Những cách giúp trẻ hòa thuận với em sắp ra đời

Trẻ nhỏ sẽ xáo trộn tâm lý khi phải chia sẻ đồ chơi và cả bố mẹ vì có em. Hành động đúng cách, phụ huynh sẽ không khiến xáo trộn đó trở thành cú sốc tinh thần. Dưới đây là những cách dễ thực hiện trong gia đình.

1. Chia sẻ với con cái

Nói về đứa em sắp chào đời

Cha mẹ cần thành thật và giải thích với con rằng lúc em vừa chào đời sẽ ngủ, ăn và khóc, không chơi cùng con ngay lập tức.

Khuyến khích con tương tác với em bằng cách "nói chuyện với bụng của mẹ", vỗ về em bé trong bụng hoặc cảm nhận em đang quẫy đạp. Hãy cùng con lên kế hoạch vui chơi với em bé khi em chào đời.

Nếu cần thay đổi phòng của con, nên làm trước khi con nhỏ chào đời. Như vậy, đứa trẻ sẽ không cảm thấy mình bị thay thế.

Mối quan hệ anh chị em trong gia đình là quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và hành vi của trẻ. Nghiên cứu cho thấy anh chị em hòa đồng có thể thúc đẩy khả năng đồng cảm trong khi anh chị em bắt nạt lẫn nhau tạo ra cảm xúc tiêu cực, hành vi bạo lực. Các bậc cha mẹ đều mong con cái hòa thuận nhưng không nói ra nên trẻ không hiểu rằng phải đối xử tốt với anh chị em.

Phụ huynh nên chia sẻ mong muốn các con đoàn kết, gắn bó với nhau. Khi các con hòa thuận, bạn hãy bảo rằng khoảnh khắc này khiến bạn hạnh phúc và bạn mong nó sẽ được duy trì. Khi các con đánh nhau, hãy thể hiện bạn cảm thấy buồn, thất vọng và hy vọng các con sẽ sửa đổi.

Ảnh: Internet

2. Không phớt lờ

Nhiều cuốn sách viết rằng cha mẹ không nên can thiệp vào xung đột của con cái để các em hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, tính độc lập. Tuy nhiên, theo giáo sư Kramer, đây là phương pháp sai lầm, chưa được kiểm chứng.

Trẻ em không biết cách xử lý các xung đột, đặc biệt là anh chị em đang trong độ tuổi trưởng thành. Ngay cả người lớn cũng phải học cách để kiểm soát mâu thuẫn với mọi người xung quanh. Nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn các con phát triển kỹ năng giải quyết xung đột.

Khi các con cãi nhau, bạn hãy khuyến khích chúng tách nhau ra, chuyển ra hai vị trí cách xa nhau để hạn chế những hành vi hoặc quyết định bốc đồng. Tiếp đó, hướng dẫn các con lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ về những điều chúng muốn và chia sẻ với anh chị em. Hãy luyện tập cách giải quyết này thường xuyên, như việc học môn thể thao.

Đừng lấy em bé ra làm lý do

Hãy cẩn thận khi lấy con nhỏ ra làm một cái cớ cho việc bạn không thể làm điều gì - kể cả đó là sự thật.

"Mẹ không thể giúp con, mẹ phải chăm em". "Trật tự đi, con sẽ làm em thức giấc đấy", "Em đang ngủ nên chúng ta không thể đi chơi đâu"... là những câu khiến đứa lớn nghĩ rằng nguồn gốc của mọi bất hạnh là do em. Nó sẽ ghét bỏ em mình, thậm chí có hành động gây tổn thương cho em.

Giữ lịch sinh hoạt đều đặn

Có thêm một đứa trẻ sẽ khiến hầu hết các gia đình rơi vào cảnh bối rối. Tuy nhiên, nên cố gắng duy trì một lịch trình đều đặn để giúp con lớn cảm thấy bớt lo lắng.

Hãy đảm bảo con được nuôi dạy, tham gia vào mọi hoạt động chúng vẫn làm khi chưa có em, thức dậy và đi ngủ đúng giờ.

3. Giải thích

Đôi khi một đứa trẻ sẽ nhận được sự chú ý của cha mẹ hơn anh chị em. Cũng có trẻ cần được nuôi dạy nghiêm khắc hơn trong khi bé khác được nuôi dạy mềm mỏng. Việc đối xử, nuôi dạy con cái không bao giờ giống nhau vì mỗi đứa trẻ một tính cách khác biệt. Nhưng trẻ nhỏ không nhận ra điều này mà thường so sánh, ghen tị với nhau.

