Những câu nói làm tan nát trái tim khi xem Nhà Bà Nữ của Trấn Thành

Nhà Bà Nữ của Trấn Thành có vô số câu nói khiến người xem nghe mà xót xa.

Ra mắt đúng vào dịp Tết 2023, Nhà Bà Nữ của Trấn Thành đã chứng minh sức hút khi thu về mức doanh thu cao ngất ngưởng. Thậm chí, phim còn được dự đoán sẽ vượt mặt mốc doanh thu 400 tỷ của Bố Già trong thời gian tới đây. Một câu chuyện gia đình tưởng như bình thường nhưng lại khiến người xem ấn tượng bởi ai cũng thấy mình như có một phần trong đó. Đồng thời, ở Nhà Bà Nữ còn chứa đựng những câu nói như cứa thẳng vào trái tim người xem khiến người ta nghe mà thấm thía.

Ngọc Nhi (Uyển Ân) là đứa con út được bà Nữ (Lê Giang) đặt nhiều kỳ vọng vào nhất. Nhưng chính sự quan tâm quá mức, kỳ vọng quá nhiều của bà lại khiến Nhi nhiều khi thấy khó chịu. Bất chấp sự phản đối của mẹ, Nhi bỏ nhà theo tiếng gọi của tình yêu và để lại câu nói “xé nát” trái tim người mẹ: “Trải nghiệm thất bại cũng là quyền của con người mà. Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ”. Đây là câu nói gây tranh cãi nhất phim khi con để bảo vệ quyền của bản thân mà khiến các bậc làm cha mẹ phải đau lòng.

Đây là lần đầu tiên tôi được làm những gì mình thích, được yêu người mình chọn. Những gì tôi mong muốn chỉ có vậy thôi. Giá như mẹ có thể hiểu”. Sự bảo bọc quá mức của cha mẹ đôi khi khiến con cái sinh ra cảm giác muốn phản kháng, muốn làm những thứ chưa từng được thử. Đây cũng chính là mâu thuẫn thế hệ có thể xảy ra trong bất cứ ra đình nào.

Nhi là một cô gái trẻ có cá tính và cũng rất mơ mộng. Cô là đại diện của một bộ phận giới trẻ hiện nay với phương châm: “Mỗi người cũng chỉ có một lần để sống. Cứ thử thôi”. Con cái không thể sống mãi trong vòng tay bao bọc của cha mẹ, nếu không thử thì làm sao biết khả năng của mình đến đâu? Chẳng lẽ cứ phải sống khép mình, an toàn mãi để rồi ngày càng bị tụt lại hay sao?

Sau khi bỏ nhà và sống tự lập cùng John (Song Luân), Nhi đã phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hạnh phúc có, nhưng buồn, thất vọng và đau khổ cũng có. Để rồi cô nhận ra rằng: “Những đứa trẻ đôi mươi háo thắng, vô tâm, rồi dần làm nhau buồn vì những lý do hết sức vớ vẩn”. Đến với nhau khi tuổi đời còn quá trẻ, Nhi và John chưa thực sự hiểu nhau, cảm thông cho nhau và chia sẻ cùng nhau. Để rồi cuối cùng mỗi người mang một nỗi đau riêng rời xa nhau.

Những người thân sẽ luôn nhớ về nhau, nhưng họ không liên lạc nhau”. Đây là câu nói phản ánh thực trạng của rất nhiều gia đình hiện nay. Là người thân đó, tuy nhiên vì những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm mà họ dần xa cách nhau. Vẫn nhớ, vẫn thương nhau đó, nhưng lại không đủ dũng khí để gọi cho nhau, để nói chuyện nhiều hơn, sau này hối hận liệu có thể quay về?

Đôi khi, con người ta ích kỷ chỉ muốn nghĩ cho mình mà chẳng hề quan tâm đến những người xung quanh. Ngay cả những điều cơ bản nhất cũng khó làm cho người khác vì nghĩ bản thân mình đang phải chịu thiệt thòi, thiếu thốn. “Chúng ta chỉ thấy bản thân rất thiệt thòi mà quên đi những tử tế cơ bản dành cho nhau”.

