Những bức tường biên giới nổi tiếng

Ngày càng có nhiều hàng rào biên giới được dựng lên không phải để giữ người dân ở lại (ngăn cản việc di tản quy mô lớn từ Đông sang Tây) như mục đích của Bức tường Berlin, mà là để chặn dòng người nhập cư trái phép.

Mâu thuẫn chính trị, xung đột lợi ích, buôn bán bất hợp pháp... là những lý do khiến nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng các bức tường và hàng rào biên giới. Năm 1989 - thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ, toàn thế giới đã có 16 bức tường bảo vệ biên giới. Theo nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet (Đại học Quebec), con số này tăng lên 66 vào năm 2016.

Có những bức tường phân chia giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tồn tại hàng ngàn năm. Chẳng hạn, người La Mã xây dựng Bức tường Hadrian chạy dài trên đỉnh núi cheo leo dọc bờ biển miền Bắc nước Anh, khoảng năm 122 sau Công Nguyên để ngăn cách với người ngoại bang. Cách Mỹ hàng ngàn km, Hungary cũng dựng lên những hàng rào ngăn người nhập cư vượt qua biên giới. Vì vậy, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico không phải là ý tưởng mới lạ.

Dưới đây là một số bức tường và hàng rào biên giới quan trọng, luôn được thế giới quan tâm.

Mỹ - Mexico

Biên giới giữa hai nước dài gần 3.200km đi qua bốn bang California, Arizona, New Mexico và Texas của Mỹ đã có một phần được dựng hàng rào từ những năm 1990 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Biên giới này là hệ thống hàng rào có gắn camera, radar và cảm biến, được xây dựng trong chuỗi chiến dịch của Mỹ nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập bất hợp pháp, chống buôn lậu cũng như các hoạt động liên quan đến ma túy. Hiện hàng rào biên giới dài hơn 1.000km và chạy qua nhiều loại địa hình, từ sông, biển cho đến khu dân cư, sa mạc.

Hàng rào biên giới chia đôi vùng Nogales giữa Mexico và Mỹ. (Nguồn: CNN)

Khi lên nắm quyền, Tổng thống George W. Bush từng hứa hẹn xây dựng khoảng 1126,5km hàng rào hai lớp siêu cấp trong Đạo luật Hàng rào An ninh năm 2006 được cả hai Viện của Quốc hội Mỹ thông qua và có chữ ký của chính vị Tổng thống này. Thế nhưng, đến khi ông Bush mãn nhiệm, chỉ có khoảng 51,5km hàng rào, phần lớn ở hạt Yuma (bang Arizona) được xây.

Sau đó, vấn đề này tiếp tục được nêu ra vài lần và là một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump. Hôm 25/1 vừa qua, 6 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh khởi động quá trình xây dựng bức tường biên giới kiên cố với Mexico và nhấn mạnh công trình sẽ được bắt đầu “ngay lập tức”. Ông Trump còn cam kết người Mexico sẽ phải trả tiền cho dự án này. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto khẳng định Mexico sẽ không trả tiền cho các bức tường nói trên, đồng thời hủy chuyến thăm tới Washington nhằm phản ứng với quyết định của người đồng nhiệm Mỹ.

Các kỹ sư xây dựng, các chuyên gia đều cho rằng hoàn toàn có thể xây dựng được bức tường. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề triển khai như xây dựng thế nào, bằng chất liệu gì... vẫn đang gây tranh cãi. Ba phương án xây dựng được đưa ra là sử dụng khối bê tông xỉ than, đổ bê tông hoặc dùng những tấm tường xi măng đúc sẵn. Song địa hình hiểm trở, việc giám sát khó khăn, nguy cơ kiện tụng về đất đai... đang là những thách thức lớn đối với kế hoạch xây bức tường biên giới Mỹ - Mexico của Tổng thống Trump. Câu hỏi được đặt ra là bức tường mới này có thực sự giúp ngăn tình trạng nhập cư bất hợp pháp hay chỉ tiêu tốn tới 15 tỷ USD như dự tính hiện nay?

Bắc Ireland

Từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, thủ phủ Belfast của Bắc Ireland đã tồn tại các đường ranh giới hòa bình phân chia địa bàn cư trú giữa hai nhóm dân theo đạo Tin lành và Công giáo.

