Những căn nhà xập xệ và cuộc di cư trong di tích Kinh Thành Huế

Trước Dự án di dời có thể nói mang tính lịch sử đối với hơn 4.200 hộ/ hơn 1,5 vạn dân đang sống 'treo' trong khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế, đã và đang có những chuyến khảo sát, nắm bắt tình hình của các đơn vị liên quan. Ở đó, tiếng nói của người dân được chú ý một cách kỹ càng. Bởi sẽ cần có các chính sách đặc thù khi thực hiện cuộc di dời này.

Sự nhếch nhác của khu vực Hộ Thành Hào - Kinh Thành Huế trước việc cơi nới, lấn chiếm di tích mà người dân địa phương gây ra

Sự nhếch nhác của khu vực Hộ Thành Hào - Kinh Thành Huế trước việc cơi nới, lấn chiếm di tích mà người dân địa phương gây ra

Kinh Thành Huế - một công trình di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự, nằm trong quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Qua hơn 200 năm tồn tại, trải qua những biến cố của lịch sử và dưới sự tác động của thiên nhiên lẫn bàn tay con người, công trình đã hư hỏng, xuống cấp thậm chí có những công trình kiến trúc bên trong đã “biến mất”.

Tại nhiều điểm di tích, trải qua thời gian dài, nhiều người dân đã lấn chiếm dần mặt bằng của công trình kiến trúc, để xây dựng nhà ở, làm vườn trồng rau màu, làm xưởng sản xuất…Tình trạng này không chỉ diễn ra trong Thành Nội, ngoài thành giai, trên mặt hào mà còn ngay trên thượng thành, trong lòng các pháo đài (gọi là eo bầu) và trên tuyến phòng lộ… của Kinh Thành.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, năm 1995: số hộ dân sống “treo” trong khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế là 1.838 hộ dân; đến năm 2003 tăng thêm 438 hộ. Con số này không ngừng tăng lên qua các năm và đến thời điểm hiện tại (2018), có khoảng 4.200 hộ (50% là hộ phụ) với hơn 1,5 vạn nhân khẩu đang sống “treo” trong di tích.

Việc người dân cư ngụ ngay trong khu vực 1 di tích đã gây nhiều tác động tiêu cực đến công trình, như: làm giảm giới hạn tầm nhìn, giảm vẻ mỹ quan; ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc; gây ô nhiễm môi trường…Trong khu vực Kinh Thành có hơn 40 hồ thì nay đã bị lấp đi gần 1/5, số còn lại đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của chính người dân trong khu vực. Ngoài ra, xung quanh di tích Kinh Thành Huế ngày nay vẫn còn hiện hữu 13 lô cốt quân sự bằng bê tông cốt thép. Những lô cốt này đều được xây dựng từ trước 1975. Trong thời bình, sự tồn tại số lô cốt này không chỉ gây phản cảm, mà còn trở thành nơi tập trung tệ nạn xã hội, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và giá trị di tích.

Tình trạng lấn chiếm ngày càng diễn ra nghiêm trọng, khiến diện tích Hộ Thành Hào bị nhỏ lại, nước trong hào ô nhiễm nặng

Có thể nói, hiện nay chúng ta được ngắm nhìn một Đại Nội Huế nguy nga, tráng lệ sau nhiều nỗ lực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo của địa phương. Bộ mặt chính của Kinh Thành Huế đã dần dần hiện hữu khi các công trình kiến trúc bên trong được phục dựng gần như khớp với kiến trúc cũ. Tuy nhiên, ẩn trong lớp da, thậm chí là ngay trên bề mặt bộ da đẹp đẽ ấy vẫn còn những “khối u” cần được giải phẫu để trả lại vẻ đẹp xưa cũ cho nó. Và, việc thực hiện Dự án di dời các hộ dân sống trong khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế chính là biện pháp hữu hiệu và trực tiếp nhất.