Các xung đột phần lớn cũng xuất phát từ sự so sánh này nên cha mẹ rất cần quan tâm đến thái độ, cảm xúc của các con. Khi đối xử với các con khác nhau, bạn nên giải thích lý do. Chẳng hạn, con út bị ốm nên cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm hơn con lớn. Bạn hãy nói với con lớn rằng: "Vì em đang ốm nên bố mẹ phải để ý em nhiều hơn. Chúng ta đều mong em sớm khỏe lại nên con hãy cùng bố mẹ chăm sóc em nhé".

Nếu đã giải thích lý do nhưng trẻ vẫn khăng khăng là cha mẹ đang thiên vị, bạn cần đánh giá lại thái độ và hành vi của mình.

Tặng quà

Chắc chắn em nhỏ sẽ được tặng rất nhiều quà. Vì vậy, thi thoảng hãy tạo bất ngờ cho đứa lớn của bạn bằng một món quà.

Nó không cần thứ gì quá to tát và lạ mắt, chỉ cần bạn tặng quà sẽ khiến con biết mình quan trọng và được yêu thương.

Quan tâm con lớn hơn

Đừng chỉ để ý đến con nhỏ mà không dành thời gian cho anh/chị của nó - cũng chỉ là trẻ con. Ảnh minh họa: Brightside.

Cha mẹ nên phân nhau chăm con nhỏ, để có thời gian chất lượng cho đứa lớn. Hãy cho con quyền chọn chơi gì, làm gì cùng bố mẹ trong khoảng thời gian đó.

Bạn cũng nên tạo không gian riêng tư cho con và dành cho nó thứ không cần chia sẻ với em. Ở đó, em bé không được bò đến phá hỏng đồ chơi của anh/chị.

4. Khuyến khích làm việc cùng nhau

Đừng chỉ để ý đến con nhỏ mà không dành thời gian cho anh/chị của nó - cũng chỉ là trẻ con. Ảnh minh họa: Brightside.

Trẻ em sẽ thân thiết, gắn bó hơn nếu được tham gia các hoạt động cùng nhau. Ngày nay, trẻ bị cuốn vào việc học, hoạt động ngoại khóa, thiết bị công nghệ nên anh chị em trong gia đình ít có thời gian dành cho nhau, từ đó hạn chế khả năng thấu hiểu, chia sẻ giữa các thành viên.

Bạn nên khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian chơi đùa cùng nhau hoặc cùng tham gia một số hoạt động ngoại khóa. Cuối tuần, cả nhà có thể cùng đi chơi, đi dã ngoại hoặc xem phim tại gia để gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên.

Khuyến khích cùng chăm em

Nhờ đứa lớn chăm đứa nhỏ, nhưng đừng thúc giục nếu nó không muốn. Hãy thường xuyên nói về vai trò quan trọng của một người anh, người chị trong gia đình để xem con có muốn lấy tã, sữa, chọn quần áo hay đưa nôi cho em không.

Bạn nên thử dạy con lớn cách đeo tất, lấy sữa cho em. Chúng sẽ cảm thấy tự hào vì sự "trưởng thành" của mình, khi được giao trách nhiệm.

Dạy con tương tác với em

Trẻ có thể thô bạo một cách tự nhiên, nên hãy dùng búp bê hoặc thú nhồi bông làm mẫu để dạy chúng cách nhẹ nhàng chạm vào em và bế em.

Hướng dẫn bé cách xoa lưng, ôm em đúng cách. Nói với đứa lớn rằng cách tiếp xúc như vậy sẽ giúp em dễ chịu và khen ngợi nó khi đã hoàn thành tốt việc này.

Chứng minh em bé là người thật

Hãy cho con biết em bé là một con người nhỏ bé có nhu cầu và sở thích riêng. Giải thích với nó rằng đứa em sơ sinh cần sữa, tã và ngủ nhiều, có thứ em thích và không thích.

Cho con bạn xem những bức ảnh lúc nhỏ của nó. Bằng cách nhìn lại mình, trẻ dễ liên hệ với em bé mới chào đời.

Khẳng định các con đều đặc biệt

Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không so sánh các con, ngay cả về những chủ đề có vẻ ngây thơ như: cân nặng khi sinh, mấy tháng thì bò hoặc đi, ai có nhiều tóc hơn...

Cũng đừng nói đứa này thông minh hơn, xinh đẹp hơn đứa kia - những điều dễ khiến trẻ ghen tị.

Không chỉ bố mẹ, ông bà và những người xung quanh cũng đều phải lưu tâm điều này.

Ngọc Anh (T/H)

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/nhung-cach-giup-tre-hoa-thuan-voi-em-sap-ra-doi-75760.html