Những bức vẽ ám ảnh của trẻ em tị nạn ở biên giới nước Mỹ

Những đứa trẻ xin tị nạn ở dọc biên giới Mỹ và Mexico đang trải qua những tháng ngày kinh khủng nhất cuộc đời. Câu chuyện của chúng được thể hiện qua những bức vẽ đầy ám ảnh.

"Nước Mỹ, nơi họ không cho tôi vào". Đó là dòng chữ cậu bé Jose, 11 tuổi đến từ Honduras viết bằng tiếng Tây Ban Nha lên một bức tranh có những ngọn núi và cây cối màu xanh lam, xanh lá cây và nâu. Cậu bé cũng vẽ một con sông trong bức tranh, sông Rio Grande, nơi ngăn cách gia đình cậu với Brownsville, Texas (Mỹ). Gia đình bé Jose đã hi vọng sẽ có thể xin tị nạn ở đây. Jose và gia đình cậu là một trong số ít nhất 1.450 người di cư đang sống trong một khu lều trại trên đường phố Matamoros, một thành phố thuộc bang Tamaulipas của Mexico. Họ không thể vào Mỹ do chính sách buộc người nhập cư phải ở Mexico của Tổng thống Trump. Ảnh: Time.

Trong một bức ảnh khác của bé Genesis, 9 tuổi, có những con cá sấu ở một con sông gần chiếc xe cảnh sát. Gia đình cô bé đang đứng khóc ở phía Mexico, trong khi dì của cô bé khóc cho họ ở phía Mỹ. “Quiero irme de aquí porque no puedo ser felíz y no puedo dormir”, cô bé đã viết trên bức tranh, nghĩa là: "Em muốn rời khỏi đây vì em không hạnh phúc và em không ngủ được". Ảnh: Time.

Bé Ivone, 7 tuổi, cũng đã vẽ một bức tranh mô tả cô bé bên trong một cái lồng gần bờ sông. Dì cô bé đang đợi ở phía bên kia, cạnh một lá cờ Mỹ. Những đứa trẻ xin tị nạn ở Matamoros như Jose, Genesis và Ivone ngủ trong những chiếc lều đã được quyên góp, ăn các thực phẩm mà các tình nguyện viên từ cả hai bên biên giới cố gắng mang đến cho họ hàng ngày. Nhiều đứa trẻ trong số chúng đến từ khu vực Trung Mỹ. Ảnh: Time.

Tiến sĩ Belinda Arriaga tại Đại học San Francisco, chuyên gia về sang chấn tâm lý và sức khỏe tâm thần trẻ em là người đã tiếp xúc với những đứa trẻ tị nạn và cung cấp các bức vẽ này. "Những bức vẽ này là tiếng nói của chúng. Những gì các em đang vẽ giúp chúng tôi hiểu được những tổn thương mà đất nước này đang gây ra cho chúng", cô Arriaga cho biết. Trước đó, Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) đã công bố các bức tranh của những đứa trẻ tại cơ sở tị nạn của Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ. Ảnh: Time.

Trong một bức vẽ, năm đứa trẻ nằm trong một cái lồng và được phủ chăn trong khi lính canh đứng ở cửa ra vào. Haydee Alonso, một họa sĩ đã làm việc với những người di cư đang bị giam giữ, nói rằng cô rất buồn khi nhìn những bức tranh này. "Những chiếc lồng, những đường kẻ, những hình vuông đó là một hình ảnh mạnh mẽ và tôi nghĩ rằng đó là tất cả những gì những đứa trẻ này thấy và tất cả những gì chúng nghĩ về. Đây là nơi chúng đang phải sinh sống". Ảnh: Time.

Một bức tranh khác miêu tả năm người đứng trong một cái lồng, trong khi lính canh nhìn vào từ bên ngoài. Cô Marsha Griffin, bác sĩ nhi khoa và người phát ngôn của AAP cho biết: "Những đứa trẻ này kể câu chuyện của chúng qua các bức tranh. Tôi nghĩ rằng nếu bạn nghe thấy một đứa trẻ kể về hay vẽ lại những gì chúng đã trải qua, nó có thể đánh thức lương tâm của đất nước này". Ảnh: Time.

Những người xin tị nạn dùng nhà vệ sinh di động mà các tình nguyện viên đã thuê bằng tiền quyên góp trong khi băng vệ sinh, quần áo, tã lót, các vật dụng chăm sóc y tế khác cũng được quyên góp. Họ phải sử dụng xô nước và ly nước để tắm. Nhiều người cũng nhảy vào sông Rio Grande để tắm và giặt quần áo. Ảnh: Time.

Một bé gái 8 tuổi viết "Yo le pido a Dios que llegamos a Carolina del Sur", nghĩa là "Cầu xin Chúa cho con đến Nam Carolina". Cô bé đang sống trong một khu lều trại ở Matamoros, bên kia biên giới Brownsville, Texas. "Đây là sang chấn tâm lý không dễ phục hồi, cô Arriaga nói. "Những gì các em đang phải trải qua và chịu đựng sẽ còn tác động đến cảm xúc trong một thời gian dài". Ảnh: Time.

Ngoài những rủi ro về sức khỏe và môi trường, những người di cư này phải đối mặt với nhiều mối nguy khác. Vào ban đêm, do không thể khóa lều, những người di cư dễ bị cướp và trở thành nạn nhân của các tội ác như cưỡng hiếp và bắt cóc. Trong ảnh là một cô bé cầm bức tranh vẽ khu lều nơi cô sống ở Matamoros. Ảnh: Time.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-buc-ve-am-anh-cua-tre-em-ti-nan-o-bien-gioi-nuoc-my-post1008804.html