Những bức tranh phấn trắng của thầy Hùng

Không cần bút, giá vẽ hay màu rực rỡ, thầy Lê Đức Hùng (SN 1988), giáo viên Trường THCS và THPT Thống Nhất (thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa) vẫn tạo nên những bức tranh đẹp từ phấn trắng, bảng đen trong giờ học mỹ thuật.

Một giờ học mỹ thuật

Một giờ học mỹ thuật

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2016 thầy Hùng được phân công về công tác tại Trường THCS và THPT Thống Nhất. Ngay từ khi về trường, thầy Hùng đã trăn trở tìm phương pháp dạy môn mỹ thuật sao cho học sinh dễ hiểu nhất. Nhận thấy phấn trắng, bảng đen là vật dụng quen thuộc nhất của giáo viên và học sinh, thầy Hùng quyết định dùng chúng vẽ tranh dạy học sinh.

Thầy Hùng thường vẽ những bức tranh về danh lam, thắng cảnh của quê hương, đất nước: Làng quê Việt Nam, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Cầu Hàm Rồng lịch sử… Thông qua các tiết học mỹ thuật, thầy Hùng mong muốn học sinh cảm nhận được vẻ đẹp quê hương, đất nước, phát triển khả năng, đam mê hội họa. Bên cạnh đó, thầy Hùng muốn giới thiệu đến các em phong cảnh quê hương Việt Nam bình dị, di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh của Thanh Hóa cũng như của đất nước.

Một bức tranh phong cảnh bằng phấn trắng của thầy Hùng

Mỗi bức tranh thầy Hùng thực hiện trong khoảng 5 đến 15 phút, tùy theo chi tiết nội dung của tranh. Ngoài tranh về chủ đề danh lam thắng cảnh, gần đây thầy Hùng vẽ nhiều bức tranh cổ động, biếm họa phê phán tệ nạn xã hội trong các giờ học thực hành như tranh về đua xe, hút thuốc lá, sử dụng mạng xã hội… Những bức tranh này truyền tới các em học sinh thông điệp về tác hại của các tệ nạn xã hội hay giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường…

Thầy Hùng muốn lồng ghép tình yêu quê hương thông qua tranh vẽ

Em Đỗ Đoàn Phương Thảo, học sinh lớp 7A1, Trường THCS và THPT Thống Nhất nói, tranh thầy Hùng vẽ khiến các em vô cùng thích thú. Thông qua những bức tranh của thầy vẽ trực tiếp trên bảng, các em biết được nhiều địa danh đẹp của đất nước mặc dù chưa được đến thăm. Tranh châm biếm của thầy giúp các em hiểu, tránh xa tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu; sống có ý thức, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Thầy Hùng nói: Với mong muốn học sinh nhận biết được tác hại của tệ nạn xã hội, tôi tìm hiểu những mẫu tranh phù hợp với lứa tuổi và lồng ghép vào các giờ học mỹ thuật. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, vẽ những bức tranh về lịch sử, những điểm mốc lịch sử của dân tộc như ngày 30/4, 2/9… thông qua đó, học sinh hiểu hơn về lịch sử Việt Nam.

Hoàng Lam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nhung%C2%A0buc-tranh-phan-trang-cua-thay-hung-1488492.tpo