Những bức tranh kỳ lạ dự báo tương lai của nghệ sĩ siêu thực Nhật Bản

Ở xứ sở Hello Kitty, nơi nổi tiếng với văn hóa 'kawaii' (dễ thương) và nghệ thuật Neo-Pop những năm 1990, Tetsuya Ishida là một trường hợp ngoại lệ.

Theo những người quen biết thì Tetsuya Ishida - nghệ sĩ siêu thực đã qua đời vào năm 2005 ở tuổi 31 - không phải một người cô độc. Nhưng ông khác những người cùng thời và đứng ngoài các phong trào nghệ thuật nổi tiếng của thời đại.

Trong tác phẩm của mình, Ishida nắm bắt dòng chảy ngầm sâu thẳm, đen tối của sự lo lắng và sợ hãi trong giới trẻ xứ Phù Tang.

Theo CNN, trong suốt cuộc đời mình, Ishida tương đối ít được biết đến, ngay cả ở Nhật Bản. Nhưng sự quan tâm của quốc tế đối với tác phẩm của ông đã tăng lên kể từ khi ông qua đời. Một số tổ chức gồm San Francisco Asian Art Museum và 56th Venice Biennale Italian Pavilion đã trưng bày tác phẩm của ông.

Nhiều tác phẩm của Ishida được bán giá cao trong các cuộc đấu giá. Bức "The Men on a Belt Conveyor" được bán với giá hơn 1 triệu USD tại Sotheby's (hãng đấu giá lâu lớn và lâu đời thứ 3 thế giới) vào năm ngoái.

Năm 2021, một tác phẩm kỳ lạ không có tựa đề, miêu tả hai người đàn ông khổng lồ trong những chiếc cà vạt bị kẹt do giàn giáo xây dựng, đã được bán với giá 800.000 USD tại Christie's (một nhà đấu giá của Anh thành lập năm 1766).

Những bức tranh của ông về người làm công ăn lương và học sinh toát lên sự kỳ lạ, cô đơn, phi lý và tuyệt vọng, thoáng gợi góc nhìn về "thế hệ lạc lối" của Nhật Bản - những người trẻ thấy mình bị cản bước bởi tai ương kinh tế, xã hội suốt những năm 1990 và đầu 2000.

Trong tác phẩm "Refuel Meal" (Bữa ăn tiếp nhiên liệu) năm 1996 của Ishida, một hàng công nhân robot vô cảm, đeo tạp dề và đội mũ, đang cho những người đàn ông mặc vest vô danh ăn thông qua các thiết bị giống như máy khoan hoặc máy bơm xăng. Trong phim Gripe, sản xuất năm sau đó, Ishida vẽ một nhân vật khom lưng trong bộ đồ rách rưới, cơ thể bị mắc kẹt khi nó dường như biến thành một chiếc xe nâng công nghiệp.

Những đứa trẻ mà ông miêu tả thường bị giam cầm. Trong tác phẩm "Prisoner" (tù nhân) năm 1999, một nhân vật khổng lồ bị đè xuống, như phiên bản Gulliver giống trẻ con. Thay vì bị trói bởi dây thừng, cơ thể cậu bé bị giữ cố định bởi cấu trúc của một ngôi trường. Những đứa trẻ gần giống nhau trong trang phục thể dục đứng xung quanh cậu ở sân chơi liền kề, không ai tương tác với nhau - như một lời phê bình không mấy tinh tế đối với hệ thống giáo dục Nhật Bản.

Nick Simunovic, giám đốc điều hành châu Á tại phòng trưng bày Gagosian, đại diện cho tác phẩm của Ishida thay mặt cho di sản của ông, đã trả lời CNN trong một cuộc phỏng vấn video.

"Tôi nghĩ sức mạnh trong tác phẩm của ông ấy (Ishida - PV) là chúng ta tìm thấy chính mình trong những bức tranh này. Tác phẩm của ông ấy có tính tiên tri mạnh mẽ trong việc đánh giá con người khi chúng ta lao thẳng vào một tương lai khó có thể hiểu được", Simunovic nói.

Gagosian gần đây đã tổ chức một buổi triển lãm hồi tưởng về tác phẩm nghệ thuật của Ishida với tựa đề "My Anxious Self" (Cá nhân lo lắng) tại phòng trưng bày ở New York. Các bức tranh ghi lại một khoảnh khắc cụ thể ở Nhật Bản, nhưng Simunovic tin rằng các chủ đề mà Ishida đề cập bây giờ thậm chí còn cấp bách và phù hợp hơn.

Sự ghẻ lạnh, xa lánh, tách biệt, lo lắng xã hội và sự hiện diện khắp nơi của công nghệ là tất cả những thách thức mà con người ngày nay phải đối mặt.

"Việc Ishida chuyển hóa thế giới mà ông nhìn thấy, những áp lực mà con người phải chịu vì công nghệ, khủng hoảng kinh tế, chứng tỏ ông cảm nhận được những điều đó rất sâu sắc. Và ông ấy đã có thể dự đoán những nỗi sợ hãi xã hội rộng lớn hơn ở Nhật Bản vào thời điểm đó", Simunovic bày tỏ.

"Có thể nói Ishida là một trong số ít, nếu không muốn nói là duy nhất, nghệ sĩ trong thế hệ của ông đã tạo ra những tác phẩm có sức mạnh tâm lý theo phong cách này", Jacky Ho, phó chủ tịch cấp cao bộ phận nghệ thuật thế kỷ 20 và 21 tại Christie's châu Á Thái Bình Dương, nói với CNN qua email.

