Những cánh đồng lúa đặc biệt tại Nhật Bản

Du khách khi đến làng Inakadate, tỉnh Aomori, phía Bắc Nhật Bản sẽ ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng những tuyệt tác tranh vẽ sống động khổng lồ, nhiều màu sắc trên những cánh đồng lúa bạt ngàn.

Rất đông dân làng Inakadate tham gia trồng lúa

Rất đông dân làng Inakadate tham gia trồng lúa

Những bức tranh này rất phong phú, đa dạng, từ họa tiết truyền thống Nhật Bản, phong cảnh, đến các diễn viên nổi tiếng như Marilyn Monroe, Audrey Hepburn hay nhân vật hoạt hình Naruto… Nghệ thuật tạo hình này được gọi là Tanbo, được những người nông dân thực hiện thường niên bằng cách trồng xen kẽ các loại lúa, loại cây để tạo nên những phối màu đa dạng.

Một nét độc đáo khác nữa của những bức vẽ thiên nhiên này là chúng sẽ “đổi màu” theo thời gian trưởng thành của cây lúa. Tới thăm làng vào những thời điểm khác nhau, bạn sẽ có được những trải nghiệm riêng biệt. Nếu đến vào thời gian lúa chín, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh rực rỡ đẹp hoàn hảo, chuẩn đến từng chi tiết mà còn được thưởng thức hương thơm ngọt ngào của cây lúa.

Những bức tranh này trải rộng trên diện tích hơn 15 ngàn m2 và chỉ có thể được nhìn ngắm từ trên tầm cao. Ngoài cách chụp lại hình ảnh bằng flycam, du khách tới thăm làng Inakadate sẽ phải leo lên một tòa tháp cao ở trong làng để có thể quan sát những tác phẩm này bằng chính đôi mắt của mình.

Những cánh đồng đặc biệt này đã tạo nên thương hiệu riêng cho Inakadate, ngôi làng vốn chỉ có khoảng 8 ngàn dân và sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Du khách đến chủ yếu vào mùa hè khi thời tiết ủng hộ và các tác phẩm cũng đang ở giai đoạn đẹp nhất.

* Khởi đầu từ khó khăn

Là một trong những vùng trồng lúa lâu đời nhất của Nhật Bản, nhiều năm trước đây, Inakadate từng lâm vào cảnh khốn khó khi thu nhập từ nông nghiệp giảm sút khiến nhiều người dân rời bỏ làng. Cùng với đó, ngôi làng còn đầu tư xây dựng một công viên giải trí chủ đề Thời kỳ đồ đá nhưng thất bại thảm hại. Công viên vắng khách, ngập trong cỏ dại và khiến Inakadate mang khoản nợ lên đến 106 triệu USD, gấp 3 lần tổng ngân sách hằng năm.

Điều này khiến Koichi Hanada, một thư ký của chính quyền làng Inakadate trăn trở, mong tìm ra cách thu hút khách du lịch cũng như nâng cao sản lượng tiêu thụ gạo nhằm phục hồi nền kinh tế địa phương. Ông bỏ ra nhiều tháng suy nghĩ nhưng không có được giải pháp gì vì ngôi làng này không có gì đặc sắc ngoài những cánh đồng lúa và vườn táo. Một lần, ông Hanada nhìn thấy lũ trẻ trồng lúa theo hình vẽ trong một dự án ngoại khóa. Từ đó, ý tưởng trồng lúa với thiết kế hội họa trên cánh đồng nảy ra trong ông. Thế là từ năm 1993 đến nay, người dân ngôi làng này đã trồng lúa theo thiết kế hội họa, biến những cánh đồng lúa trở nên nổi tiếng với những bức tranh sinh động và đầy màu sắc, thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh và mua gạo.

Tuyệt phẩm của nghệ thuật Tanbo ở làng Inakadate

Mặc dù những bức tranh lúa ngày nay vô cùng đa dạng, phong phú về chủng loại, nhưng những bức tranh lúa ban đầu không được như vậy. Đơn cử, bức tranh Mona Lisa năm 2003 được nhận xét nhìn như “đang mang bầu”. Các mẫu thiết kế nghệ thuật được cải tiến và phát triển qua mỗi năm, sau khi được đúc kết từ những thành công và thất bại trong quá trình làm, từ đó hoàn thiện kỹ năng để làm tốt hơn cho đợt sau. Đặc biệt, các nông dân đã quyết định ứng dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo tính nghệ thuật cho các tác phẩm, giúp tạo ra những bức tranh càng ngày càng chi tiết hơn, đường nét mềm mại, uyển chuyển không khác so với những bức họa được thể hiện trên giấy. Sự chính xác của công nghệ khiến các bức tranh chuẩn đến từng chi tiết, thậm chí rất nhiều du khách đã nghi ngờ người dân “sơn lúa” chứ không phải trồng.