Bức tường hòa bình ở Belfast, Bắc Ireland. (Nguồn: Timetravelturtle)

Bắc Ireland trải qua ba thập kỷ xung đột triền miên giữa những người theo đạo Tin lành ủng hộ Bắc Ireland tiếp tục ở lại Vương quốc Anh với những người Công giáo muốn Bắc Ireland là một phần của Cộng hòa Ireland. Các cuộc xung đột đẫm máu, bắt đầu từ năm 1968 khiến hơn 3.600 người thiệt mạng đã chấm dứt kể từ khi Thỏa thuận hòa bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” được ký vào năm 1998 và sau đó là thỏa thuận năm 2007 về việc thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực giữa hai đảng chính của những người theo hai đạo trên.

Chính quyền Bắc Ireland đã tuyên bố bức tường trên sẽ được phá bỏ trước năm 2023. Đây được xem là một bước tiến lớn, hướng tới khép lại mối thâm thù giữa hai cộng đồng suốt nhiều thế kỷ qua. Hiện nay, bức tường là điểm du lịch hấp dẫn.

Saudi Arabia - Iraq

Đối phó với mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tháng 9/2014, Saudi Arabia đã bắt đầu xây dựng hệ thống hàng rào an ninh 5 lớp và dài hơn 900 km dọc theo đường biên giới với quốc gia láng giềng Iraq đang chìm trong bất ổn. Ngoài ra, quân đội nước này cũng bố trí 8 trung tâm chỉ huy, 32 đơn vị phản ứng nhanh, 3 đơn vị can thiệp khẩn cấp, 38 trạm gác, 78 đài quan sát, 10 phương tiện tuần tra giám sát, gần 1,5 triệu mét cáp quang và 50 đài radar tại các khu vực dọc biên giới với Iraq.

Một người lính Saudi Arabia đang đứng gác cạnh hàng rào biên giới phía Bắc của nước này với Iraq. (Nguồn: Reuters)

Hungary với Serbia và Croatia

Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tháng 8/2015, Chính phủ cánh hữu của Hungary đã cho xây dựng hàng rào cao khoảng 4m dài 177km dọc biên giới phía Nam tiếp giáp Serbia. Cũng trong năm đó, Hungary đã xây hàng rào ở khu vực biên giới với Croatia, điều động hàng trăm binh lính, cảnh sát ngăn dòng người di cư lên tới hàng nghìn người mỗi ngày.

Khoảng 80.000 người di cư đã vượt biên vào Hungary trong năm 2015, phần lớn từ Iraq, Syria và Afghanistan-nơi các cuộc nội chiến tàn bạo vẫn tiếp tục không suy giảm sau nhiều năm. Hầu hết những người di dân muốn chuyển sang các nước giàu có thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Đức.

Các nước châu Âu khác như Slovenia, Áo, Macedonia, Bulgaria… cũng có những bước đi tương tự, nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ hơn.

Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Năm 2011, chính quyền Athens đã quyết định xây một bức tường cao 3m, dài hơn 12km dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn làn sóng nhập cư bất hợp pháp tăng đột biến. Theo số liệu thống kê của EU, hơn 80% người nhập cư bất hợp pháp vào EU qua đường biên giới vốn có nhiều kẽ hở giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hy Lạp đã chi khoảng 3,2 triệu Euro để xây dựng hàng rào này trong gần một năm. Ngoài ra, hàng chục rào cản nổi được đặt dọc theo sông Evros, nơi được coi là cửa ngõ chính mà những người nhập cư bất hợp pháp thường tìm cách vượt qua để vào EU.

Israel - Bờ Tây

Khoảng đầu những năm 2000, chính quyền Israel quyết định xây dựng bức tường dài gần 1km ngăn cách khu vực Bờ Tây, nơi tranh chấp với Palestine. Công trình có độ cao từ 5 đến 8m tùy từng khu vực, bằng bê tông hoặc dây thép gai. Chính quyền Israel cho rằng bức tường sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của quân nổi dậy người Palestine. Trong khi đó, người dân Palestine lại coi bức tường là rào cản trong giấc mơ xây dựng đất nước của riêng họ.

Việt Lan

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nhung-buc-tuong-bien-gioi-noi-tieng-43979.html