Những bước chân không mỏi

Những bộ quân phục đã phai màu vì nắng gió biên cương, vài ba phong lương khô, chai nước suối và quan trọng nhất là những tài liệu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới… Tất cả chỉ giản đơn vậy thôi, nhưng bao năm qua đã cùng người cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Nà Đít đến với biết bao bản làng xa xôi trên biên giới tỉnh Sơn La…

Bên bếp lửa hồng, các anh đã tuyên truyền cho bà con hiểu được nhiều chủ trương, chính sách cùng những kinh nghiệm làm kinh tế.

33 năm mang trên mình màu xanh áo lính Biên phòng, Trung tá Vi Văn Thiện đã trở thành người của vùng đất Chiềng On. Bà con các dân tộc Mông, Xinh Mun... ở 12 bản nhỏ sống trên lưng chừng núi nơi đây thường nhắc đến anh với niềm thương yêu trìu mến.

Là một cán bộ vận động quần chúng lăn lộn ở cơ sở, anh luôn trăn trở khi thấy bà con vẫn còn theo nếp sinh hoạt cũ, cuộc sống nghèo khó, tạm bợ. Phải làm sao để bà con từng bước thoát nghèo, thay đổi tư duy, trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước? Phải làm sao để mỗi bản làng nơi đây thực sự thay đổi diện mạo, trở thành phên giậu vững vàng cho Tổ quốc...? Những suy nghĩ ấy, thúc giục trái tim anh hành động, thúc giục đôi chân anh dấn bước. Những con đường vắt ngang trời đã quen với bước chân anh khi đến với bà con dân bản. Mọi người quen với giọng nói sổi nổi, nhiệt thành của anh khi tuyên truyền người dân học chữ, chấp hành nghiêm các quy chế quản lý biên giới để tránh kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Để bà con có cơ hội tiếp cận với những mô hình làm kinh tế mới, nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến... sau mỗi ngày làm việc, khi đêm về, Trung tá Thiện lại tìm đọc sách, báo, tài liệu khoa giáo để hiểu rõ hơn những cách làm hay, sáng tạo trong cả nước. Khi thấy mô hình nào phù hợp với điều kiện địa phương, anh lại đến bản vùng cao để hướng dẫn bà con làm theo. Suối Cút, Keo Đồn, Tà Liễu... những chòm bản nơi thung sâu, núi cao ấy đã bao lần đón anh về cầm tay chỉ việc cho bà con.

Ở vùng biên giới Chiềng On này, bạn có thể dễ dàng gặp rất nhiều tấm lòng nhân ái, tận tụy với nhân dân như Trung tá Vi Văn Thiện. Thấm thía lời dạy của Bác: "Tận tụy với nhiệm vụ được giao, tận tụy vì nhân dân là phẩm chất cần có của người cán bộ vận động quần chúng", các anh đã đem tấm lòng chân thành của mình đặt trong từng lời nói, việc làm cụ thể... để lời lành như suối mát lan tỏa đến mọi hộ dân, giúp bà con vượt qua đói nghèo, bệnh tật.

Niềm vui đến với bản làng ngày một nhiều thêm sau biết bao hành trình không mỏi của người chiến sĩ Biên phòng. Không vui sao được khi cuộc vận động bà con vùng cao từ bỏ ma túy, không trồng cây thuốc phiện đã mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Ông Sồng Lao Khúa, ở bản Suối Cút, năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng có đến nửa đời làm bạn với khói thuốc, bàn đèn, phó mặc việc nhà cho vợ con. Lời tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng, của cán bộ xã và bà con dân bản như gió lành xua đi "khói thuốc đen" quẩn quanh trong đầu ông. Sau khi bỏ hẳn thuốc phiện, tập trung cùng vợ con phát triển kinh tế, hiện gia đình ông đã trở nên khấm khá.

Cũng như ông Sồng Lao Khúa, ông Sồng Lao Lông ở cùng bản cũng đã từ giã được nàng tiên nâu sau 30 năm nghiện nặng. Giờ đây, tự tay chăm một chùm quả, trồng một cây ngô là cách ông bù lại những tháng ngày sống vô ích đã qua. Cuộc sống dần ổn định, gia đình có của ăn của để, hơn ai hết, ông thấm thía những tác hại mà ma túy từng gieo rắc cho gia đình ông và bao bà con khác. Và ông càng biết ơn những người đã giúp cho cái đầu ông sáng ra, giúp cho cái miệng ông không còn thèm nhạt hơi thuốc và đôi tay biết chăm lao động, làm việc có ích cho cộng đồng.

