Những căn hầm 'tuyệt mật' giữa lòng Hà Nội

Nằm trong khuôn viên Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, những căn hầm 'tuyệt mật' thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Du khách đến đây sẽ được trở về một thời hào hùng của quân và dân ta.

Góp phần đập tan cuộc tập kích 12 ngày đêm

Trung tuần tháng 5-2019, chúng tôi đến Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Các đoàn khách tìm đến đây bất chấp cái nóng oi ả của ngày hè. Hôm nay, bác Trương Hữu Tiến, 70 tuổi, quê ở Quảng Ninh cùng người thân đến đây để tham quan, tìm hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử hào hùng.

Ðiểm dừng chân đầu tiên của bác Tiến và người thân là căn Hầm Chỉ huy tác chiến T1 – Bộ Tổng tham mưu. Hầm được xây dựng từ những ngày đầu Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (cuối năm 1964, đầu năm 1965).

 Bên trong căn Hầm 59.

Bên trong căn Hầm 59.

Là một cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ mặt trận phía Nam, đứng trước những kỷ vật (máy thu vô tuyến, điện đàm, loa truyền thanh hữu tuyến…) được trưng bày trong căn hầm, bác Tiến không khỏi xúc động. Ông bảo, quân và dân ta thời kỳ bấy giờ kiên cường lắm. Quân địch càng gia tăng ném bom, bắn phá bao nhiêu, thì quân và dân ta lại càng hạ quyết tâm cao bấy nhiêu. Ý chí quật cường, không quản hy sinh anh dũng lại càng được hun đúc.

Ðể đảm bảo an toàn nơi làm việc của trực ban tác chiến Cục Tác chiến đồng thời là trung tâm chỉ đạo, chỉ huy của Tổng Tư lệnh và Bộ tổng Tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ tổng Tham mưu đã quyết định xây dựng căn hầm kiên cố liền kề phía Tây ngôi nhà của Cục Tác chiến. Cơ quan quản lý Bộ Tổng Tham mưu và đơn vị thiết kế thi công đặt tên căn hầm là T1.

Theo chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn, thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, căn hầm được xây dựng bởi gần 300 cán bộ, chiến sĩ có chuyên môn trong thi công, thiết kế được tuyển lựa từ Trung đoàn 259 – Cục Công Binh.

Với mục đích giữ bí mật, Cục Công binh được lệnh phá sập toàn bộ tầng hai nhà làm việc Cục Tác chiến để ngụy trang che mắt máy bay do thám của địch. Hầm có kết cấu như một công sự, nửa nổi nửa chìm, ba phần tư chìm dưới lòng đất, chỉ có nóc hầm nhô lên trên bằng bê tông nguyên khối với ba lớp. Lớp chắn bên trên nóc dầy khoảng 40cm và ở giữa là khoảng không chứa cát có chức năng dàn lực nếu bom đạn đánh trúng nóc hầm thì lực xuyên phá sẽ được dàn đều.

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ hướng dẫn, thuyết minh, tiến vào bên trong căn hầm, chúng tôi thêm thấy được sự sáng tạo trong nghệ thuật xây hầm, cộng sự tác chiến của quân và dân ta ngày đó. Bởi không chỉ có lớp chắn trên nóc, nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng chỉ huy tác chiến, căn hầm còn “phủ” thêm một lớp bê tông có độ dầy khoảng 1,5m, có thể chịu đựng được bom tấn, tên lửa cũng như bom nguyên tử, hóa học.

Mặt khác, hầm có cửa nặng bên ngoài có công năng phòng chống sóng áp lực nguyên tử; bên trong là cửa nhẹ rất kín chống tia phóng xạ, hơi độc. Với diện tích 64m2, Hầm tác chiến T1 chia thành ba phòng riêng biệt gồm: Phòng giao ban tác chiến, Phòng trực ban tác chiến và Phòng đặt trang thiết bị, động cơ.

