Những cánh đồng gây quỹ

Không chỉ góp phần giúp các cơ sở Đoàn có thêm nguồn thu ổn định, mô hình 'Mượn đất gây quỹ' của tuổi trẻ Nghệ An làm sống dậy nhiều diện tích đất bị bỏ trống, bỏ hoang; đồng thời thu hút được đông đảo ĐVTN hào hứng tham gia các hoạt động, tạo thêm khí thế Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2018.

ĐVTN huyện Nghi Lộc (Nghệ An) thu hoạch lạc để gây quỹ. Ảnh: FB Huyện Đoàn Nghi Lộc

Có quỹ, các phong trào phát triển

Trên diện tích đất hơn 2.000m2 từng là nơi gieo mạ của người dân, bỏ trống gần hai năm nay ở bản Thanh Bình (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) giờ được các bạn trẻ “phù phép” thành cánh đồng mía xanh tốt. Đây là công trình của ĐVTN bản Thanh Bình. “Cánh đồng mía bản Thanh Bình là mô hình thí điểm mượn đất trống, hoang để canh tác gây quỹ hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Chi đoàn bản cũng trồng xen ngô trên cánh đồng mía và đã thu hoạch được một vụ”, chị Lang Thị Diều - Bí thư Đoàn xã Thạch Ngàn, cho biết.

Theo chị Diều, chi đoàn bản đã vận động ĐVTN ở nhà và những người đi làm ăn xa quyên góp tiền, góp công để mua giống, phân bón và làm đất. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân, phụ huynh của các ĐVTN bởi mục đích tốt đẹp: gây quỹ tổ chức các hoạt động, phong trào cho thanh thiếu nhi. “Khi có quỹ, không chỉ các phong trào như thể thao, văn nghệ…phát triển, mà ngay cả những ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn có thể vay vốn phát triển kinh tế”, chị Diều cho biết thêm.

Nhận thuê, mượn đất trống, đất hoang canh tác gây quỹ đã góp phần tạo nguồn kinh phí “sung túc” cho nhiều cơ sở Đoàn tại Nghệ An. Tại huyện Nghi Lộc, đến nay đã có 7 đoàn xã, thị trấn và 5 chi đoàn khối cơ quan trực thuộc được chính quyền địa phương, cơ quan tạo điều kiện để thực hiện mô hình “mượn đất gây quỹ”.

Ngay đợt đầu khởi động chiến dịch tình nguyện năm nay, Đoàn xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) đã tổ chức thu hoạch 7 sào lúa vụ đông xuân 2018. Sau khi trừ các khoản chi phí đã thu về hơn 7 triệu đồng. Đoàn xã Nghi Thịnh thu hoạch 3 sào ruộng lạc được hơn 5 tạ lạc, sau khi trừ các khoản chi phí thu về gần 5 triệu đồng. Chi đoàn Ban Quản lý rừng phòng hộ gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã xin cơ quan đảm nhận trồng cây vải trên đất lâm nghiệp trống để gây quỹ đoàn. Kết thúc mùa đã thu hoạch được 6 tấn vải, giá bán 10.000đ/kg. Chi đoàn Khu điều dưỡng TB4 thực hiện các công trình đào ao, thả cá, trồng rau sạch cung cấp cho đơn vị mình để gây quỹ…

Tại huyện Quế Phong, nổi bật có Đoàn xã Châu Thôn và Tri Lễ vận dụng mượn quỹ đất của xóm, bản và tổ chức huy động ĐVTN khai hoang, trồng lúa. Trung bình mỗi năm 2 vụ lúa, mỗi đơn vị thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng. Số tiền này đã góp phần giải quyết những khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động đoàn ở cơ sở.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Nghệ An Nguyễn Thị Thơm cho biết, thực tế nguồn kinh phí hoạt động đoàn cấp xã, phường, thị trấn eo hẹp, chủ yếu trông cậy từ kinh phí do chính quyền địa phương cấp, cùng nguồn vận động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đóng góp của ĐVTN. Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức và chất lượng các hoạt động, phong trào thanh thiếu nhi. Giải quyết bài toán khó này, các cơ sở Đoàn đã có nhiều cách gây quỹ hoạt động như: Rửa xe gây quỹ, ngày công gây quỹ, đêm nhạc thiện nguyện..., đặc biệt là mô hình mượn đất nông nghiệp bỏ hoang, nhàn rỗi để canh tác.

“Mô hình mượn đất nông nghiệp đến nay đã có 16 đơn vị triển khai. Ban đầu, mô hình được xây dựng để gây quỹ phục vụ hoạt động Đoàn. Đến nay, việc gây quỹ được mở rộng đến tận các chi đoàn và không chỉ dành cho hoạt động đoàn mà sử dụng vào nhiều hoạt động an sinh xã hội như đảm nhận mô hình em nuôi của Đoàn, tiếp sức đến trường, đặc biệt cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế”, chị Thơm cho biết.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thơm, việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mượn đất nông nghiệp đã góp phần khắc phục khó khăn trước mắt cho tổ chức Đoàn, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Qua đó, thêm khẳng định các phong trào và hoạt động của Đoàn đi vào thực chất có ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội; giúp tổ chức Đoàn khẳng định được vai trò trong việc tham gia xây dựng kinh tế - xã hội. “Tỉnh Đoàn đã và đang tiếp tục chỉ đạo duy trì và nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh”, chị Thơm nói.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nhung-canh-dong-gay-quy-1320772.tpo