Những buổi sớm chợ phiên trên cao nguyên đá đẹp dân dã và đầy thú vị

Mỗi sớm thứ 5 hàng tuần, từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, thấp thoáng trên khắp các sườn núi lưng đèo, bà con đã xúng xính áo quần, người ngựa cùng nhau xuống chợ cổ Tráng Kìm. Đây là nơi kết hợp và giao thoa tinh hoa văn hóa của người Việt gốc Hoa tại Hà Giang.

Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang khoảng 10km. Chợ họp vào mỗi sáng thứ 5 hàng tuần, từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, thấp thoáng trên khắp các sườn núi lưng đèo nơi cao nguyên, bà con đã xúng xính áo quần, người ngựa cùng nhau xuống chợ. Cảnh vật giống như hình tượng trong đoạn thơ "Cảnh ngày xuân"- Truyện Kiều.

"Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm"

Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang khoảng 10 km. Từ tờ mờ sáng, thấp thoáng trên khắp các sườn núi lưng đèo nơi cao nguyên, bà con đã xúng xính áo váy, người ngựa cùng nhau xuống chợ

Những mặt hàng được bày bán ở chợ phiên Tráng Kìm khá phong phú và đa dạng và cũng khá giống với những phiên chợ dưới xuôi như sẽ có khu quần áo được bày riêng, khu ăn uống, các sạp hàng thịt tươi sống... Những sạp hàng bán vải vóc, quần áo không thể thiếu những bộ đồ truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày ở đây, cùng với đó là các sản vật đặc trưng của bà con nơi này.

Các sạp hàng bán thịt tươi sống và quán ăn được bố trí ở khu vực gần nhau, món ăn điển hình ở chợ phiên Tráng Kìm cũng chính là phở Tráng Kìm, một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Hà Giang có cách đây hàng trăm năm, do một đôi vợ chồng thương nhân người Hoa làm ra, và được lưu truyền đến tận bây giờ. Bánh phở được tráng và cắt thủ công do những người làm phở lâu năm tại đây thực hiện, nước phở đậm đà, béo ngậy cùng mỡ gà vàng óng.

Riêng khu vực trao đổi, mua bán gia súc, gia cầm được bố trí một góc riêng, cũng rất nhiều loại: gà đen, lợn tên lửa, dê, ngựa,...nhưng tại đây chủ yếu là buôn bán lợn, từ những chú lợn nhỏ cắp nách, lợn giống, đến lợn để về lấy thịt ăn ngay.

Một chú cún con được rao bán ở chợ Tráng Kìm, cô chủ mới của chú cún nhận được rất nhiều lời khen cho nét đáng yêu của chú cún này từ những người có mặt trong phiên chợ.

Chợ phiên Tráng Kìm được mở chính vào sáng thứ 5 hàng tuần và thường chỉ kéo dài đến trưa là tan. Chợ Tráng Kìm toát lên một vẻ đẹp vừa hoang sơ, mộc mạc lại vừa độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa của người Việt và người Việt gốc Hoa ở vùng cao Hà Giang. Nằm cách chợ Tráng Kìm khoảng 100km về phía Đông Bắc, chợ phiên Mèo Vạc cùng mang nét đặc trưng của vùng cao Hà Giang nhưng ẩn sâu bên trong lại là những nét riêng biệt mà chỉ tại phiên chợ Mèo Vạc mới có thể bắt gặp.

Khác với ở dưới xuôi khi thuốc lào chỉ dành cho phái mạnh, phụ nữ vùng cao hút thuốc lào và đi sắm điếu cày trong những phiên chợ, đây cũng là một thứ "dễ chơi khó bỏ" của những người phụ nữ ở Mèo Vạc.

Chủ nhật hằng tuần, chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang, được tổ chức tại trung tâm huyện, phiên chợ kéo dài từ sáng sớm đến cuối chiều. Chợ phiên Mèo Vạc là nơi để người dân tại đây đến mua, bán các sản vật, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, đồng thời cũng là dịp để đồng bào các dân tộc Mông, Giáy, Dao, Lô Lô… gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức những món ăn truyền thống.

Khác với đa số các phiên chợ, thay vì được cho vào lồng, những chú lợn được chủ buộc dây và dắt theo tới phiên chợ. Khi được giá, người mua trả tiền và nhận dây buộc lợn con hoặc chó con dắt đi.

Khu vực chợ gia súc được bố trí một góc riêng, nhiều nhất vẫn là bò bởi vùng tại cao nguyên đá này, bà con phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc. Hàng trăm con bò được cánh đàn ông đưa tới đây để chờ thương lái đến xem và chọn mua.

Đây cũng là phiên chợ có quy mô lớn nhất trong hệ thống các phiên chợ vùng cao ở Hà Giang với đủ loại vật dụng trong gia đình đến những hàng hóa nông sản, đồ ăn thức uống, các loại trang phục truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung tại đây như Mông, Tày, Lô Lô, Giáy,... Người dân buôn bán nơi đây không nói thách giá, cũng không ép mua, hàng hóa bán không hết, họ sẽ mang về và đợi đến phiên chợ sau.

Khu vực mua bán thịt tươi sống cũng là nơi sôi động và tấp nập nhất trong mỗi phiên chợ, vì chợ chỉ họp một tuần một lần, mỗi gia đình sẽ đều tìm mua về những phần tươi ngon nhất để có thể đủ cho một tuần.

Thời điểm hiện tại, khi kinh tế tại các khu vực miền núi đã phát triển hơn nhiều, bà con đã có "của ăn, của để" đời sống đã được cải thiện, trong ảnh là người chủ hàng thịt với những chiếc răng mới bằng vàng, với những đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc như Mông, Dao, Hà Nhì,... tục làm răng bằng vàng biểu thị cho sự may mắn, thành đạt, và người có càng nhiều răng vàng thì chứng tỏ người đó càng... thành đạt, giàu có.

Lữ Phụng Tiên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-buoi-som-cho-phien-tren-cao-nguyen-da-dep-dan-da-va-day-thu-vi-20240330093415299.htm