mà người phóng viên đối mặt với cái chết, thể hiện bản lĩnh kiên cường của mình.

Chúng ta đều biết, Tây Ninh là thủ phủ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Địch không bao giờ từ bỏ dã tâm tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta. Ông Phạm Văn Thính hồi tưởng về sự kiện trong bộ ảnh “Trên vành đai thép Tây Ninh”: “Hồi đó khủng khiếp lắm. Sau Mậu Thân là Mỹ dùng máy bay B52 rải bom, rồi cho quân càn, đánh vào các căn cứ. Lúc đi theo tiểu đoàn 14 đến Tây Ninh di chuyển cơ quan qua Thiện Ngôn thì bị lộ, vì có gián điệp. Phía mình bị quân Sài Gòn đánh úp, chúng có phi, pháo yểm trợ, bom, đạn dội đúng đội hình. Hai bên giằng co quyết liệt, Đấy là lúc mình phải vận động hết sức, cứ lúc chạy, lúc bò, lúc quỳ, lúc đứng thẳng lên bấm máy liên tục. Quân ta gan dạ lắm, cuối cùng đánh bật chúng khỏi vòng vây. Tuy nhiên bữa đó chúng ta thiệt hại nặng, nhiều đồng chí hi sinh, còn mình suýt chết!”.

Bắt sống lính Mỹ lái xe vận tải.

Có một chuyện rất kỳ thú, ông hể hả kể lại: “Hay lắm, nhờ máy ảnh mà bắt được gần 60 tù binh. Hôm đó ở Vũng Tàu, trận đánh khoảng một, hai giờ sáng. Mình đi lạc đường, mà lại lạc ra gần cánh quân của phía ngụy, cách tầm mấy chục thước. Đang tìm lối ra, thì thấy đoàn người đi đến, ngỡ là quân ta, mình đưa máy lên chụp, đèn Hải Âu nổ bụp một cái, sáng lòa trong đêm. Hóa ra đấy là một tốp lính Sài Gòn đang lẩn trốn, chúng tưởng bị tấn công liền nằm rạp hết. Nhờ ánh đèn chớp, mình nhận ra đúng là quân Sài Gòn, thế là hô vang: “Tất cả nằm im, ai rục rịch, bắn bỏ! Bỏ súng xuống, từng người một bước qua bên phải!”. Thấy ánh chớp và tiếng hô, tiểu đội trinh sát của đơn vị đến ngay, mình giao luôn nhiệm vụ cho họ:

- Này, mấy anh, tui bắt được tù binh rồi, giao cho mấy anh đó, tui là phóng viên mà.

Đúng là tay không bắt giặc, nhưng cũng hú vía, nếu không có tiểu đội trinh sát đến kip thời, thì không biết sự thể sẽ ra sao”!

Người vợ can đảm và những mất mát hy sinh

Hạ máy bay, bắt sống giặc lái tại trận.

Ngồi bên ông, là bà Nguyễn Thị Kim Liên, vợ ông Thính, quê ở Bình Thuận. Bà cũng là nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, người đã cùng chồng trải qua những khó khăn, niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống. Chúng tôi đã tranh thủ hỏi về cuộc đời làm báo của bà.

Bà là nữ sinh trường Phan Bội Châu ở Phan Thiết, tham gia phong trào học sinh, sinh viên phản đối Mỹ ngụy đàn áp gia đình những người kháng chiến. Vì vậy bị chính quyền Phan Thiết bắt và bỏ tù 4 năm. Mãn tù, bà ra vùng giải phóng, làm việc tại Ban tuyên huấn tỉnh Bình Thuận, phụ trách mảng tư liệu của Ban, từng tham gia hỗ trợ quân y đóng ở vùng núi, rất gian khổ.

Bà Kim Liên kể: Cuối năm 1969, được chuyển vào Trung ương cục Miền Nam, tôi học lớp nghiệp vụ báo chí của Thông tấn xã Giải phóng. Tại căn cứ Tây Ninh, tôi gặp anh Thính. Tình yêu nảy nở, đầu năm 1970, tôi kết hôn với anh giữa lúc tình hình chiến sự Miền Nam đang căng thẳng. Nhưng tình yêu đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi thi vào khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp vào năm 1981. Thành thử hai vợ chồng đều là cử nhân văn chương.

