Những câu hỏi còn bỏ ngỏ liên quan quyết định mua tàu ngầm hạt nhân của Australia

Với việc tàu SSN đầu tiên không được đưa vào hoạt động cho đến cuối những năm 2030, câu hỏi đặt ra là Australia sẽ làm thế nào để duy trì khả năng hoạt động hiệu quả số tàu ngầm hiện có.

Như cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã khẳng định, một số câu hỏi được đưa ra từ tuyên bố của chính phủ về việc sẽ mua tàu ngầm hạt nhân đã được giải đáp. Nhưng những câu hỏi cụ thể mà ông nêu ra liên quan đến những ngành khác cũng rất cần thiết cho sự thành công của ngành công nghiệp hạt nhân, đang còn bỏ ngỏ.

Liên minh công nghệ và an ninh mới giữa Mỹ, Australia và Anh đang gây ra nhiều tranh luận trong giới quan sát. Nguồn: Aspistrategist.org.au

Liên minh công nghệ và an ninh mới giữa Mỹ, Australia và Anh đang gây ra nhiều tranh luận trong giới quan sát. Nguồn: Aspistrategist.org.au

Về câu hỏi của ông Turnbull, chính phủ Australia cho rằng, yếu tố then chốt để Australia quyết có được tàu ngầm hạt nhân (SSN) là sự phát triển của các lò phản ứng không cần tiếp nhiên liệu trong suốt vòng đời của tàu ngầm, có nghĩa là Australia không cần đến một ngành công nghiệp hạt nhân dân dụng để hỗ trợ chúng. Tuy nhiên, việc vận hành các tàu ngầm không cần tiếp nhiên liệu vẫn cần có ngành công nghiệp hạt nhân.

Australia có thể không cần các nhà máy điện hạt nhân dân dụng hoặc các cơ sở có khả năng làm giàu uranium để cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng của tàu ngầm, nhưng họ vẫn cần thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa các tàu ngầm, bao gồm cả lò phản ứng. Australia không thể có khả năng quân sự hiệu quả nếu phải chuyển lại chúng cho Mỹ bất kỳ lúc nào nếu có trục trặc.

Việc bảo dưỡng sâu hơn yêu cầu đưa các tàu vào ụ khô và tắt lò phản ứng, tiến hành hoạt động và khởi động lại lò phản ứng một cách tuyệt đối an toàn. Australia sẽ cần phát triển lực lượng bảo trì đó từ con số 0. Australia cũng sẽ cần một lực lượng lao động độc lập và có tay nghề cao có thể thiết lập và thực thi chế độ an toàn nghiêm ngặt, điều tối quan trọng đối với hoạt động của một hạm đội sử dụng năng lượng hạt nhân.

Lực lượng lao động theo quy định đó sẽ cần được xây dựng gần như từ đầu và sẽ cần phải hoạt động tốt trước khi con tàu đầu tiên cập bến. Có thể phát triển lực lượng lao động dạng đó mà không có ngành hạt nhân dân dụng, nhưng thật sai lầm khi nói rằng, Australia sẽ không có ngành công nghiệp hạt nhân.

Bất kỳ doanh nghiệp nào vận hành, đóng cửa, khởi động lại và bảo trì các lò phản ứng, đều hoạt động trong một môi trường pháp lý chặt chẽ, an toàn và đáng tin cậy nhất. Và phần lớn ngành đó phải nằm dưới sự quản lý của Australia, nếu không, Australia sẽ không có quyền kiểm soát đúng nghĩa đối với thiết bị và khả năng quân sự quan trọng nhất của nước này.

Quy mô của lực lượng lao động đó là gì và phát triển nó như thế nào? Hy vọng rằng trong năm thảo luận liên quan đến thông báo của chính phủ, Bộ Quốc phòng Australia có thể có những lý giải hợp lý cho các câu hỏi. Nhưng có những câu hỏi chưa được trả lời khác cũng rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp hạt nhân.

Thứ nhất, với việc chiếc SSN đầu tiên không được đưa vào hoạt động cho đến cuối những năm 2030, Australia sẽ làm thế nào để duy trì khả năng hoạt động hiệu quả số tàu ngầm hiện có? Theo lịch trình đó, các tàu ngầm Collins của Australia sẽ cũ hơn so với tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia đã bị mất trong một vụ tai nạn huấn luyện hồi đầu năm.

Thứ hai, chi phí là bao nhiêu? Chính phủ cho biết nó sẽ có giá cao hơn so với lớp Attack đã bị hủy bỏ. Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc Australia chọn loại tàu ngầm nào và quy mô của ngành công nghiệp và lực lượng lao động cho phép. Hơn 50% so với 90 tỷ đôla Australia cho lớp Attack có thể là một mức giá khởi đầu an toàn.

Thứ ba, vai trò của ngành công nghiệp Australia trong việc xây dựng và duy trì các SSN là gì? Người Australia sẽ nhận thấy cần phải tốn rất nhiều kinh phí, nhưng chắc chắn họ sẽ không muốn thấy các yêu cầu đối với sự tham gia của ngành công nghiệp Australia làm chậm quá trình phân phối và gia tăng chi phí.

Thứ tư, làm cách nào để Australia tạo ra lực lượng chuyên nghiệp cần thiết để vận hành đội tàu mới? Các tàu SSN lớp Virginia của Hải quân Mỹ có thủy thủ đoàn khoảng 130 người, so với chiếc Collins chỉ có 56 thành viên. Australia có thể sẽ cần số lượng tàu ngầm ít nhất gấp đôi, vì vậy nước này phải tăng đáng kể số lượng nhân sự đồng thời truyền đạt các kỹ năng kỹ thuật hạt nhân để họ có thể vận hành các con tàu một cách an toàn.

Thứ năm, trong chương trình lớp Attack, nhiều nhà quan sát đã kêu gọi thực hiện Kế hoạch B do chi phí, lịch trình và khả năng của tàu ngầm. Chính phủ hiện đã chuyển từ Kế hoạch A trước đây sang một kế hoạch hoàn toàn khác. Tuy nhiên, trước những câu hỏi chưa được trả lời này, đã có những lời kêu gọi cho một Kế hoạch B’ trong trường hợp kế hoạch B không thực hiện được.

Mỗi khi xem xét con đường mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Viện Chính sách Chiến lược Australia (Australian Strategic Policy Institute - ASPI) đều kết luận rằng, Australia vẫn cần tàu ngầm thông thường mới để đảm bảo có thể chuyển đổi sang hạm đội hạt nhân một cách an toàn. Tuy nhiên, chính phủ đã hủy bỏ chương trình Attack không thương tiếc. Vì vậy, câu hỏi cuối cùng là, điều gì khiến chính phủ tự tin rằng kế hoạch mới này sẽ thành công?./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (biên dịch)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/nhung-cau-hoi-con-bo-ngo-lien-quan-quyet-dinh-mua-tau-ngam-hat-nhan-cua-australia-895203.vov