Những tấm gương như ông Sồng Lao Khúa, Sồng Lao Khô đã khiến người dân nơi đây thêm tin tưởng vào Bộ đội Biên phòng. Bà con đã ý thức được tác hại của ma túy và tố giác người nghiện để yêu cầu tổ chức cai tại cộng đồng. Toàn xã có 9/12 bản đạt tiêu chuẩn "4 không" về ma túy. Hầu hết các bản không có tình trạng theo đạo trái phép.

Anh Thiện, anh Hà, anh Sơn... tên của các anh bà con các bản còn nhớ lắm. Các anh đã trở thành người con của già làng, thành anh của các bạn trẻ, thành người thân của mỗi gia đình... Khoảng cách giữa người cán bộ và bà con dường như không tồn tại. Tất cả những người có mặt bên bếp lửa hôm nay đều là người thân, đều là những người cùng chung chí hướng thoát nghèo, vượt khó...

Những mảnh đất trước kia chỉ toàn cây thuốc phiện, bây giờ đã thắm đậm màu xanh của ngô, lúa. Trên nền xanh đó, đã thấy xuất hiện loại cây công nghiệp mới hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao. Những gốc cà phê tưởng chỉ quen với nắng gió Tây Nguyên giờ đây đang bén rễ, vươn cành trên vùng biên Tây Bắc. Như nhiều hộ dân khác, sau bao năm loay hoay với tập quán canh tác cũ, giờ đây, ông Giàng A Chồng, ở bản Keo Đồn đã trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Ông bảo, tất cả là nhờ sự định hướng của những cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Nà Đít. Hiện, ông Chồng còn sở hữu 50 gốc cà phê gần 2 năm tuổi, cây phát triển tốt phù hợp với khí hậu vùng cao này.

Cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Nà Đít hướng dẫn bà con trồng cây cao su tiểu điền.

"Ba bám, bốn cùng", khẩu hiểu ấy không chỉ quen thuộc với những người lính quân hàm xanh, mà còn gần gũi với bà con trên biên giới. "Ba bám" để sát cánh bên bà con từ những việc nhỏ nhất, để thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người dân nghèo nơi biên giới. Rồi từ thấu hiểu đến cảm thông, chia sẻ bằng "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc)... nhằm giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sinh hoạt, sản xuất... từng bước xóa đói giảm nghèo. Những người lính quân hàm xanh đứng chân giữa Chiềng On xa ngái đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ một cách quyết liệt và tâm huyết. Các anh không ngừng nâng cao trình độ, tiếp thu các hướng dẫn, chỉ thị mới để tuyên truyền cho bà con hiểu, vận động thật khéo cho bà con làm theo. Từ sự sâu sát đó, người dân biên giới đã hiểu và chấp hành nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định, quy chế khu vực biên giới và những vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...

Chiềng On hôm nay đang phấn đấu trở thành điểm sáng trên biên giới. Sản lượng lương thực hằng năm của bà con tăng và đạt 4.810 tấn/năm. Bà con đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Toàn xã có hàng trăm máy xay xát, 50 đầu xe để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, 70% hộ được xem truyền hình và được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trẻ em được đến trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Trong bức tranh tươi sáng ấy, có sự đóng góp không nhỏ của những người lính Biên phòng. Ông Vì Xuân Chiện, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On đã đánh giá rất cao những cống hiến của Đội Vận động quần chúng vì sự phát triển của xã nhà.

Mộc mạc mà không kém phần dứt khoát, anh Thiện nói với chúng tôi về mong muốn của anh đối với sự phát triển của Chiềng On trong tương lai gần. Vâng, mệnh lệnh từ trái tim vẫn đang thúc giục các anh, những cán bộ vận động quần chúng của Đồn BP Nà Đít. Các anh vẫn đang ngày đêm nỗ lực vì sự mạnh giàu, no ấm của những bản làng phên giậu của Tổ quốc. Hành trình của các anh trên những cung đường đèo dốc sẽ lại dài thêm theo năm tháng và sự ấm no, bình yên sẽ về với mỗi bản làng, mỗi nếp sàn theo những bước chân không mỏi ấy.

Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-buoc-chan-khong-moi/