Những câu hỏi từ sự cố nước bẩn sông Đà

Liệu những sự cố có ảnh hưởng ở quy mô rộng lớn như thế, thậm chí với mức độ khốc liệt hơn nữa, đối với Hà Nội hay một đô thị lớn khác có thể lặp lại hay không?

Dư luận những ngày qua dường như xoay quanh ba câu chuyện: Sự khốn khó của người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bẩn, cơn giận giữ và tranh cãi về trách nhiệm của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) và việc khởi tố hình sự các cá nhân đã đổ dầu cặn làm ô nhiễm nguồn nước.

Sự khốn khó của người dân rồi sẽ qua đi. Cơn giận giữ cũng sẽ nguội dần và việc tranh cãi về trách nhiệm của Viwasupco e rằng cũng tương tự do khó khăn trong việc quy lỗi theo trình tự tư pháp. Riêng vụ án hình sự chắc chắn sẽ thành công bằng việc kết án những cá nhân phạm tội “gây ô nhiễm môi trường” mà hẳn không ý thức được hậu quả trước đó.

Tuy nhiên, một câu hỏi liệu những sự cố có ảnh hưởng ở quy mô rộng lớn như thế, thậm chí với mức độ khốc liệt hơn nữa, đối với Hà Nội hay một đô thị lớn khác có thể lặp lại hay không?

Trăn trở và bị ám ảnh bởi câu hỏi này, tôi suy ngẫm kỹ và nhận ra rằng qua sự cố nước bẩn sông Đà, cùng với vụ đám cháy nhà máy gây rò rỉ thủy ngân ở Công ty Rạng Đông trước đó, thủ đô Hà Nội của chúng ta đang đối mặt với năm vấn đề sau đây:

Thứ nhất, ô nhiễm môi trường nước liệu có được kiểm soát?

Ở đây xin không đề cập đến ô nhiễm nguồn nước nói chung mà chính là việc kiểm soát ô nhiễm đối với nguồn nước sạch để cung cấp cho người dân thủ đô. Nhiều năm trước đây, dường như chúng ta không gặp vấn đề gì lớn bởi Hà Nội chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm cho sinh hoạt, theo đó việc kiểm soát chất lượng nước dễ dàng hơn.

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco)

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco)

Tuy nhiên, sau khi nguồn nước mặt từ sông Đà được đưa vào sử dụng như một giải pháp và cách tiếp cận mới, rồi sắp tới tương tự là dự án cấp nước từ nguồn nước mặt sông Đuống khổng lồ dành cho ba triệu người dân, thì việc ngăn ngừa các nguồn và tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước dường như là khó khăn.

Bằng chứng chính là việc làm e rằng “rất bình thường” và không liên quan của mấy cá nhân đến từ Phú Thọ, đổ dầu thải ra một khe suối ở vùng núi xa ở Hòa Bình, nhưng dẫn đến tai họa tận Hà Nội. Lưu ý rằng, nguồn ô nhiễm và độc hại còn có thể đến từ muôn vàn tác nhân khác như trại trăn nuôi, nhà xưởng, tàu thuyền qua lại trên sông hồ, chưa nói đến những âm mưu tàn ác không thể lường trước của kẻ địch.

Vậy, ai sẽ kiểm soát việc này và làm thế nào để kiểm soát? Liệu rằng, có thể chỉ trông đợi vào cả năng lực lẫn trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nước vốn kinh doanh vì lợi nhuận hay không?

Thứ hai, Nhà nước hay tư nhân đang cung cấp dịch vụ công?

Trong xu thế cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích đầu tư tư nhân nói chung, Hà Nội dường như đã và đang mở lối cho đầu tư tư nhân, hay chính là tư nhân hóa việc cung cấp dịch vụ công, bao gồm cả tư nhân hóa việc sản xuất và cung ứng nước sạch cho người dân thành phố.

Điều đó đúng hay sai? Có thể còn chờ thêm thời gian để có câu trả lời đầy đủ, tuy nhiên sau sự cố nước bẩn sông Đà vừa rồi, người ta đã thấy bóng dáng của việc từ chối và đùn đẩy trách nhiệm của các bên liên quan cả về đạo đức và pháp lý.

Ai bảo nước được cung cấp không sạch xét theo các kết quả kiểm nghiệm được công bố? Còn nếu nước có vấn đề thì liệu lỗi có phải là của tôi không, xét cho mục tiêu quy kết trách nhiệm theo quy định của hợp đồng? Ngoài ra, làm sao đòi hỏi hay bắt buộc tôi phải đầu tư chi phí để kiểm soát chống ô nhiễm toàn bộ vùng lưu vực của con sông mà tôi sẽ lấy nước? Trong khi đó, ai cũng biết rằng kinh doanh nước sạch chắc chắn sinh lời cao bởi không phải cạnh tranh với ai cả, đơn giản bởi người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn nhà cung cấp.

Xin thưa, ở các nước văn minh người ta đã từng tư nhân hóa cung cấp dịch vụ công, tuy nhiên trên nguyên tắc chính quyền vẫn kiểm soát và chịu trách nhiệm về an toàn dịch vụ trước người dân.

Thứ ba, ai lo cho sức khỏe và an ninh con người?

Nếu sức khỏe của một cá nhân cụ thể thì việc chăm sóc sẽ do chính cá nhân ấy lo liệu. Nhưng bảo đảm sức khỏe của cả một cộng đồng hay một thành phố tới hàng triệu dân thì phải thuộc trách nhiệm của Nhà nước và các cấp chính quyền.

