Những ca khúc nổi tiếng bị kiện vì đạo nhái

Nhiều sản phẩm âm nhạc thành công của các ngôi sao nổi tiếng vướng kiện cáo vì đạo nhái.

Blurred Lines: Blurred Lines là bản hit lớn trong năm 2013, được sản xuất bởi Robin Thicke, T.I. và Pharrell Williams. Ngay sau khi ra mắt, ca khúc nhanh chóng dẫn đầu các bảng xếp hạng trên 20 quốc gia. Blurred Lines là một trong những single được tiêu thụ nhiều nhất lịch sử âm nhạc với trên 14,8 triệu bản bán được toàn cầu. Tuy nhiên, bài hát bị gia đình cố nghệ sĩ Marvin Gaye kiện sao chép tác phẩm Got to Give It Up nổi tiếng của ông. Năm 2015, phía Pharrel Williams nhận thua và phải bồi thường cho gia đình cố nghệ sĩ Marvin Gaye 5,3 triệu USD. Blurred Lines không bị gỡ khỏi các website âm nhạc và gia đình Marvin Gaye sẽ được hưởng 50% doanh thu lợi nhuận từ ca khúc.

Uptown Funk: Uptown Funk là ca khúc đã đem về cho Bruno Mars và Mark Ronson giải thưởng Bản thu âm của năm tại Grammy 2016. Tuy nhiên, ca khúc này liên tiếp khiến chủ nhân của nó bị kiện vì đạo nhái. Vào năm 2015, ban nhạc The Gap Band đã nộp đơn kiện đòi bản quyền vì sự giống nhau giữa Uptown FunkOops Upside Your Head. Cuối cùng, ban nhạc này chiến thắng và được chia tiền hoa hồng. Đầu năm 2016, nhóm rapper nữ The Sequence cho rằng, ca khúc Funk You Up của nhóm đã được Bruno “mượn tạm” và “lấy cảm hứng” để sáng tác hit Uptown Funk. Lần thứ ba là vào tháng 10/2016, nhóm nhạc funk-soul Collage khẳng định Uptown Funk đạo Young Girl được phát hành vào năm 1983 của nhóm từ giai điệu đến cấu trúc bài hát.

Photograph: Tháng 6/2016, Ed Sheeran với tác phẩm Photograph, sau này trở thành nhạc phim chính của bộ phim Me Before You bị cho là lấy cắp giai điệu từ ca khúc Amazing của hai nhạc sĩ Thomas Leonard và Martin Harrington. Trong đơn tố cáo, hai nhạc sĩ trên khẳng đoạn điệp khúc của hai bài hát có rất nhiều nét tương đồng. Họ còn gửi đính kèm các bản hợp âm cả hai bài hát để củng cố lập luận của mình. Tuy nhiên sau đó, phía tòa án tuyên bố Ed thắng kiện vì cho rằng hai ca khúc chỉ có sự tương đồng ở mức cơ bản.

Shake It Off: Năm 2017, Sean Hall và Nathan Butler đâm đơn kiện Taylor Swift đạo lời sản phẩm âm nhạc nổi tiếng của họ. Cụ thể, ca khúc Shake It Off nằm trong album 1989 phát hành năm 2014 của Taylor Swift bị tố đạo một đoạn lời của Playas Gon 'Play ra mắt năm 2001. Trong Shake It Off có đoạn "Cause the players gonna play, play, play, play, play. And the haters gonna hate,...". Trong khi đó, đoạn lời của Playas Gon 'Play là "Haters gone hate, playas gone play. Watch out for them fakers, they’ll fake you everyday". Tuy nhiên, tòa án cho rằng cụm từ được đưa ra như bằng chứng tố cáo sự sao chép ý tưởng là quá ngắn và có sự khác biệt giữa 2 ca khúc.

Stars: Trong đơn kiện trình lên tòa án liên bang ở California, hai thành viên Alexis Krauss và Derek Miller của nhóm nhạc tại Brooklyn tố cáo ca khúc Stars trong album nổi tiếng Confident năm 2015 của Demi Lovato có nhiều chất liệu âm nhạc quan trọng lấy từ ca khúc Infinity Guitars năm 2010 của họ. Trong đơn kiện gửi tòa, nhóm nhạc yêu cầu tòa ra phán quyết cấm ca sĩ Lovato tiếp tục sử dụng ca khúc Stars và bồi thường thiệt hại cho họ. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ kiện vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.

We Can't Stop: Năm 2018, một nhạc sĩ người Jamaica đã đệ đơn kiện trị giá 300 triệu USD đối với Miley Cyrus, tuyên bố rằng ca khúc We Can’t Stop từ năm 2013 của nữ ca sĩ quá giống với lời ca khúc We Run Things mà ông đã phát hành hơn 25 năm trước. Cụ thể, trong We Run Things, Michael hát: "We run things/ Things no run we", trong khi Miley hát "We run things/ Things don’t run we" trong We Can’t Stop. Đến nay vụ kiện vẫn đang chờ phán quyết cuối cùng từ phía tòa án.

Dark Horse: Ngày 29/7/2019, New York Times đưa tin Katy Perry chính thức thua kiện trong vụ ca khúc Dark Horse của cô bị tố là sản phẩm đạo nhái Joyful Noise thuộc sở hữu của rapper tên Flame. Cụ thể, Katy Perry bị tố sử dụng giai điệu từ ca khúc được Flame sáng tác 12 năm trước mà không xin phép.

Hà Trang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-ca-khuc-noi-tieng-bi-kien-vi-dao-nhai-post1044709.html