Còn những năm chiến tranh, lúc nào cũng nghe thấy tiếng bom đạn, nhất là khi đi công tác, nhiều lần đối mặt với tử thần, mà phải may mắn lắm mới có thể sống sót. Một lần đi trong rừng gặp mấy dây mìn của Mỹ cài dọc đường, rừng rậm khó nhận ra, may mà tôi phát hiện được nên không vấp mìn. Lúc đó, cô bạn học cùng lớp, rồi cùng hoạt động với tôi, không may bị vướng phải mìn, trái mìn nổ, thịt cô ấy nát bay tứ tung. Rợn người!

Nguy hiểm nhất là “cây nhiệt đới”, nó phát hiện được tiếng động người đi, âm thanh người nói, và định vị được tọa độ của đoàn người đang qua. Bất cứ lúc nào, có động, là cây nhiệt đới nhắn tín hiệu về đài quan sát trung tâm, rồi đài trung tâm báo cho các bộ phận tác chiến để chúng ném bom , pháo kích, hoặc dẫn đường cho bộ binh tấn công. Có lần tôi gặp giao liên, vừa mới làm quen với nhau, thì đạn bắn đến bất ngờ, nhiều cô còn ngơ ngác, phải đẩy họ nằm xuống để tránh đạn, có nhiều người không kịp tránh, thành thử mất cả một đại đội, quá khủng khiếp luôn.”

Quân Giải phóng Bắc Tây Ninh xốc tới.

Bà đã vượt qua những nguy hiểm như thế để sống và làm việc, mong ngày hòa bình sẽ có hạnh phúc. Nhưng cuộc đời lại không mỉm cười với vợ chồng bà. Không ngờ, ông bà đều bị nhiễm chất độc da cam và ảnh hưởng đến con cái. Đứa con đầu của ông bà mất từ nhỏ, hai đứa sau thì bị sảy thai. Khi hồi tưởng lại chuyện này, bà Liên cố gắng giấu đi nỗi buồn bên trong.

Nỗi neo đơn khiến căn nhà chật hẹp trở nên trống trải, họ sống phần đời còn lại của mình nương tựa vào nhau và nhờ vào lương hưu ít ỏi.

“Không con cái, nên tình cảm thiếu hụt. Để sống hàng ngày thì đã có lương hưu, tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tiền trợ cấp tù đày. Nếu dành riêng cho ăn uống thì không thiếu, khó là về tiền thuốc men, tiền mua thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe. Loại thuốc này, bảo hiểm y tế không trả. Cũng nhờ mấy hộp thuốc ngoài bảo hiểm đó mà duy trì được sự sống đến giờ”. Bà Liên trải lòng như vậy.

Ông Thính cố làm cho vui, nhưng cũng không giấu nổi sự chua xót: “Thực ra thì cũng có nặng lòng suy nghĩ, không có con cái, thì không có người nối tiếp mai sau. Khi một người mất đi, còn lại một, không biết dựa vào đâu".

Ông nói tiếp: “Vợ chồng sống được đến nay, coi như là vui rồi, tự mình an ủi mình, tự mình động viên mình. Phải cố thôi, vì thực ra, người này đi vắng thì người kia cảm thấy cô đơn ngay. Anh em thông tấn ở khu tập thể này hầu hết đã bán những căn hộ được phân phối kiếm đất xây nhà. Họ hàng thân thích đều ở quê, mà đa phần cũng rời quê đi kháng chiến đã lâu, nên thế hệ con cháu gần như không biết mình là ai".

Nữ pháo thủ Nguyễn Thị Định.

Chỉ chúng tôi xem những bức ảnh thời chiến, gương mặt ông phấn trấn như trẻ lại, ông nói: “Nhiều lúc tôi nghĩ, mình còn gì nhỉ? Thực sự chỉ còn những bức ảnh lưu ở TTXVN. Giờ già rồi, xem lại, càng nhớ cái thời trai trẻ, xông pha chiến trường, đối mặt với cái chết. Những tác phẩm ảnh này là đã an ủi, động viên cho vợ chồng tôi rất nhiều. Lúc ra trận, chúng tôi chỉ có một mục đích ghi lại trung thực và đầy đủ những sự kiện, những con người trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân ta. Đấy là những bằng chứng hùng hồn của lịch sử đất nước, không gì thay thế được. Nghệ thuật nhiếp ảnh tuyệt vời là ở đó".

Phạm Chu Quang Vinh

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nhung-buc-anh-de-doi-va-vo-chong-nha-bao-neo-don-20210614090810432.htm