Từ nhiều năm qua, thế giới đã nói tới bảo đảm an ninh con người như là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách công. Trong vụ nước nhiễm bẩn này với mức độ gây hại đến hơn một triệu dân, các nhà khoa học đã cảnh báo về những độc tố vượt ngưỡng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người nhưng rất khó chứng minh sự tồn tại của chúng trong cơ thể.

Có nghĩa rằng, các công ty cung cấp nước, nếu là thủ phạm, cũng khó có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý theo hợp đồng. Thậm chí ngay cả khi cơ quan tư pháp khởi tố vài cá nhân có liên quan cũng không mang đến ý nghĩa gì thực chất.

Vậy thì phải khẳng định rằng chính Nhà nước và các cơ quan chính quyền, chứ không phải ai khác phải có và chịu trách nhiệm về sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân của mình.

Thứ tư, chất lượng quản trị công và khả năng ứng phó với khủng hoảng của chính quyền đô thị liệu có đạt yêu cầu?

Chất lượng quản trị công của bộ máy nhà nước nói chung và của chính quyền đô thị nói riêng có thể được đánh giá theo các tiêu chí và quy trình phức tạp.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng khả năng và hành vi ứng phó và xử lý khủng hoảng (các sự cố có tính thảm họa) chính là thước đo và phép thử trung thực nhất đối với cả năng lực và phẩm chất của một chính quyền. Trong thử thách ấy, tốc độ và thời gian hành động lại là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đối với chính quyền của thành phố Hà Nội vừa qua, việc công bố để cảnh báo nguy hiểm cho người dân được thực hiện trong khoảng bảy đến tám ngày sau khi xảy ra thảm họa đã có ý kiến trái chiều coi là nhanh, kịp thời hay chậm chễ. Vấn đề ở đây là nhanh hay chậm theo tiêu chí nào? Nếu sự phát tán độc tố thủy ngân qua đường không khí ngay khi đám cháy xảy ra và việc tiêu thụ nước bẩn tới 300 m3/ngày bởi hơn một triệu người thì việc cảnh báo đó nên tính bằng đơn vị giờ hay ngày mới phù hợp?

Bên cạnh đó, còn là vấn đề huy động nguồn lực và phương tiện ứng cứu, chẳng hạn như các đội cứu hộ chuyên trách hay các xe chở nước cho cộng đồng nữa. Có thể nói, trong quy hoạch phát triển của một thành phố như Hà Nội, nếu không có các nội dung về phòng chống rủi ro và thảm họa thì chắc chắn là một khiếm khuyết. Đồng thời khi đánh giá về chất lượng quản trị của chính quyền đô thị, các tiêu chí về quản lý khủng hoảng cũng cần phải được đặc biệt coi trọng.

Thứ năm, khung pháp lý nào được sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích thiết yếu của người dân?

Tư góc độ pháp luật, rất cần thiết phải rà soát các khung khổ pháp lý để chuẩn bị cho việc bảo vệ người dân có nhu cầu trong các tình huống là sự cố hay thảm họa về môi trường mà các quyền và lợi ích chính đáng của họ bị xâm phạm.

Có thể nêu ra hàng loạt các văn bản pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật Dân sự đến Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và cả Luật Thủ đô áp dụng riêng cho Hà Nội. Các cơ sở pháp lý chung đều có, tuy nhiên khi áp dụng vào các tình huống cụ thể như thiệt hại do sự cố nhiễm độc thủy ngân từ Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông hay sự cố nước bẩn sông Đà, thì lại rất khó hay thậm chí không thể tìm được các cơ chế cụ thể có tính thực tế trong việc chỉ ra một con đường rõ ràng cho các nạn nhân đi tới cái đích bồi thường.

Vẫn còn đó hàng loạt những câu hỏi rất xác đáng được đặt ra. Tôi khởi kiện ai, nhà cung cấp dịch vụ hay cơ quan chính quyền? Cơ quan nào sẽ tiếp nhận hàng ngàn, vạn đơn kiện cho cùng một sự việc và có cơ chế nào để giải quyết chúng, một khi chế định “khởi kiện tập thể” không được pháp luật nước ta thừa nhận? Làm sao để những người dân yếu thế có thể chứng minh được lỗi vi phạm của các đại gia doanh nghiệp trong từng sự cố? Các bằng chứng pháp lý sẽ được thu thập thế nào và ai sẽ phải bỏ các chi phí tốn kém ra để kiểm định chúng...?

Nếu đọc Luật Thủ đô, có lẽ người dân sẽ còn ngỡ ngàng bởi các quy định quá chung như Hiến pháp của nó. Liệu rằng Luật này ra đời chỉ nhằm xin các cơ chế hành động đặc thù từ trung ương cho chính quyền thủ đô, hay nó cần có cả các cơ chế cụ thể nhằm bảo vệ người dân thủ đô trước các rủi ro và thảm họa tiềm tàng ở một môi trường đô thị lớn như Hà Nội? Câu hỏi này hy vọng sẽ được trả lời trong lần sửa đổi Luật Thủ đô sắp tới.

Tại một diễn đàn gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng đã thẳng thắn đưa ra một đề nghị đúng đắn và cấp thiết, đó là Chính phủ, Quốc hội cần xây dựng và ban hành Luật về cung cấp dịch vụ công.

Các rủi ro ở đô thị sẽ không chừa một ai. Sự thức tỉnh qua đó để hành động là trách nhiệm của mỗi người. Tác giả bài viết xin nêu các vấn đề trên với các câu hỏi gợi mở để bạn đọc cùng suy ngẫm, trả lời.

Luật sưNguyễn Tiến Lập

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nhung-cau-hoi-tu-su-co-nuoc-ban-song-da-579892.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong3