Những 'cây phong ba' nơi đảo xa

Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với chúng tôi là những người lính trẻ thế hệ 9X. Trong độ tuổi đôi mươi, ở họ toát lên vẻ rắn rỏi, tự tin, đặc biệt là nghị lực phi thường, chấp nhận hy sinh, gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vườn rau Thanh niên đảo Sinh Tồn (chụp ngày 4.6.2018). Ảnh: T.M

Hiên ngang giữa đại dương

Theo đoàn công tác số 14 do đại tá Bùi Văn Thiết - Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn - vào thăm đảo Đá Đông A, chúng tôi gặp chiến sĩ Nguyễn Thanh Hoàng đang nghiêm trang cầm súng đứng gác trên nóc nhà kiên cố của đảo. Hoàng không xuống tham gia giao lưu văn nghệ được, vì đang phiên trực. Nhiệm vụ thường ngày của các anh là thay phiên nhau quan sát, theo dõi 24/24 giờ mặt biển, bầu trời.

Chàng trai trẻ 20 tuổi, quê Ninh Thuận chia sẻ: Vốn dĩ không quen với sóng nước nên thời gian đầu ra đảo, những lúc ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, sóng từng cột cao đánh tung tràn ngập lên các phòng ở đảo, Hoàng rất sợ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Hoàng đã quen với những trận bão biển, với sóng nước, nắm rõ quy luật thủy triều lên xuống, sau ca trực còn ra bãi rạn mò ốc, đánh cá cùng đồng đội.

Tốt nghiệp lớp Chỉ huy tham mưu Binh chủng hợp thành Trường Sĩ quan lục quân 2 ở Đồng Nai, năm 2013, Võ Văn Hải nhận công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, sau đó xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. Lần đầu ra đảo 18 tháng, lần hai 12 tháng. Hải kể, trong lần thứ hai ra công tác ở đảo, gia đình gặp sự cố, anh trai đầu của Hải bị tai nạn giao thông qua đời. Bố mẹ vốn đã già yếu, nay đổ bệnh nặng. Vợ đang chăm con nhỏ, sức khỏe cũng không được tốt, Hải quyết định đưa vợ con về Quảng Bình “gửi” ông bà ngoại; còn bố mẹ có anh chị ở làng bên thỉnh thoảng về chăm sóc. Hải tâm sự, vợ chồng cưới nhau được 4 năm nhưng thời gian chung sống chưa đầy 1 năm. Cô con gái nhỏ mỗi lần xem tivi thấy có người mang trang phục quân đội đều mừng rỡ gọi “ba ơi”, nghe điện thoại lại nhắc “bao giờ ba về đưa con đi chơi công viên ba nhé”.

Thượng úy Lê Anh Sơn - Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị - cho biết, nhiều điểm đảo được gọi là “Đảo Thanh niên”, bởi đa số cán bộ, chiến sĩ đều thuộc thế hệ 9X. Hầu hết các chiến sĩ trẻ vừa mới rời ghế nhà trường, lần đầu xa gia đình, xa đất liền, nhận nhiệm vụ ở nơi đảo tiền tiêu điều kiện vật chất khó khăn nên không khỏi bỡ ngỡ, tư tưởng có phần dao động. Chính vì thế, ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ các chiến sĩ mới làm quen với chỗ ăn, chỗ nghỉ, công việc huấn luyện... Chỉ huy đảo phải luôn gần gũi, quan tâm, động viên tư tưởng cho chiến sĩ yên tâm công tác.

Ấm tình đồng đội

Chỉ cho tôi những chấm đỏ trên bản đồ, “lính cựu trào Trường Sa”, Đại tá Nguyễn Đại Dương, Tham mưu phó Vùng 4 Hải quân, cho biết, quần đảo Trường Sa do Vùng 4 Hải quân quản lý, gồm 21 đảo. Đây là khu vực có khí hậu khắc nghiệt, bình quân một năm có đến 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13-20 ngày gió mạnh. Cơ sở vật chất các đảo còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, rất cần đến người trẻ, những người có nhiệt huyết, và đặc biệt có sức khỏe tốt.

Quả thật, đến Trường Sa, mới thấy được nghị lực phi thường của những người lính trẻ nơi vùng hải đảo xa xôi. Hỏi thăm chuyện trò cùng các chiến sĩ, chúng tôi nghe được những câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng, về tình người ấm áp của các anh. Đó là trường hợp một chiến sĩ ở đảo Đá Đông C có hai con nhỏ, vợ ung thư đang phải xạ trị ở Bệnh viện K Hà Nội, thế nhưng cả hai vợ chồng luôn động viên nhau kiên cường vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Anh yêu cầu không nêu tên vì không muốn mọi người thương cảm cho mình.

