Những bước đi sai luật của nhóm cổ đông Hải Phát tại Cienco5

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, vì mục đích giành quyền lợi trong dự án khu đô thị Thanh Hà, cổ đông của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) có những hành động có thể gây bất ổn cho chính công ty này. Nhưng, việc làm này liệu có đem lại kết quả có lợi hay sẽ chỉ đem đến rắc rối cho các ông chủ mới ở Cienco5?

Toan tính “lỡ dở” vì làm trái pháp luật

Sự hấp dẫn của Cienco5 trong đợt chào bán cổ phần đầu năm 2016 gắn liền với dự án bất động sản Thanh Hà, Hà Đông, quy mô gần 400 hecta. Trong đợt chào bán này, Công ty cổ phần Hải Phát đã mua cả lô 23,18% cổ phần của Cienco5, trị giá hơn 202 tỷ đồng và đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông vào 25/3/2016. Lúc này, vốn nhà nước giảm xuống còn 40% cổ phần.

Ngay khi mới trúng đấu giá lô cổ phần này và chưa hoàn thành thủ tục để chính thức trở thành cổ đông của Cienco5, ngày 11/3/2016, Công ty Hải Phát đã cùng các cổ đông khác thực hiện việc sửa đổi điều lệ của Cienco5, với các thay đổi quan trọng là tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 người lên 7 người; thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông từ 75% xuống còn 51%. Hai thay đổi này được cho là từng bước để nhóm cổ đông mới kiểm soát Cienco5.

Quyết tâm kiểm soát Cienco5 của cổ đông Hải Phát còn thể hiện ở lần sửa đổi điều lệ thứ hai, diễn ra ngày 4/4/2016, loại bỏ quy định thời hạn 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần của cổ đông chiến lược ra khỏi điều lệ. Động thái này được thực hiện để dọn đường cho việc Công ty Hải Phát mua lại 15,5% cổ phần của Công ty Nam Trí – nhà đầu tư chiến lược của Cienco5. Giao dịch mua bán được thực hiện sau đó không lâu, ngày 15/4/2016.

Sau giao dịch với Công ty Nam Trí, cổ phần của Công ty Hải Phát tại Cienco5 đã tăng lên gần 39%, cộng với số cổ phần 15,5% của Công ty Việt Phương, nhóm cổ đông này đã trở thành cổ đông lớn, kiểm soát Cienco 5 và lấn át cổ đông nhà nước chỉ còn 40%. Ngày 28/4/2016, nhóm cổ đông này đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu thêm 3 thành viên HĐQT là đại diện của các cổ đông này, chính thức kiểm soát HĐQT Cienco5.

Tuy nhiên, hành động có tính toán này chưa hẳn đã chắc chắn mà trái lại, việc vội vàng thâu tóm quyền lực tại Cienco5 với các bước đi như trên đã tạo ra nhiều lỗ hổng chết người do vi phạm Luật doanh nghiệp, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và cả điều lệ công ty.

Điều đầu tiên phải kể đến là việc sửa đổi điều lệ thực hiện ngày 11/3/2016, giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông xuống 51% và tăng số lượng thành viên HĐQT. Thời điểm này, Công ty Hải Phát mới chỉ trúng đấu giá, chưa có tên trong sổ đăng ký cổ đông nên theo Luật Doanh nghiệp, Công ty Hải Phát chưa có quyền biểu quyết và số phiếu biểu quyết của cổ đông nhà nước lúc này vẫn là 63,18%.

Do đó, nghị quyết về sửa đổi điều lệ ngày 11/3/2013 là trái pháp luật, chưa kể đến lỗi nghiêm trọng về cách thức thông qua nội dung sửa đổi điều lệ khiến cho nghị quyết sửa đổi điều lệ sẽ bị hủy nếu như bị cổ đông khác kiện. Vì, theo quy định của Điều lệ Cienco5 được đăng trên website và Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì việc sửa đổi điều lệ phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp, không được thông qua theo hình thức lấy ý kiến bằng phiếu như những gì các cổ đông của Cienco5 đã làm vào ngày 11/3 và 4/4/2016.

