Những bước chân miệt mài…

Cuối năm 2018, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc được nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác trong BĐBP Đắk Lắk. Gắn bó với biên giới trọn đời binh nghiệp, tình cảm anh dành cho bà con vùng biên, nhất là với những học sinh nghèo luôn đong đầy. Bởi thế, dù không còn công tác, nhưng anh vẫn gom góp tiền lương hưu, cùng với những người bạn hảo tâm mua quà, đồ dùng học tập, miệt mài vượt gần 100km từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến xã Ea Bung và Ia Rvê, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk tặng cho các em học sinh.

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc (thứ hai từ trái sang) tặng xe đạp cho một em học sinh nghèo. Ảnh: Phạm Đức

Tiếp sức cho học sinh nghèo

Gắn bó với biên giới nhiều năm nên anh Phúc thấu hiểu sự vất vả của bà con nơi đây. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, có những em nhỏ đã phải đi làm rẫy cùng bố mẹ, có em phải bỏ học giữa chừng. Chứng kiến những cảnh đời nghèo khó đó, anh Phúc luôn day dứt, phải làm gì đó để đóng góp chút công sức của mình giúp đỡ, động viên các cháu học sinh tiếp tục vượt khó học tập, giảm bớt gánh nặng trên những đôi chân đến trường.

Với tâm niệm đó, khi còn công tác, anh Phúc thường bỏ tiền mua hoặc xin lại những chiếc xe đạp cũ rồi tự tay sửa chữa, trao tặng cho học sinh nghèo. Thế rồi, không biết từ bao giờ, đồng đội và người dân đặt cho anh biệt danh “thượng tá xe đạp”.

Chúng tôi tới thăm nhà ông Trịnh Văn Triển, ở thôn 2, xã Ea Bung. Nhắc đến “thượng tá xe đạp”, ông Triển tay chỉ về hướng đứa con trai đang lau chùi chiếc xe đạp ngoài sân, xúc động cho biết: “Xe đó là do chú Phúc tặng cho cháu nhà tôi đấy. Từ ngày có xe, cháu không phải đi bộ vất vả đến trường nữa”. Mắt nhìn về con đường bụi mù trước nhà, ông nhớ lại: “Năm 2013, anh Phúc được cấp trên điều động về làm cán bộ tăng cường xã Ea Bung.

Ngay từ ngày mới về nhận công tác, anh thấy những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải đi bộ hơn 10km từ rất sớm tới trường, mồ hôi và bụi đất đỏ bám đầy quần áo. Điều đó khiến anh trăn trở rất nhiều. Sau những lần tranh thủ về thăm gia đình, anh thấy tại khu phố gia đình đang sinh sống, một số hộ dân có xe đạp cũ không dùng đến. Anh bỏ tiền lương ra mua hoặc xin lại. Sau đó, anh mang vào nơi công tác. Sau những giờ làm việc, anh đi mua phụ tùng, đem ra sửa rồi tặng cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Được biết, từ năm 2013 đến 2018, anh Phúc đã bỏ tiền lương mua lại, sửa chữa hoặc xin và vận động các nhà hảo tâm được 102 chiếc xe đạp tặng cho học sinh vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Tháng 11-2017, trong lễ tuyên dương chiến sĩ Biên phòng có những đóng góp trong sự nghiệp “trồng người”, tại Hà Nội, anh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích suất sắc góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc.

Viết tiếp những ước mơ

Từ năm 2009 đến 2013, anh Phúc làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Rvê. Anh thường xuyên xuống địa bàn, trò chuyện với người dân nắm tình hình đời sống và tâm tư của họ. Thế nên, anh nắm rất rõ hoàn cảnh của rất nhiều gia đình ở vùng đất khô cằn này. Để rồi, khi chuyển sang địa bàn khác và cho cả tới khi về hưu, anh vẫn lưu luyến, trăn trở với những khó khăn của bà con.

Đó cũng là lý do, sau khi đã nghỉ hưu, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, anh Phúc một lần nữa quay trở lại xã Ia Rvê cùng những người bạn hảo tâm như mình với những món quà nghĩa tình trên tay. Cùng đi với anh, chúng tôi cảm thấy mình như nhỏ bé hơn trước tấm lòng rộng mở của anh, trước sự tin yêu mà đồng bào nơi đây dành cho anh.

Vượt qua những con đường đất đỏ, chúng tôi tới nhà em Võ Lê Gia Bảo, ở thôn 4, xã Ia Rvê. Gia đình Bảo rất khó khăn. Mẹ em bị câm điếc bẩm sinh. Ngoài giờ đến trường, em còn phụ giúp gia đình việc nhà. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, nhưng Bảo rất ham học. Gia đình Bảo rất bất ngờ trước sự có mặt của người đồn trưởng năm xưa. Nhận túi quà từ tay anh Phúc, gia đình em Bảo xúc động không nói nên lời.

Ông Nguyễn Hữu Phúc tặng quà gia đình cháu Vi Thị Nương. Ảnh: Phạm Đức

Rời nhà Bảo, chúng tôi cùng anh Phúc đi tới nhà em Vi Thị Nương, ở thôn 11, xã Ia Rvê. Hoàn cảnh của Nương còn khốn khó hơn cả Bảo. Bố chết vì tai nạn giao thông, mẹ bỏ đi, Nương sống trong sự bao bọc của ông ngoại. Trong ngôi nhà ván gỗ cũ kỹ, ông Bùi Văn Hiếu, ông ngoại của Nương không giấu niềm xúc động nói: “Gia đình tôi luôn nhớ tới sự giúp đỡ, động viên của chú Phúc. Để đáp lại tấm lòng của chú, tôi chỉ biết động viên cháu Nương cố gắng học giỏi, sau này thành người có ích cho xã hội”.

Trong lần quay lại nơi đã từng gắn bó trong cuộc đời quân ngũ này, anh Phúc và những người bạn đã tặng quà và dụng cụ học tập cho 11 cháu học sinh. Trước mắt, nhóm từ thiện của anh đã nhận hỗ trợ 11 cháu, mỗi cháu 200.000 đồng/tháng để các cháu giảm bớt khó khăn, vươn lên trong học tập. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phúc tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng đi nhiều hơn, để những bước chân đến trường của các cháu không phải dừng lại”.

Khi nắng chiều chuyển sang vàng óng cũng là lúc chúng tôi đi hết 11 gia đình trên địa bàn cùng anh Phúc. Mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Có những gia đình khiến cặp mắt của chúng tôi lần đầu đặt chân đến nhòa đi vì xúc động, nhưng hình ảnh thân thương “thượng tá xe đạp” vẫn miệt mài đi về biên giới giúp đỡ những đứa trẻ vẫn hiện rõ trong tôi và những người dân vùng biên.

Phạm Đức

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-buoc-chan-miet-mai/