Và đâu hiếm những người trong cuộc thường mù mờ nhưng người ở ngoài lại sáng tỏ. Tuổi trẻ mà, ai chẳng muốn trải nghiệm, tại sao phải cấm? “Tự té thì tự đứng dậy. Đừng bắt người ta phải nghe theo mình. Trên đời này không có gì là tuyệt đối hết, tương đối thôi con ơi!”. Vấp ngã cũng là một loại trải nghiệm, làm gì có ai học đi mã chưa từng ngã, chưa từng đau. Nhưng ngã rồi thì đứng dậy đi tiếp, lúc đó thứ ta thấy quý nhất chính là những bài học.

Cha mẹ đôi khi không muốn con cái yêu đương quá sớm giống bà Nữ. Nhưng cái gì càng cấm lại càng khơi gợi tò mò. Tuổi trẻ mà, ai chả có những rung động với bạn khác giới, làm gì có cha mẹ nào quản được mãi, cấm được mãi đâu. Nó không yêu trước mặt mình, thì yêu sau lưng như cái cách Nhi và Nhuận (Trấn Thành) qua mặt bà Nữ vậy. “Nó yêu cứ để nó yêu bình thường, mai mốt nó sẽ chia tay bình thường. Tuổi trẻ ai cũng có năm ba mối tình. Không lẽ yêu rồi cưới luôn hả trời?”.

Khoảng cách giữa các thế hệ trong một gia đình đôi khi chính là rào cản để tạo ra tiếng nói chung. Có đôi khi ta phải nhìn sự việc theo nhiều khía cạnh khác nhau chứ không thể nào dùng ánh nhìn của bản thân để đánh giá toàn bộ sự việc. Con cái muốn thực hiện ước mơ của mình theo cách riêng. Nhưng cha mẹ là người từng trải, họ biết cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Bởi vậy, phải làm cha mẹ mới có thể hiểu được nỗi khổ của những đấng sinh thành mình ngày trước. Như bà Nữ từng nói: “Người ta sinh con ra, người ta muốn con mình thành công. Còn nó ép tui cho nó thất bại”.

Bên cạnh nỗi đau của những người phụ nữ, Nhà Bà Nữ còn phản ánh cả nỗi nhục của những người đàn ông. Bà Nữ là một người phụ nữ chua ngoa, cay nghiệt đến mức khiến chồng không chịu được mà bỏ đi. Bà không chỉ mắng chửi chồng mà còn sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với chồng ngay trước mặt bạn bè chồng. “Một người đàn ông cần được vợ mình tôn trọng trước mặt người khác”. Khi lòng tự tôn của người đàn ông đã bị dẫm nát họ sẽ tự bỏ đi thôi.

Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là… nạn nhân”. Đây có lẽ chính là câu nói gây xót xa nhất ở Nhà Bà Nữ. Chúng ta có thể là kẻ phạm lỗi ở chuyện này nhưng cũng có thể là nạn nhân ở câu chuyện khác. Mỗi góc nhìn lại cho ra một câu chuyện khác nhau, ai cũng nghĩ mình đúng nhưng lại chẳng nhận ra cái sai của chính mình. Đây cũng là lúc các mối quan hệ rạn nứt, mọi người cũng rời xa nhau.

Bên cạnh những câu nói thấm thía và cực đời, Nhà Bà Nữ còn để lại vô số bài học đắt giá về gia đình cho người xem. Khoảng cách thế hệ đôi khi là rào cản khiến con cái không hiểu nỗi lòng cha mẹ và ngược lại. Nhưng ở đó, tình yêu vẫn còn.

Hạ Băng

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/nhung-cau-noi-lam-tan-nat-trai-tim-khi-xem-nha-ba-nu-cua-tran-thanh-202302072224407701.html