Những câu chuyện ghi ở cửa đền

Tâm thế tháng giêng là tháng ăn chơi, lễ hội đã đi vào tiềm thức của người Việt. Vào dịp này, những nơi tôn nghiêm thờ tự lúc nào cũng đông khách. Mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn lượt khách thập phương đến lễ chùa, đền cầu an, cầu tự, cầu duyên…

Cũng không ít người mượn cửa chùa, cổng đền làm chốn mưu sinh, thiện lương nhiều mà bất lương cũng không phải hiếm. Có người đi lễ chùa mà khẩu nghiệp chưa dứt…

1. Phước Hải Tự hay còn gọi là chùa Ngọc Hoàng, những ngày này không có lối chen chân. Nằm trên đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1 (TP Hồ Chí Minh), chùa Ngọc Hoàng “khoác” lên mình một vẻ đẹp kỳ bí, linh thiêng. Chùa được xây từ năm 1892 theo kiến trúc, tín ngưỡng của người Hoa. Chùa Ngọc Hoàng xưa có tên gọi là Ngọc Hoàng Điện (hiện chữ Ngọc Hoàng Điện bằng chữ Hán vẫn còn được lưu giữ trước chính điện).

Chùa được xây dựng bởi ông Lưu Minh, người Hoa, người theo đạo “Minh Sư”, ăn chay trường, có tư tưởng phản Thanh phục Minh, xuất tiền tạo lập, vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín. Bên trong chánh điện thờ đức Ngọc Đế, tiền điện thờ đức Thích Ca…

Du khách nước ngoài và phật tử chen chân tại chùa Ngọc Hoàng.

Du khách nước ngoài và phật tử chen chân tại chùa Ngọc Hoàng.

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã miêu tả cách bài trí chi tiết điện thờ trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”: “Trước miếu có gian phòng bày cảnh thập diện và cảnh thiên đàng chạm trên mây rất đẹp, bên tả điện có treo bức tranh “Đạt Ma Tổ sư quá hải”, tranh vẽ trên giấy nét bút thần tình. Kế bên có thang đưa lên tầng lầu, nơi đây có thờ Quan Đế và bài vị những người có công tạo lập cảnh chùa. Bước ít bước tới có sân lộ thiên, đứng đây dòm bao quát thấy đủ nóc bắt bông bắt chỉ bằng đồ gốm tinh xảo vô cùng, lại thấy sự thâm ý hạn chế ánh sáng làm cho trong chùa có vẻ âm u huyền bí theo ý nhà kiến trúc sư tinh thông thuật tâm lý…".

Ngôi chùa là một địa chỉ của niềm tin cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn và cho những ai gặp trúc trắc trong đường đời… Khách hành hương đến chùa như tìm đến chốn bình an, để quên đi những sân si đời thường. Du khách nước ngoài tìm đến nơi này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa, đã hơn 100 năm tuổi. Ngôi cổ tự này còn lưu giữ nhiều liễn đối, tranh thờ, bao lam, hương án…

Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện các cuộc họp mặt của các chư tiên về chầu Ngọc Hoàng. Năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi chùa này từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé thăm trong lịch trình chuyến thăm chính thức của ông tới Việt Nam năm 2016.

Không giành giật, cướp lộc gây hỗn loạn như tại một số nơi khác, nhưng tại nơi tôn nghiêm này cũng có không ít câu chuyện bi hài. Những ngày đầu năm, người đến Phước Hải tự cầu cúng dâng sao giải hạn, cầu may, cầu tự… nườm nượp. Con đường trước cổng tự, Mai Thị Lựu đã nhỏ càng chật hẹp hơn, gây ra cảnh nhốn nháo mất an ninh trật tự.

Người ta tận dụng mọi khoảng trống để trông giữ xe, gây ra tình trạng tranh giành khách. Giá giữ xe tùy thuộc vào lượng khách chứ chẳng có quy định. Bình thường gửi xe đi lễ chùa giá chỉ 5 ngàn đồng, nhưng những ngày “cao điểm” giá giữ xe tăng gấp đôi gấp 3 thậm chí gấp nhiều lần, thích thì tăng, đâu có ai quản. Ở gần những nơi tôn nghiêm như vậy chỉ giữ xe mấy ngày lễ tết cũng đủ sống quanh năm. Đó là chưa kể những “dịch vụ ăn theo” như bán vật dụng đi lễ chùa, vé số, ăn xin… khiến cổng chùa vô cùng nhếch nhác.