Jacky Ho nói thêm rằng: "Vùng đô thị Nhật Bản được miêu tả trong các tác phẩm của Ishida cách đây 20 năm tiên tiến và đi trước thời đại đến mức nó vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay, nếu chúng ta nhìn vào tất cả thành phố mới phát triển trên thế giới. Những quan sát sâu sắc của ông ấy đối với xã hội mà ông sống vào thời điểm đó là vượt thời gian".

Vào những năm 1990, tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản đột ngột dừng lại sau khi bong bóng kinh tế - hình thành trên cơ sở đầu cơ thị trường và giá bất động sản tăng cao trong thập kỷ trước - đột ngột vỡ tung, đất nước rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài.

Những người trẻ giới cổ cồn từng được hứa hẹn làm việc lâu dài trong các tập đoàn lớn giờ đây thất nghiệp. Họ phải làm những công việc tạm thời, lương thấp hoặc làm việc mệt mỏi hơn 70 giờ/tuần.

"Karoshi", thuật ngữ ám chỉ cái chết do làm việc quá sức, đã trở thành một điệp khúc. Ngay cả trước khi kinh tế sụp đổ, vào những năm 1990, người Nhật đã làm việc trung bình 2.000 giờ một năm, nhiều hơn 500 giờ so với những người Pháp hoặc Đức, theo một nghiên cứu học thuật về hiện tượng này.

Ishida, người theo học trường nghệ thuật, đã phải làm việc bán thời gian tại một xưởng in và làm nhân viên bảo vệ ban đêm. Nhiều bức tranh trong số khoảng 200 tác phẩm mà Ishida đã hoàn thành trong đời ông miêu tả sự u ám của việc trở thành một bánh răng trong cỗ máy kinh tế.

Bức tranh "sararimen" (người làm công ăn lương) của Ishida miêu tả con người trong dây chuyền lắp ráp như thể họ là sản phẩm họ đang tạo ra: không bao giờ mỉm cười, tất cả đều có cùng một cái nhìn vô cảm, đang trên đà tự động hóa.

Cecilia Alemani, người phụ trách triển lãm Gagosian, nói rằng những bức tranh đầu tiên của Ishida cho thấy "sự xa cách và cô lập của xã hội bị quản lý ở Nhật Bản, con người bị giằng xé giữa làm việc quá sức và sự tê liệt của cuộc sống hàng ngày, tính tập thể và sự cô lập".

Các bức tranh mô tả cả những vết thương tâm lý mà nhiều người đã trải qua, cũng như cuộc đấu tranh của chính người nghệ sĩ với sự lo lắng, trống rỗng và cuộc sống bấp bênh.

Ishida qua đời sau khi bị tàu hỏa đâm ở ngoại ô Tokyo vào năm 2005, nhưng vẫn chưa rõ cái chết của ông là do tai nạn hay tự tử.

"Thập kỷ mất mát" của Nhật Bản được đặc trưng bởi những tác động xã hội lớn lao gây ra bởi tai ương kinh tế.

Trong "Rút lui khỏi xã hội - Tuổi thanh thiếu niên không hồi kết", cuốn sách mang tính bước ngoặt năm 1998, bác sĩ tâm thần Tamaki Saito đã đặt ra cụm từ được sử dụng phổ biến hiện nay là "hikikomori" - mô tả hiện tượng những người đàn ông trẻ sống ẩn dật, (hầu hết) không rời khỏi phòng ngủ và vẫn sống phụ thuộc vào cha mẹ.

"Trong nhiều tác phẩm của Ishida, những chàng trai trẻ khép kín về mặt xã hội cũng được miêu tả trong không gian nội thất, thường đi kèm với các công nghệ mới ra đời như máy tính và điện thoại di động với khả năng truy cập Internet, cách họ nhìn ra thế giới bên ngoài trong khi vẫn được bảo vệ bởi sự ẩn danh", Alemani viết.

Trong bức tranh "Wake" (Tỉnh giấc) năm 1998, những học sinh với biểu cảm trống rỗng đặc trưng được miêu tả như một phần con người, một phần là kính hiển vi lớn.

Bức tranh "Recalled" (Thu hồi) được vẽ cùng năm, miêu tả thi thể của một chàng trai trẻ tại nhà tang lễ, nhưng thay vì quan tài, cậu ta được đóng gói thành từng mảnh vào bao bì để trả lại cho người chế tạo.

Những mô tả hiện thực nhưng kỳ ảo của Ishida về tính dễ bị tổn thương, sự ghẻ lạnh và nỗi sợ bị giam cầm của con người khác hẳn với những chủ đề được các nghệ sĩ như Takashi Murakami, Yayoi Kusama và Yoshimoto Nara đề cập đến.

Alemani lập luận trong khi nhiều người cùng thời bị quyến rũ bởi kawaiimono (những thứ dễ thương), cũng như manga và anime thì Ishida lại "chú ý có hệ thống về cuộc sống hàng ngày, thế giới xung quanh ông và điều kiện tồn tại của nhiều người cùng lứa tuổi với ông".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-buc-tranh-ky-la-du-bao-tuong-lai-cua-nghe-si-sieu-thuc-nhat-ban-post1461416.html