Những ca phẫu thuật ghép bàn tay kinh điển 'phù phép' bàn tay đứt rời thành lành

Nhờ kỹ thuật điêu luyện của các bác sĩ phẫu thuật, nhiều bàn tay đứt lìa đã được nối lại.

Nghẹt thở việc "trồng" lại chi

Gần đây nhất, ngày 22/6/2018 Khoa Phẫu thuật Bàn tay và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thành công trồng lại bàn tay đứt rời cho bé gái 31 tháng tuổi bị máy cắt cỏ cắt đứt rời hoàn toàn bàn tay trái. Theo BSCKII. Bùi Việt Hùng - kíp trưởng phẫu thuật vi phẫu, khó khăn trong khi tiến hành phẫu thuật trồng lại bàn tay bị đứt rời là bệnh nhân nhi mới 31 tháng tuổi, mạch máu rất nhỏ, thời gian bàn tay bị đứt rời cũng khá lâu, nhiều nguy cơ xảy ra trong quá trình gây mê, phẫu thuật và hậu phẫu. Sau 3,5 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã trồng lại thành công bàn tay cho bệnh nhân nhi mới 31 tháng tuổi này. Sau mổ bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu tốt, được xuất viện sau 12 ngày điều trị.

Hình ảnh bàn tay bệnh nhân trước khi xuất viện

Tiếp đến là trường hợp nam bệnh nhân (44 tuổi, ở Hưng Yên) bị máy cắt giấy cắt lìa cổ tay trong lúc lao động. Bệnh nhân đã được sơ cứu và bàn tay đứt rời được ngâm lạnh. Ca mổ kết thúc sau 10 giờ phẫu thuật với sự nỗ lực của tất cả ê kíp cấp cứu. ThS.BS Lương Thanh Tú – chuyên khoa phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, sau 3 ngày phẫu thuật đầu ngón tay của nam bệnh nhân đã hồng ấm, phản hồi mao mạch tốt, phần chi rời có những dấu hiệu hồi phục nhanh.

Một ca đứt lìa tay khác. Vào khoảng 23h ngày 10/4, bệnh nhân M. được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ra Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng bị chém đứt lìa nửa bàn tay trái và các vết thương khác.

Tuy đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quãng Ngãi sơ cứu băng bó vết thương và xử lý bảo quản bàn tay đứt lìa nhưng do mất máu quá nhiều, di chuyển cấp cứu một chặng đường xa nên bệnh nhân M. đã rơi vào tình trạng hôn mê.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã nhanh chóng đánh giá mức độ tổn thương và chuẩn bị cho cuộc mổ vi phẫu nối chi đứt rời.

Ca mổ kéo dài 7 tiếng để tái lập tuần hoàn máu, nối ghép thần kinh, hệ thống gân... và đã thành công tốt đẹp.

Vẫn chưa có kỹ năng sơ cứu

Những ca phẫu thuật này phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn bảo quản phần chi thể đứt rời trước đó. Không ít bệnh nhân nhập viện được chỉ định phẫu thuật, nhưng vì đến muộn và không bảo quản, hoặc bảo quản không đúng cách nên đoạn đứt rời đã hỏng. Nhiều trường hợp chi thể bị đứt được gói bọc vội vàng, chuyển đến viện mà không hề bảo quản lạnh. Một số khác bảo quản lạnh nhưng lại để tiếp xúc trực tiếp với nước đá làm chi bị hoại tử do bỏng lạnh, phẫu thuật cũng không thành công.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Nga (Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong khi làm bếp đã vô tình chặt gần đứt ngón tay cái. Một tổn thương tưởng sẽ phục hồi dễ dàng vì ngón tay chưa đứt rời. Không ngờ khi nhập viện bà Nga mới hay phần đứt rời không được bảo quản đã thâm tím, hoại tử, phẫu thuật không thể ráp nối lại.

Sơ cứu bảo quản tốt là chìa khóa giúp ca phẫu thuật thành công

Theo các bác sĩ, ở nhiệt độ môi trường 25-30độC, thời gian có thể cứu sống được chi thể đứt rời là sau 6-8 giờ, nhưng nếu bảo quản ở nhiệt độ 4-5độC thời gian sống của tế bào sẽ kéo dài hơn gấp đôi, gấp ba. Điều kiện lý tưởng này hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tế bằng cách đơn giản: rửa sạch chi bị đứt rời dưới vòi nước máy, bọc trong 1-2 lớp gạc vô trùng (hoặc vải sạch), rồi cho vào túi nilông, thổi phồng, buộc kín để vào xô nước đá, tránh để phần chi thể tiếp xúc trực tiếp với đá. Nếu bảo quản tốt, cánh tay, bàn tay có thể giữ được tối đa sau 14-20 giờ bị tai nạn; 24-48 giờ đối với ngón tay, thậm chí có trường hợp khâu nối thành công ngón tay bị đứt rời sau 92 giờ.

Giá trị nhân văn vô cùng lớn

Bác sĩ Đào Văn Giang, P. trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, tạo hình – Thẩm mỹ, BV Việt Đức tâm sự việc đưa kỹ thuật vi phẫu vào để giúp các bệnh nhân được nối lại những phần chi thể bị đứt lìa có ý nghĩa rất lớn với bệnh nhân vì mất mũi, mất tai, mất tay, chân, mất bất cứ phần nào cơ thể đều ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ của bệnh nhân. Đặc biệt vấn đề tâm lý cũng bị ảnh hưởng, bệnh nhân có thể tự ti, mặc cảm, xấu hổ và khó hòa nhập lại với cuộc sống, lao động, công tác.

Vi phẫu thuật được ứng dụng nhiều trong y học, đặc biệt là phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh ứng dụng trong trồng lại bộ phận cơ thể đứt rời (như bàn tay, ngón tay, chân, môi mũi, tai, dương vật,…), tạo hình che phủ bằng các vạt tự do, ghép tạng,…

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện 108, việc “trồng” lại chi thể đứt rời nên thực hiện càng sớm càng tốt sau tai nạn. Người bệnh cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế có triển khai kỹ thuật vi phẫu như Bệnh viện 108 (Hà Nội), Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình TP.HCM để phẫu thuật kịp thời.

Minh Dân (t/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/y-te/phu-phep-nhung-ca-phau-thuat-ghep-ban-tay-kinh-dien-made-in-vietnam-a236324.html