Du khách dâng lễ tại chùa Ngọc Hoàng.

Trong chùa thì người người chen chúc dâng lễ vật. Người dâng lễ mua dầu lạc dâng lên Đức Phật, Ngọc Hoàng, nhờ những người làm công quả nơi đây dâng lễ. Những người công quả tay thì rót dầu vào đèn, miệng lẩm bẩm khấn, đọc tên phật tử và cầu xin Đức Phật, Ngọc Hoàng và các chư tiên phù hộ cho thiện nam tín nữ đang dâng cúng. Người dâng cúng thì chen nhau, ai cũng muốn mình lòng thành nhất, mấy người rót dầu mướt mồ hôi cũng không làm xuể.

Nói dại nhỡ tranh nhau, xô đẩy khiến bàn đèn bị đổ thì với lượng dầu trên và với lửa từ những ngọn đèn đang cháy kia thì hậu quả sẽ ra sao khi người thì đông mà chùa thì chật? Dầu rót tới đâu lại chảy xuống bình đựng bên dưới tới đó. Lượng dầu kia sẽ làm “một vòng tuần hoàn”, ra cổng rồi lại lên bàn đèn. Chỉ với tiền bán dầu theo kiểu “vòng tròn khép kín” chắc chắn những người bán dầu ở đây kiếm tiền không ít.

2. Đi chùa là buông bỏ, để lại tham sân si, những tục lụy phàm trần ngoài cổng, vào trong sao cho thân thanh tịnh, nhưng không ít người chưa dứt được tục lụy phàm trần. Đông người không tránh khỏi chen lấn, xô đẩy. Do quen miệng ở ngoài đời, đụng chuyện là chửi thề, vào chùa cầu may trước cửa điện thờ Thần Tài nhưng có một số tín nữ vẫn đem theo khẩu ngữ của dân “chợ búa” vào chốn thiền tịnh khi bị ai đó lỡ xô mạnh khiến họ suýt ngã.

Biết mình “lỡ miệng” văng bậy, thay vì xấu hổ họ lại xổ tiếp những câu cực kỳ khó nghe. Không chỉ khách vãn chùa bó tay mà có khi Thần Tài cũng phải ngao ngán trước cảnh này.

Đây là ngôi chùa có tiếng linh thiêng, nhất là về việc cầu tự. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến đây thành tâm cúi đầu trước điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, nơi thờ 12 mụ bà – Mẹ sanh, Mẹ độ. Nhiều cặp vợ chồng thành công sau khi tới “xin” con và được các mẹ “gia ân”.

Có thờ có thiêng, nhiều cặp còn viết mục đích của mình lên mai rùa và thả xuống ao chùa những mong một ngày các Mẹ đoái thương. Xin con cũng viết lên mai rùa, cầu an cũng viết lên mai rùa… và tất cả đem thả xuống ao chùa khiến rùa không có không gian sống, nhà chùa đã phải lên tiếng cảnh báo: “Không thả rùa xuống ao!”.

Người đi chùa rất đông, nhưng bái lạy thì kẻ đứng, người quỳ không theo một nguyên tắc nhất định nào. Có người quỳ trước tất cả những địa điểm nào có cắm hương. Người thì thắp hương phía trước, kẻ quỳ lạy phía sau, lạy thần Phật thì chưa biết nhưng “lạy mông” những người phía trước thì chắc chắn là có.

Du khách cầu tự viết chữ lên mai rùa và thả xuống ao tại chùa Ngọc Hoàng.

Đền chùa là chốn tôn nghiêm, những nơi này đều có quy định khách viếng đền chùa phải ăn mặc lịch sự, không đầm váy… thế nhưng nhiều cô gái vẫn cứ trưng diện đầm, váy lên chùa lễ Phật. Bản thân họ thiếu sự nghiêm chỉnh, không tôn trong quy định của đền chùa thì liệu trời Phật, thánh thần có chứng giám?

Chùa Vĩnh Nghiêm, một ngôi chùa lớn nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Trước cổng chùa này, bên cạnh những người buôn bán nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, nhiều người còn buôn bán sách tướng số, tử vi… Họ tràn ra đường chèo kéo khách. Bên cạnh đó là những người khất thực, người bán vé số… cũng quấn lấy khách hành hương, khiến người đi lễ chùa lắm lúc cũng phải bực mình.

