Những câu chuyện cảm động về tình người trong 'tâm dịch' Vũ Hán

Những ngày qua, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) luôn là 'điểm nóng' trên các phương tiện truyền thông vì đây là nơi khởi phát của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV). Lệnh phong tỏa Vũ Hán có hiệu lực từ ngày 23-1-2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến nơi đây trông hoang vu như thành phố chết. Tuy nhiên, trong 'đêm trường' ở Vũ Hán vẫn có những 'ngọn lửa' tình người thắp lên xua tan đi sự lạnh lẽo mà 'tử thần' nCoV đang bủa vây.

 Ngay khi dịch bệnh do chủng virus corona mới (2019-nCoV) bùng phát ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), số lượng người cần khám chữa bệnh tăng chóng mặt, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải và đội ngũ y bác sĩ ở đây luôn trong tâm thế "chạy đua" với "Tử thần" nCoV khiến tinh thần và sức khỏe nhanh chóng trở nên kiệt quệ

Ngay khi dịch bệnh do chủng virus corona mới (2019-nCoV) bùng phát ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), số lượng người cần khám chữa bệnh tăng chóng mặt, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải và đội ngũ y bác sĩ ở đây luôn trong tâm thế "chạy đua" với "Tử thần" nCoV khiến tinh thần và sức khỏe nhanh chóng trở nên kiệt quệ

Vì vậy, ngay trong đêm 24-1-2020 (tức ngày 30 tháng Chạp), đội hình hơn 400 sĩ quan quân y Trung Quốc từ Tây An, Thượng Hải và Trùng Khánh đã được huy động để tăng viện cho thành phố Vũ Hán trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh

Lực lượng được chia làm 3 đội: Đại học Quân y Không quân tại thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) có 143 sĩ quan; Đại học Quân y Số hai ở Thượng Hải gồm 150 học viên và 135 nhân sự từ Đại học Quân y Lục quân thuộc Trùng Khánh

Việc rời đi ngay trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới khiến nhiều y bác sĩ chỉ kịp ôm tạm biệt người thân rồi tức tốc lên máy bay để lao mình vào cuộc chiến chống lại "tử thần" corona tại Vũ Hán

Đối với họ đây có lẽ là cái Tết "nghề" nhất, họ đành phải đón năm mới trong bệnh viện thay vì ở bên gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên trong ngày 30 Tết

Liên tiếp những ngày sau đó, rất nhiều y bác sĩ ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, đóng góp sức lực để cứu chữa cho người dân nơi "tâm dịch"

Các bác sĩ và nhân viên y tế ở tiền tuyến Vũ Hán phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, vì chỉ một phút lơ la thôi thì "tử thần" corona có thể "phá hủy" sức khỏe và cướp đi sinh mạng của bệnh nhân cũng như bản thân họ bất cứ lúc nào

Thậm chí, các bác sĩ và y tá ở đây còn phải đeo bỉm để đi vệ sinh tại chỗ. Như thế vừa giúp họ không mất thời gian cho những nhu cầu cá nhân, vừa giúp đồ bảo hộ không bị hư hại trong khi họ chưa được cấp đồ mới do thiếu nguồn cung

Việc đeo khẩu trang 24/24h trong quá trình làm việc còn khiến khuôn mặt của nhân viên y tế nơi đây hiện rõ hết hằn, ngón tay cũng bong tróc, trắng bệch do tiếp xúc với chất khử trùng quá nhiều

Để thuận tiện trong lúc làm việc cũng như giảm khả năng nhiễm trùng chéo khi chăm sóc, cữu chữa người bệnh nhiều nữ y bác sĩ tại Vũ Hán đã tình nguyện cắt, thậm chí là cạo trọc đầu

Lượng bệnh nhân quá tải và lượng công việc khổng lồ luôn khiến các y bác sĩ tại Vũ Hán rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, tổn thất tinh thần và sức khỏe nặng nề

Dù khó khăn bủa vây nhưng nhân viên y tế nơi đây vẫn luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, luôn cố gắng hết mình để làm tròn sứ mệnh nghề nghiệp

Ngoài ra, vào ngày 28-1-2020, bệnh viện điều trị corona đầu tiên của Trung Quốc đã mở cửa tại thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Cơ sở y tế trên có 1.000 giường bệnh, điện, nước, Internet được lắp đặt đầy đủ chỉ sau 2 ngày thi công

Tốc độ tuyệt vời trên đến từ sự nỗ lực làm việc trong suốt 48 tiếng của hàng trăm công nhân và tình nguyện viên trên cả nước để biến một tòa nhà trống thành cơ sở y tế, giúp giảm bớt gánh nặng cho những bệnh viện trong trung tâm Vũ Hán

Bên cạnh đó, từ khi Vũ Hán bị cô lập bởi lệnh phong tỏa, cư dân mạng Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng hashtag "Vũ Hán cố lên" để cổ vũ những người dân trong vùng tâm "bão" corona

Trong thành phố, người dân cũng thường động viên nhau cố gắng vượt qua mùa dịch bằng cách hô khẩu hiệu để tăng tình đoàn kết. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội quay cảnh người dân thủ phủ tỉnh Hồ Bắc hô to: "Vũ Hán, cố lên!" từ các ngôi nhà cao tầng được chia sẻ chóng mặt

Thiết thực hơn, nhiều nơi ở Trung Quốc cũng như trên thế giới đã gửi lương thực, khẩu trang tiếp viện cho Vũ Hán. Ngày 27-1, thành phố Oita (Nhật Bản) gửi 30.000 chiếc khẩu trang đến vùng "tâm dịch". Chính quyền Tokyo cũng đã tặng 20.000 bộ quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế làm việc tại Hồ Bắc...

Nhiều nghệ sĩ trong Cbiz đã đứng ra động viên, ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần cho người dân và nhân viên y tế ở Vũ Hán. Những nghệ sĩ đầu tiên tuyên bố quyên góp có thể kể đến như Cổ Thiên Lạc, Đường Yên, vợ chồng Huỳnh Hiểu Minh - Angelababy, Dương Mịch, Lưu Thi Thi, Tạ Na...

Đặc biệt, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại quê nhà Vũ Hán, những người con như Vương Khải đã đóng góp 2 triệu nhân dân tệ (NDT); Chu Nhất Long quyên góp 1 triệu NDT cho Liên đoàn từ thiện Vũ Hán; Lưu Diệc Phi quyên góp 200.000 NDT cùng nhiều trang thiết bị vật tư, y tế... Đồng thời họ cũng bày tỏ sự tri ân và biết ơn sâu sắc tới những y bác sĩ đang nỗ lực chiến đấu nơi đầu tuyến và hy vọng người dân Vũ Hán sẽ nhanh chóng vượt qua thời kỳ khó khăn này

Mới đây, công ty truyền thông New Media Center còn phối hợp với kênh Phát thanh Sở Thiên và đài truyền hình Vũ Hán phát động chiến dịch "Vạn người đồng lòng đánh bại dịch bệnh viêm phổi corona". Đã có hơn 100 nghệ sĩ nổi tiếng cùng quay video cổ động hưởng ứng chiến dịch để gửi lời cổ vũ tinh thần, giúp Vũ Hán có thêm động lực vượt qua đại dịch

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-nhung-cau-chuyen-cam-dong-ve-tinh-nguoi-trong-tam-dich-vu-han/841314.antd