Những 'cánh đồng vàng' ở Mường Thanh

Không chỉ là chứng tích lịch sử hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, lòng chảo Mường Thanh nay đã trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm, với những cánh đồng sản xuất nông sản chất lượng cao, cho giá trị kinh tế vượt trội.

Mường Thanh hay Mường Then là vùng đồng bằng được tạo nên bởi phù sa của sông Nậm Rốm, nằm xen giữa TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), có chiều dài 25 km và rộng 5 - 6 km, xung quanh có nhiều núi cao, tạo thành một thung lũng giống như một lòng chảo.

Xanh tươi trở lại

Sau sự tàn phá của chiến tranh, đi cùng những chiến tích hùng tráng, cánh đồng Mường Thanh nay đã xanh tươi trở lại. Với điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng màu mỡ, sự chủ động của người dân, Mường Thanh hội tụ đủ các yếu tố để phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Dựa trên những thế mạnh về tự nhiên, con người, ngành nông nghiệp TP.Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên những năm qua đã chủ động đẩy mạnh phát triển vùng trồng trọt, hình thành những cánh đồng mẫu lớn cho giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân.

Những cánh đồng lớn hình thành ở Mường Thanh.

Đơn cử như ở huyện Điện Biên, sản xuất lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh là ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, với tổng diện tích trên 4.100 ha, canh tác 2 vụ lúa, đồng thời xen canh rau màu giữa các vụ.

Một trong những lá cờ đầu trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện Điện Biên là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng. Hiện, HTX có trên 50 thành viên, trực tiếp sản xuất lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh.

Những năm qua, HTX đã tập trung sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, với 2 giồng chủ lực là Hương Việt và Séng Cù. Đây là 2 loại gạo lừng danh của tỉnh Điện Biên. Lúa của HTX được gieo cấy theo kỹ thuật “hiệu ứng hàng biên”, giúp cho việc canh tác dễ dàng, giảm bớt chi phí đầu vào, công lao động, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với sản xuất lúa, HTX bản Mé cũng chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau củ quả. Hiện, HTX có hệ thống nhà kính quy mô 3.500m2 với khoảng 5.000 gốc dưa leo baby Đà Lạt, 2.000 gốc cà chua Nowara RZ Nhật Bản…

Ông Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX đã chủ động phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập, làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết.

“Nhờ sản xuất an toàn, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, HTX đảm bảo thu nhập cao cho thành viên, người lao động. Đặc biệt, tại các vùng sản xuất công nghệ cao, giá trị canh tác có thể cao gấp 3 - 4 lần trên cùng một diện tích”, ông Giang chia sẻ.

Đa hướng sản xuất

Không chỉ là những cánh chim lẻ, rất nhiều nông dân trong vùng lòng chảo Mường Thanh đang chủ động sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh cây lúa chủ lực, các loại cây trồng mới cũng được đưa vào canh tác, từ đó mở ra nhiều hướng thoát nghèo, làm giàu cho các hộ sản xuất.

Điển hình như mô hình trồng bí xanh cao sản của các thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh. Trên cánh đồng rộng hơn 3 ha, HTX triển khai sản xuất bằng phương pháp mới, đầu tư nhiều kỹ thuật vào vụ bí xanh trái vụ để gia tăng giá bán. Nhờ sản xuất khoa học, doanh thu từ bí xanh của HTX đạt trên dưới 2 tỷ đồng/năm.

Chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa giúp nông dân nâng cao giá trị.

Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc HTX, đánh giá làm nông nghiệp công nghệ cao không khó nhưng cần phải đầu tư, hơn nữa phải nắm bắt thị trường tốt thì mới thành công. Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chinh phục người tiêu dùng, đảm bảo thu nhập, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.

Cũng có thể kể đến HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống hiện đang phát triển mô hình trồng đỗ leo theo hướng VietGAP trên diện tích hơn 11 ha. Sản phẩm của HTX đã được gắn sao OCOP, với năng suất trung bình khoảng 200 tấn/vụ.

Việc được công nhận sản phẩm OCOP không chỉ tạo điều kiện cho đỗ leo Noong Luống nâng tầm thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường mà quan trọng hơn là góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn.

“Thời gian tới, chúng tôi cố gắng nâng hạng sản phẩm OCOP lên hạng 4, 5 sao. Ðồng thời hướng đến mục tiêu là đầu mối phân phối của các công ty, khu công nghiệp, siêu thị và xa hơn nữa là xuất khẩu. Từ đó, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động”, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX nói.

Có một điều dễ thấy là hoạt động của các HTX đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương. Như tại xã Noong Luống, đến nay, diện tích cây ăn quả của xã đạt 80ha, trong đó diện tích cây bưởi da xanh trồng theo các dự án liên kết chiếm gần 40%. Cơ bản các diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Hình thành vùng chủ lực

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, toàn huyện hiện có hơn 2.100 ha rau màu, trong đó vùng lòng chảo có hơn 1.700 ha tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Thanh Luông, Noong Luống, Thanh Hưng, Thanh Xương, Pom Lót.

Nhờ bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, năng suất rau xanh trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Điển hình như cải bắp đạt khoảng 30 - 35 tấn/ha; su hào 20 - 30 tấn/ha; rau cải các loại đạt từ 20 - 40 tấn/ha; cà chua từ 8 - 15 tấn/ha...

Những năm qua, để đảm bảo phát triển rau màu bền vững, hàng năm các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên hướng dẫn người dân về kỹ thuật, ứng dụng các tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng quy trình VietGAP để có những sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Ðiện Biên vận động người dân cải tạo vườn tạp, hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất cây ăn quả tại các xã vùng lòng chảo.

Hiện, tổng diện tích cây ăn quả vùng lòng chảo đạt 1.215ha. Riêng trong năm 2023, toàn huyện đã trồng mới gần 100ha các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, mít, nhãn, thanh long, ổi… tập trung tại các xã Thanh Yên, Thanh Nưa, Noong Luống, Sam Mứn, Thanh An, Thanh Xương, Pom Lót. Ngoài ra còn có 60 ha dứa tại bản Pu Lau (xã Mường Nhà), 35ha cây bơ tại xã Núa Ngam…

Với những điểm tựa đang có, thời gian tới, huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, phát huy thế mạnh nông nghiệp vùng lòng chảo Mường Thanh, hướng tới mục tiêu kép, vừa xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân, vừa gìn giữ giá trị của chứng tích lịch sử hào hùng một thời.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nhung-canh-dong-vang-o-muong-thanh-1099600.html