Đi chùa mà vẫn nơm nớp sợ mất giày dép. Chùa Vĩnh Nghiêm quy định khách đến dâng hương lễ Phật, khi vào đại sảnh phải để giày dép bên ngoài. Có người vào lễ Phật xong quay ra… mất dép. Anh Tuấn, ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh, sau khi lễ Phật xong anh xuống hậu điện để lễ cha mẹ, được gửi trong chùa. Xong việc anh quay ra thì đôi giày của anh đã “không cánh mà bay”.

Nhiều cô gái mặc váy ngắn vẫn tự nhiên vào lễ Phật.

Kẻ trộm giày quả là có con mắt tinh đời. Giày anh Tuấn sử dụng thuộc một hãng nổi tiếng, được sản xuất tại Australia. Đôi giày là quà tặng của vợ anh nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của anh chị. Giá trị đôi giày tuy có cao nhưng nó đã cũ. Mất giày anh không tiếc, chỉ tiếc nó là vật kỷ niệm, nhưng bực mình hơn cả là anh không có giày để về. Vả lại mất ở đâu thì không sao đây lại mất ngay trước cửa nhà Phật, đúng là không tin nổi?

Kẻ trộm, cắp thì đâu có chừa cửa nhà Phật hay nhà chùa…! Nhà chùa đã phải dán thông báo: “Phật tử tự giữ giày dép” ngay trước chính điện. Lỗi là do Phật tử “mất cảnh giác” mà thôi.

3. Một điểm chung trong tất cả các đền chùa là việc tổ chức dâng sao giải hạn. Quan niệm sao tốt sao xấu ứng với mỗi cá nhân, nam La Hầu, nữ Kế Đô, là những người bổn mạng mang sao xấu. Những sao Vân Hớn, Thái Bạch cũng được coi là kém may mắn… nên người ta phải cúng sao giải hạn. Việc làm này cũng bình thường nếu niềm tin của con người đặt vào đúng chỗ. Đức tin khi có trời Phật phù hộ độ trì may mắn sẽ đến, tai kiếp, nhẹ thì lướt qua, nặng thì nhẹ bớt.

Tuy nhiên, người ta đã quá lạm dụng chuyện cúng sao. Nắm được tâm lý đầu năm đi lễ đền chùa cầu may, giải hạn, cầu cho gia đạo bình an của người đi lễ, nhiều “thầy” đã “vẽ” ra đủ thứ lệ bộ, thủ tục để cúng sao… “Thầy” ở đây chủ yếu là những người giúp việc trong đền chùa. Các “thầy” quen việc, lại thường xuyên tiếp xúc với các thiện nam tín nữ, các “thầy” cũng giỏi “trông mặt” để “bắt hình dong”, giỏi nắm tâm lý của khách để kinh doanh, trục lợi.

Phải để giày dép bên ngoài trước khi vào lễ phật ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Mấy ngày đầu xuân, người tới lễ Đức Thánh Trần rất đông và rất nhiều người xếp hàng để được ghi vào danh sách dâng sao giải hạn. Giá cúng sao không phải nơi nào cũng như nơi nào. Có chùa thì vài chục ngàn đến một trăm ngàn, chùa thì tùy vào hảo tâm của Phật tử. Một tín nữ tới Đền Đức Thánh Trần trên đường Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh làm thủ tục cúng sao giải hạn cho biết, giá cúng sao giải hạn ở đây có sẵn… barem, một người 360 ngàn/năm.

Nhà chị năm nay có 3 người, 2 người sao không đẹp, chị đóng 720 ngàn/ 2 người/ năm, nhưng người nhận tiền của chị thuyết phục thế nào đóng luôn cho 3 người. Nghĩ thôi thì thêm có vài trăm ngàn đồng cho người còn lại chị cũng đồng ý, nhưng xin “thầy” bớt cho như là ra lộc vậy. Và rồi sau cuộc kỳ kèo của tín nữ trên, “thầy” cũng ra lộc cho chị chút ít…

Một khi niềm tin trở thành mê muội, sẽ dễ dẫn đến bị lợi dụng. Người bị lợi dụng đã đành, mà người lợi dụng tín ngưỡng, lòng tin của người khác để kinh doanh trục lợi càng đáng để lên án. Không nên để chốn thiền môn bị vấy bẩn.

Đức Hà

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhung-cau-chuyen-ghi-o-cua-den-534597/