Song việc di dời các hộ dân này cũng không phải là việc đơn giản. Theo ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc TT BTDTCĐ Huế cho biết, từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay, Thừa Thiên Huế mới chỉ thực hiện di dời được 1.050 hộ dân tại các khu vực thuộc di tích. “Tốc độ di dời như vậy là khá chậm”, ông Tuấn nhận xét. Như vậy, việc thực hiện Dự án di dời hơn 4.200 hộ trong giai đoạn từ 2019 – 2025 chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, không chỉ bởi vấn đề tài chính mà còn cần cả sự đồng thuận của người dân.

Thượng Thành và các Eo bầu bị người dân chiếm dụng để xây dựng nhà ở, làm vườn trồng rau màu

Để làm được điều này, quan trọng là phải hiểu được: dân ở đây là ai? họ cần những gì? và, phải trả lời được: họ sẽ được hỗ trợ những gì? Bởi, hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực 1 di tích không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà không phép trên công trình di tích, hay làm nhà chồ trên mặt nước. Do đó, nếu chiếu theo quy định hiện hành, thì các trường hợp này không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Mặt khác, phần lớn các hộ dân tại khu vực nói trên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghề nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Một số người có hoàn cảnh đặc biệt cũng cần chú ý.

Có thể kể ra những trường hợp như của bà Võ Thị Nhạn (71 tuổi) hiện đang cư ngụ tại khu nhà và đất số 50 Nguyễn Chí Diểu, TP. Huế. Khu nhà này trước đây là Thượng Thư Đường của Bộ Công dưới triều Nguyễn. Tại một căn nhà lúp xúp, xập xệ, có nhiều hạng mục gỗ đã bị hoai mục, gạch ngói hư hỏng, bà Nhạn cho biết, nhiều lúc trong nhà bà vẫn phải đội mũ bảo hiểm vì sợ gạch ngói rời vào đầu. Khi mưa bão, bà phải chạy sang trường học bên cạnh tá túc; còn khi mưa nhỏ, bà phải kéo chiếc giường xếp của mình liên tục nhằm kiếm chỗ không giột mà nằm. “Bản thân tôi là một cựu Thanh niên xung phong, bị nhiễm chất độc da cam, sau đó về làm việc ở Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và được Tỉnh ủy phân về ở đây đã 32 năm nay. Ở trong căn nhà hư hỏng như vậy, lại có một thân một mình nên tôi rất lo sợ. Tới đây nếu nhà nước có chủ trương di dời thì xin hỗ trợ cho tôi một lô đất hoặc cho tôi ít tiền để về quê Phú Lộc mua đất làm nhà ở, chứ tôi nhất định không ở chung cư”, bà Nhạn bộc bạch. Được biết, tại khu nhà và đất này hiện có 14 hộ dân đang sống tạm bợ với những mối lo chẳng khác gì của bà Nhạn.

Căn nhà bà Nhạn đang ở mà thoạt nhìn cứ tưởng nhà hoang

Hay như trường hợp của cụ bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi) hiện đang cư ngụ cùng 2 đứa cháu tại khu nhà và đất số 82 Hàn Thuyên. Đây là nơi tọa lạc của di tích Khâm Niên Giám được xây dựng dưới triều Nguyễn. Bà cụ Duyệt cho biết, bà về làm dâu ở đây đã được 52 năm và sinh sống trong căn nhà tại khu đất này từ đó đến nay. Theo bà, trước đây bố chồng của bà làm việc trong Bộ Lễ của triều Nguyễn thời Pháp thuộc, nên gia đình chồng được cho vào ở tại khu Khâm Niên Giám này. Bà cụ Duyệt cũng mong muốn được hỗ trợ để di dời đến một nơi khác ở và trả lại đất cho nhà nước.

Những căn nhà xập xệ, hư hại do không được sửa sang lọt thỏm trong di tích

Các trường hợp khác mà chúng tôi được tiếp xúc nhà bà Võ Thị Kim Cúc (73 tuổi), Trịnh Xuân Lộc (64 tuổi), đều trú tại khu vực Thượng Thành đường Xuân 68 (thuộc phường Thuận Thành, TP. Huế) cũng cho biết là đã nghe về chủ trương di dời và mong được Nhà nước hỗ trợ khi đến nơi ở mới.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/di-doi-hon-15-van-dan-trong-di-tich-kinh-thanh-hue-d83633.html