Với cách làm trái pháp luật để thâu tóm quyền lực tại Cienco5, nhóm cổ đông của Công ty Hải Phát đối diện với những rắc rối pháp lý khó vượt qua khi đã có ý kiến từ phía cơ quan chức năng của Bộ GTVT, yêu cầu “hoàn trả” tình trạng Cienco5 về trước thời điểm ngày 11/3. Đây là hậu quả tất yếu, có thể dự báo trước và sẽ là nguyên nhân đẩy Cienco5 rơi vào vòng xoáy tranh chấp.

Đòi 49% cổ phần của Cienco 5 Land là “nhiệm vụ bất khả thi”

Ngoài việc rước lấy rắc rối khi thâu tóm quyền lực tại Cienco5 không đúng pháp luật, việc các cổ đông mới của Cienco5 muốn đòi lại 49% cổ phần tại Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land) thông qua việc yêu cầu hủy bỏ các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Cienco5 và Cienco5 Land liên quan đến việc tăng vốn của doanh nghiệp này cũng được dự báo là không đem lại kết quả gì.

Vị trí của khu đô thị Thanh Hà tại quận Hà Đông, Hà Nội

Cũng giống như những lần trước, Đại hội đồng cổ đông Cienco5 mà nhóm cổ đông Hải Phát đang danh nghĩa nắm đa số cổ phần, đã phát hành văn bản lấy ý kiến của các cổ đông về việc hủy bỏ các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc tăng vốn của Cienco5 Land.

Trong các văn bản lấy ý kiến của cổ đông có nội dung, Đại hội đồng cổ đông Cienco5 ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch HĐQT (người của Công ty Việt Phương) và ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc (người của Công ty Hải Phát) tổ chức, chỉ đạo, làm các giấy tờ gửi Cienco5 Land, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hủy các giao dịch liên quan đến dự án Thanh Hà; hủy bỏ việc tăng vốn của Cienco5 Land cũng như việc giảm vốn của Cienco5 tại Cienco5 Land. Mục đích của hành động này là để đưa cổ phần của Cienco5 về với tỷ lệ 49% của năm 2007, nhằm kiểm soát được Cienco5 Land, qua đó giành lại quyền lợi trong dự án lớn hiện nay đang do Tập đoàn Mường Thanh sở hữu.

Nhưng việc làm này của cổ đông Cienco5 cũng không có căn cứ pháp lý nào. Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, VPLS Gia Long, đây giống như một “nhiệm vụ bất khả thi”. Vì, để hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Luật doanh nghiệp chỉ cho các cổ đông thời hạn là 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp. Việc tăng vốn của Cienco5 Land lần đầu thực hiện là năm 2009 và lần cuối là năm 2014, đều đã hết thời hiệu mà pháp luật quy định nên các cổ đông không thể tự tuyên bố hủy nghị quyết hay yêu cầu tòa án hủy nghị quyết ban hành 7 năm trước được.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn của Cienco5 Land do Đại hội đồng cổ đông của Cienco5 Land quyết định, “công ty mẹ” Cienco5 không thể làm để đảo lộn ngược việc tăng vốn này khi chỉ sở hữu 5% cổ phần có quyền biểu quyết ở “công ty con” Cienco5 Land. Theo Luật sư Hoàng Đạo, việc tăng vốn của Cienco5 Land từ năm 2009 đến năm 2014 đã được pháp luật công nhận nên ngay cả Đại hội đồng cổ đông của Cienco5 Land muốn hủy bỏ việc tăng vốn này cũng là điều không thể, việc một cổ đông nắm giữ 5% cổ phần đưa ra yêu cầu này thì rõ ràng là bất khả thi.

Một “nghịch cảnh” nữa cho thấy tham vọng giành quyền lợi trong dự án khu đô thị Thanh Hà từ Cienco5 Land của các cổ đông mới ở Cienco5 không thể thực hiện là vì dự án này đã được UBND TP Hà Nội (Hà Tây cũ) cấp chứng nhận đầu tư cho Cienco5 Land và công ty này mới danh chính, ngôn thuận là chủ đầu tư dự án. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong số báo tiếp theo.

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thi-truong/nhung-buoc-di-sai-luat-cua-nhom-co-dong-hai-phat-tai-cienco5-282976.html