Những câu thơ dẫn đường cho nhà thơ Hữu Thỉnh tìm được người anh quá cố

Bài thơ về người anh trai hy sinh trong chiến tranh được nhà thơ Hữu Thỉnh viết đúng vào thời điểm ngôi mộ của anh trai ông được đưa về nghĩa trang huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận). Sự trùng hợp kì lạ này thực sự là sợi dây chỉ dẫn cho ông về sau gặp lại được anh trai.

Các đoàn viên thanh niên thắp hương tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa)

Các đoàn viên thanh niên thắp hương tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa)

Người lính ngã xuống khi chưa kịp một lần ghé về thăm nhà

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh ra trong một gia đình có 8 người con trai. Năm 1968, một người anh trai của ông (tên Nguyễn Xuân Đại) tham gia lệnh tổng động viên cho miền Nam. Khi nhập ngũ, anh này tròn 30 tuổi, đã có vợ và 3 đứa con thơ. Năm 1973, anh Nguyễn Xuân Đại hy sinh ở mặt trận phía Nam khi chưa kịp ghé về thăm nhà lần nào kể từ khi nhập ngũ.

Năm 1974, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc này là trung úy - trợ lý tuyên huấn đã lên đường vào chiến trường miền Nam. Suốt dọc đường đi bom rơi, đạn nổ, nhưng gặp ai cũng hỏi Sư đoàn 304B của anh mình ở đâu, đánh những trận nào. Rồi đi qua nghĩa trang nào, Hữu Thỉnh cũng rẽ cây, vạch cỏ, lần từng ngôi mộ có danh và khuyết danh với mong muốn tìm ra nơi người anh trai của mình ngã xuống. Có lần, Hữu Thỉnh bỗng dưng bắt gặp ngôi mộ trong lùm cây lạc tiên có tên Nguyễn Xuân Đại, ngỡ tưởng gặp được anh mình, nhưng rồi ông lại bật khóc khi biết liệt sĩ đó quê ở Hà Nam.

Cũng từ năm ấy, đến chiến trường nào Hữu Thỉnh cũng hỏi tin về anh trai mình nhưng không có hồi âm. Năm 1975 trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, Hữu Thỉnh mới biết anh trai hy sinh tại Bình Thuận. Ngay lập tức, ông đến Bình Thuận nhưng không tìm ra mộ. Đứng trước những cồn cát khô bỏng chói chang nắng và biển xanh đến quặn lòng, cái ngày định mệnh ấy của anh trai như hiện lên rõ nét trong tâm trí ông.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Bài thơ về người anh ấp ủ suốt 7 năm trời

Khi nhà thơ Hữu Thỉnh vào học Trường viết văn Nguyễn Du (năm 1981), nỗi đau mất người anh cùng với sự áy náy chưa tìm được anh về với mẹ ở quê nhà không lúc nào nguôi trong lòng ông. Một buổi cuối chiều, còn lại một mình trong khu kí túc xá quạnh hiu, bất chợt những hình ảnh về người anh đi vào trận đánh rồi hi sinh và cuộc hành trình đi tìm mộ anh cứ lần lượt hiện về như cuốn phim quay chậm... “Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ” - câu thơ đầu tiên bật ra như thế và cứ tự trào lên những dòng thơ chứa chan nước mắt. Ông “viết” toàn bộ bài thơ trong đầu rồi mới ngồi chép lại ra giấy. Bài thơ “Phan Thiết có anh tôi” được ấp ủ trong suốt 7 năm mới ra đời và in lần đầu trên báo Bình Thuận. Những câu thơ quặn thắt lòng người:

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ

Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ

Đất và trời Phan Thiết có anh tôi

Chính ở đây anh thấy biển lần đầu

Qua cửa hầm

Sau những ngày vượt dốc

Biển thì rộng căn hầm quá chật

Khẽ trở mình cát để trắng hai vai

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi

Tim anh đập không sao ghìm lại được

Gió nồng nàn hơi nước

Biển như một con tầu sắp sửa kéo còi đi.

Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya

Những người lính mở đường đi lấy nước

Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp

Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi

Biển ùa ra xoắn lấy mọi người

Vì yêu biển mà họ thành sơ hở

Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ

Mặt anh còn cách nước một vài gang

Anh ở đây mà em mãi đi tìm

Em hy vọng để lấy đà vượt dốc

Tân Cảnh

Sa Thầy

Đắc Pét

Đắc Tô

Em đã qua những cơn sốt anh qua

Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp

Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết

Em một mình đứng khóc ở sau xe

Cánh rừng kia trận mạc còn kia

Vài bước nữa thì tới đường Số Một

Vài bước nữa

Thế mà

Không thể khác

Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi

Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì

Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng

Anh chưa biết đã tan cơn báo động

Chưa biết tin nhà chưa nhận ra em

Không nằm trong nghĩa trang

Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ

Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình

Đồi ở đây cũng là con của mẹ

Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em.

Ánh đèn khuya Phan Thiết bước vào đêm

Đèn thành phố soi người đi câu cá

Anh không ngủ người đi câu không ngủ

Biển đêm đêm trò chuyện với hai người

Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi.

Sau này nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự, bài thơ được ông viết đúng vào thời điểm ngôi mộ của anh trai ông được đưa về nghĩa trang huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận). Sự trùng hợp kì lạ này thực sự là sợi dây chỉ dẫn cho ông có thêm niềm hi vọng gặp được anh trai. Nhưng mãi đến lần thứ 5 nhà thơ Hữu Thỉnh cố công vào Phan Thiết, được rất nhiều cơ quan giúp đỡ tra cứu tài liệu, gặp gỡ biết bao nhiêu nhân chứng mới tìm đúng được nơi anh mình đang yên nghỉ.

Cuộc cách chia đằng đẵng dài gần bốn thập kỷ. Hôm đó, một ngày tháng 10 năm 2008, khi khấn trước mộ, nhà thơ đã khóc rất nhiều, cũng như trước đây ông từng khóc vì không tìm ra anh. May mắn là mẹ ông vẫn chờ được đến ngày đón người con trai này về. Khi ấy, cụ đã 90 tuổi. Vợ liệt sỹ Nguyễn Xuân Đại mất sau khi chồng qua đời 2 năm, người đàn bà nhan sắc đó đã trở thành nhân vật trong rất nhiều câu thơ viết về người phụ nữ trong chiến tranh của Hữu Thỉnh.

Sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh tìm được mộ anh trai, trên đường trở ra Bắc, ông gặp nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi. Nhà thơ Thanh Thảo đã xúc động viết ngay một bài thơ với nhan đề “Hai anh em” và ghi một dòng đề từ “Tặng Hữu Thỉnh - Ngày đưa anh từ Phan Thiết về quê” (xin được trích đoạn đầu của bài thơ này):

không xe tăng, không đại pháo

hai anh em đi bên nhau nghìn cây số

đi bên nhau, kẻ mất người còn

đi bên nhau hai thế giới

hai nỗi buồn

40 năm âm dương.

xa xưa lắm ngày hai anh em đi bên nhau

phía sau con trâu, phía trước con bò

những ngọn đồi sim mua xơ xác

dù anh em kiến giả nhất phận

nhưng đâu phải đi bên nhau thế này...

PHONG LAN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-cau-tho-dan-duong-cho-nha-tho-huu-thinh-tim-duoc-nguoi-anh-qua-co/775840.antd