Chiến sĩ Nguyễn Đăng Quyết (đảo Đá Thị) gia đình hai bên đã định ngày cưới nhưng vì nhiệm vụ đã dời lịch đợi đến khi anh hoàn thành nhiệm vụ ở đảo mới tổ chức lễ thành hôn. Nhiều chiến sĩ cưới vợ hôm trước, thì hôm sau phải chia tay gia đình để theo tàu ra nhận nhiệm vụ tại đảo. “Vừa rồi hai chiến sĩ có bố mất ở quê không về chịu tang được, anh em trong đơn vị tổ chức lập bàn thờ vọng trong vòng một tuần để thắp hương, phúng viếng chia buồn cùng đồng đội. Nhiều trường hợp có người thân trong gia đình gặp ốm đau, hoạn nạn đều được anh em quyên góp ủng hộ, động viên” - Chính trị viên đảo Phan Vinh chia sẻ.

Mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh, thế nhưng điểm chung của họ là sự rắn rỏi, bản lĩnh kiên cường và tinh thần vượt khó. Tại đảo Sinh Tồn, chúng tôi được chiến sĩ Lê Trịnh dẫn đi tham quan nơi sinh hoạt, khu trồng rau và chăn nuôi, dù hai bên lối đi có khá nhiều cây bàng vuông, phong ba xòe tán rộng nhưng vẫn không ngăn được cái nắng hầm hập rát bỏng da. Trước những lời xuýt xoa thương cảm, chia sẻ và ngưỡng mộ của nhiều bạn thanh niên trong đoàn công tác, Trịnh cười hồn hậu: “Lính Trường Sa mà. Chúng em quen với khó khăn, vất vả nhiều rồi nên thấy bình thường, cứ nghĩ đây là điều tất yếu của cuộc sống mà mình phải vượt qua. Được làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của em”.

Bên cạnh việc thường xuyên huấn luyện chiến đấu, canh gác, cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo còn khắc phục thời tiết khắc nghiệt để trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện đời sống. Tại các đảo chìm cũng hình thành “Vườn rau thanh niên” với các loại rau được trồng trong những thùng xốp, khay nhựa mang từ đất liền ra. Tuy diện tích trồng ở các đảo chìm không nhiều như các đảo nổi nhưng cơ bản cũng đủ rau xanh cho bữa ăn hằng ngày.

Vừa qua, công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Cô Lin do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tài trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ chiến sĩ ở đảo. Tuy còn nhiều khó khăn, các điểm đảo đã giúp đỡ ngư dân trên biển trú tránh bão an toàn cũng như hỗ trợ về lương thực, nước ngọt, thuốc chữa bệnh...

Công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Cô Lin vừa được đưa vào hoạt động tháng 5.2018. Ảnh: T. Hùng

Gần lắm Trường Sa

Chỉ sau vài câu hỏi thăm, chàng lính trẻ 20 tuổi Nguyễn Hoàng đã không giấu được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười khi gặp được đồng hương giữa vùng khơi xa. Hoàng kể, hằng ngày, em tranh thủ ôn lại kiến thức văn hóa để sang năm vào bờ, tiếp tục thực hiện hoài bão của mình là theo học đại học, trong đó ưu tiên nguyện vọng vào Đại học An ninh hoặc Học viện Lục quân.

Nhiều chiến sĩ trẻ bày tỏ nguyện vọng sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ tiếp tục học tập nâng cao kiến thức và sẵn sàng ra đảo làm nhiệm vụ. Lúc đoàn chuẩn bị rời đảo, Hoàng nhờ tôi mang giúp món quà về cho mẹ ở vùng đất thép Vĩnh Linh, Quảng Trị. Đó là một cây hoa rất đẹp được kết từ các vỏ ốc biển, món quà mà Hoàng đã tỉ mẩn làm trong những giờ nghỉ, gửi gắm trọn vẹn tấm lòng, tình cảm của người con nơi hải đảo xa xôi dành cho gia đình thân yêu. Tôi nắm chặt tay Hoàng, hứa về đến đất liền sẽ chuyển ngay món quà đặc biệt này cho mẹ của em.

Giao lưu văn nghệ giữa thanh niên từ đất liền ra với cán bộ chiến sĩ đảo Cô Lin. Ảnh: H.Hải

Đêm cuối kết thúc hải trình của đoàn công tác, các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa Lớn tập trung thành hai hàng dài ở cầu tàu tiễn chúng tôi. Liên tiếp những ca khúc về Bác Hồ, về biển đảo, về Trường Sa thân yêu cứ ngân vang mãi cả một vùng biển lớn. Nhiều bạn đoàn viên, thanh niên đi trên tàu không ngăn được những giọt nước mắt xúc động và tự hào khi cất cao tiếng hát cùng các chiến sĩ: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Tất cả mọi người đều đồng thanh hô vang “Cả nước vì Trường Sa”, “Trường Sa vì Tổ quốc!”.

Những ngày “ba cùng” với các anh, các thành viên đoàn công tác đều có chung niềm tự hào, sự cảm phục và nhận thấy có trách nhiệm hơn, trân trọng hơn giá trị của cuộc sống. Và tất cả đều trăn trở làm thế nào để tạo nên nguồn lực lớn hơn, hiệu quả hơn cho Trường Sa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho những người lính nơi đây. Để Trường Sa không xa mà ngày càng gần hơn với đất liền.

VĂN TUYẾT MAI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/nhung-cay-phong-ba-noi-dao-xa-613037.ldo