“Chúng tôi không có biển hay núi nào ngoài lúa gạo, nhưng chúng tôi đã tạo nên một khu du lịch phát triển nhờ những ý tưởng thiên tài” - cựu trưởng làng Koyu Suzuki nói.

* Tạo dựng thương hiệu riêng

Nhờ vào các tác phẩm tranh lúa độc đáo mà làng Inakadate đã thành công quảng bá hình ảnh lúa gạo quê nhà cũng như loại hình nghệ thuật Tanbo độc đáo của Nhật Bản ra toàn thế giới. Ngày nay, với sự phổ biến của loại hình nghệ thuật này đã giúp ngôi làng tạo được thương hiệu riêng và đón gần 300 ngàn du khách đến tham quan mỗi năm. Chi phí tạo hình nghệ thuật trên cánh đồng lúa khoảng 35 ngàn USD/năm, nhưng mang lại khoản doanh thu từ khách du lịch khoảng 70 ngàn USD. Nhờ đó, dân làng đã có thể giải quyết phần nào các khó khăn, đồng thời duy trì được tình yêu và sự trân trọng với cây lúa.

Mỗi năm, vào tháng 4, dân làng sẽ họp để lên kế hoạch trồng lúa, việc gieo hạt sẽ được bắt đầu vào tháng 5. Vào tháng 9, lúa đồng loạt chín tạo ra những bức tranh ấn tượng. Những bức tranh sẽ được người Nhật thiết kế trên máy tính trước, kích thước này sẽ tương ứng với diện tích của ruộng. Dựa trên thiết kế cuối cùng, các giống lúa khác nhau được lựa chọn phù hợp.

Tuyệt phẩm của nghệ thuật Tanbo ở làng Inakadate

Từng vùng màu trong ảnh được bố trí và căn chỉnh đúng tiêu chuẩn trên cánh đồng và tiến hành gieo lúa. Có hàng ngàn tình nguyện viên tham gia làm công việc này để tạo nên những tác phẩm tranh lúa như ý muốn: đẹp và cuốn hút.

Không chỉ giới hạn trong những thửa ruộng riêng biệt, người dân tại đây còn liên kết các thửa ruộng gần nhau để tạo nên những tác phẩm hoành tráng. Thông thường những bức tranh lúa được tạo nên từ 12 giống lúa với 7 màu sắc lá khác biệt bao gồm: xanh lá cây, vàng lục, vàng, tím đậm, trắng, cam và đỏ.

Nếu đứng trước những cánh đồng lúa trải dài tít tắp ở đây, có thể ban đầu bạn sẽ không nhận ra điều khác biệt. Điểm khác biệt duy nhất bạn có thể nhận thấy là tại sao người dân nơi đây lại trồng những cây lúa màu tím và màu vàng thật bắt mắt. Do đó, để du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ bức tranh nghệ thuật khổng lồ, tòa tháp cao 22m đã được dựng lên gần đó. Chỉ đến khi bước lên đài quan sát được xây ngay bên ruộng lúa, những bức tranh khổng lồ mới dần hiện ra và khiến bạn không khỏi ngỡ ngàng. Để tạo thuận lợi nhất cho các du khách tới làng Inakadate để chiêm ngưỡng tác phẩm, ở đây có hẳn một trạm tàu lửa đưa hành khách từ các vùng khác tới tham quan.

Tất nhiên, mùa du khách tới tham quan cánh đồng lúa không kéo dài quá lâu vì sau khi lúa chín, nông dân sẽ phải thu hoạch và tiếp tục trồng đợt lúa mới, đồng thời đưa các ý tưởng mới lên đồng ruộng.

Nhận thấy tiềm năng từ Inakadate, nhiều ngôi làng Nhật khác cũng đang sao chép, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng của họ để kích thích du lịch. Tuy nhiên, đặc sắc và đáng chờ đợi nhất mỗi năm vẫn là những bức tranh nghệ thuật trên cánh đồng lúa của làng Inakadate.

Quang Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202002/nhung-canh-dong-lua-dac-biet-tai-nhat-ban-2986942/