Trong đó, Phòng trực ban tác chiến chính là nơi làm việc liên tục suốt 24/24h của kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu đảm nhiệm. Trong căn phòng này có nhiều máy điện thoại ở các ca bin riêng biệt liên lạc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước, quân đội… các cơ quan quan trọng khác để nhận tin về địch,...

Nhân chứng lịch sử trở lại thăm Hầm 59 và 66 trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Với vai trò là trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, tất cả các sự kiện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra đều có sự tham gia tích cực của Hầm Chỉ huy tác chiến T1 mà điển hình là chỉ huy đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 vào Hà Nội. Buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sớm mở cửa hai căn hầm trọng yếu

Có thể khẳng định rằng, cùng với sự quyết tâm của quân và dân ta, những căn hầm “tuyệt mật” nằm dưới lòng đất nơi Thủ đô Hà Nội đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cho cơ quan chỉ huy tối cao, cho những mệnh lệnh chỉ huy cuộc kháng chiến phát đi được kịp thời, thông suốt. Và trên hết, những trận đánh lịch sử theo đó được triển khai.

Những căn hầm “tuyệt mật” trong khuôn viên Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay như: Hầm tác chiến T1, Hầm D67 không chỉ là di tích lịch sử cách mạng, mà còn là những công trình đặc biệt ghi dấu ấn tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Du khách đến đây tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến những kỷ vật, chứng tích lịch sử, được sống lại một thời hào hùng của quân và dân ta.

Chị Bùi Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, các di tích cách mạng là một phần quan trọng của khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh các di tích đã phát huy giá trị mở cửa đón khách tham quan như: Di tích hầm Cục tác chiến, Nhà và hầm D67, còn có một số di tích khác như hầm 59 và 66.

Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai Kế hoạch Nghiên cứu, sưu tầm thông tin tài liệu về hai căn hầm 59 – 66 và đã tổ chức buổi “Tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử Hầm 59 và Hầm 66 tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”.

Ðây là buổi gặp gỡ giữa các nhân chứng, các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử quân sự, lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa – lịch sử để trao đổi, thu thập thông tin về hai căn hầm này. Qua đó nhằm bổ sung thông tin, tư liệu, chia sẻ phương pháp bảo tồn và định hướng khôi phục phát huy giá trị hai căn hầm.

Hầm 59 và Hầm 66 tạm đặt tên theo năm xây dựng 1959 và 1966. Hầm được xây dựng ở phía Bắc nền Ðiện Kính Thiên, khu vực nhà và Hầm D67 (nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung tương – Bộ Tổng tư lệnh…). Cùng với hầm tác chiến T1, Hầm D67, Hầm 59 và Hầm 66 còn được biết đến là phòng làm việc, là trung tâm chỉ huy đầu não trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ; là nơi thực hiện những mệnh lệnh phối hợp tác chiến, chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Có mặt tại khu vực Hầm 59 và Hầm 66 tọa lạc, chúng tôi nhận thấy, các căn hầm này được thiết kế đủ sức chống chịu các cuộc tấn công bằng bom, tên lửa hạng nặng. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, do đang trong quá trình thu thập, bổ sung thêm tư liệu, hiện vật lịch sử cũng như chỉnh trang lại căn hầm, nên Hầm 59 và Hầm 66 hiện chưa mở cửa.

Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trực thuộc UBND TP Hà Nội có chức năng quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Khu di tích Cổ Loa và Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là địa danh di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của thành phố Hà Nội và của cả nước.

Du khách tham quan bên trong căn Hầm D67

Hằng năm, có khoảng 400 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long (trong đó có các căn hầm “tuyệt mật” thời kỳ chống Mỹ). Tính riêng trong quý 1 – năm 2019, Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đón hơn 183 ngàn lượt du khách (tăng 58,1% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó số lượt khách quốc tế là trên 61 ngàn.

Trần Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/ddb-nhung-can-ham-tuyet-mat-giua-long-ha-noi-549981/