Những chân rết nguy hiểm của thời đại

Ông Donald Trump tấn công một khán giả không đồng tình với quan điểm của mình, đó là nội dung bài báo từng được đăng lên hai năm trước, trong thời gian ông Trump tranh cử tổng thống.

Người viết bài báo đó là Boris, năm đó 18 tuổi, sống trong một thành phố nhỏ của Macedonia, một cậu thiếu niên giống vô vàn cậu thiếu nên khác, hài hước, thích nghe nhạc hiphop, hâm mộ nhóm Wu-Tang Clan.

Tin tức về ông Trump, tất nhiên là không có thật. Nhưng Boris không ngờ rằng, tin tức ấy lại viral mạnh mẽ trên mạng xã hội và kiếm về cho cậu 150 USD từ Google trong tháng đó.

Nhưng “mối quan hệ” giữa ông Trump và Boris không mãi chua cay như những ngày đầu. Tiếp tục viết những tin tức giả về cuộc bầu cử, Boris nhận ra số lượt tương tác dành cho các bài ủng hộ ông Trump và bài xích bà Clinton luôn lớn hơn những bài ngược lại. Cậu bắt đầu lập cả trăm website về vị tỉ phú giàu có bậc nhất và bắt đầu một sự nghiệp ngắn ngủi bịa những tin tức có lợi cho ngài Trump.

Chính trị ư? Boris nhấn mạnh rằng cậu ta không quan tâm. Ai đắc cử, ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ai sẽ lèo lái nước Mỹ - và rộng hơn, thế giới, đối với cậu ta cũng như nhau cả. Cậu ta làm điều đó hoàn toàn không phải vì lợi ích của ông Trump.

Biếm họa hiệp sĩ "Don Quixote" Donald Trump chiến đấu với cối xay gió tin giả.

Nhưng, cậu ta đứng về phía ông chỉ vì những lượt tương tác khủng trên mạng xã hội có thể mang lại hàng ngàn USD một tháng. Tin là giả, còn tiền là thật. Và biết đâu một ngày nào đó cậu ta có thể mua một chiếc BMW thì sao.

Một chiếc BMW trong tưởng tượng, có lẽ đó là tất cả lí do đã khiến Boris vô tình trở thành một công cụ vô thức lan tỏa những nỗi phẫn nộ và cả những niềm hi vọng trong cộng đồng nước Mỹ vốn chưa bao giờ thôi chia rẽ và bất đồng sâu sắc. Hay nói cách khác, Boris đã vô tình trở thành một trong những động cơ khiến con tàu của “chủ nghĩa dân túy” lao đi vùn vụt.

Chúng ta đều biết rằng những nhà lãnh đạo chủ nghĩa dân túy trục lợi từ sự thừa thãi tính mẫn cảm nhưng thiếu hụt tính lí trí của dân chúng để tự dựng mình lên như một vị cứu tinh trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn màng.

Thế nhưng, một điều ít ai nhắc tới, rằng chính cả sự thờ ơ của những người như Boris cũng vô hình trung đổ thêm dầu vào lửa, dắt mũi những kẻ khốn khổ cả tin.

Sự thờ ơ đó khiến Boris và hàng ngàn thanh niên như cậu ta tin rằng, dù sao thì nước Mỹ cũng ở quá xa và nước Mỹ có làm sao cũng còn lâu mới ảnh hưởng tới họ, trong khi sức cám dỗ của đồng tiền lại quá gần và hiển hiện.

Khi nhắc tới hệ thống nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của dân túy trên toàn thế giới, các tài liệu thường chỉ ra những nguyên nhân về hậu quả để lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khoảng cách thu nhập ngày càng tăng cao, trong khi tầng lớp trung lưu bị hất cẳng, làn sóng nhập cư kéo dài và sự lấn lướt của mạng xã hội trước truyền thông chính thống khiến bất cứ ai cũng được quyền làm một “thông tấn xã”.

Song, nếu so sánh dân túy như một thực thể sống thì các lí do trên tuy đã cấu thành nên cơ bản một sinh vật hoàn chỉnh nhưng sinh vật ấy còn có thể quẫy đạp mạnh mẽ hơn nhờ những tế bào ác tính ngầm ẩn mà sự thờ ơ, thái độ cho rằng mình vô can là một trong số đó.

Và, đó vẫn chưa phải tế bào nguy hiểm nhất bởi chí ít, ai cũng biết sự thờ ơ là một điều nguy hại, trong khi còn có những nguy hại tiềm ẩn khác mà chúng ta không có ý thức phải khắc phục.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump tuy thua về số phiếu phổ thông nhưng lại giành chiến thắng ở 30 bang nhờ lá phiếu của Đại cử tri. 20 bang còn lại lựa chọn bà Hillary Clinton.

Nhưng, khi lấy tỉ lệ 30/20 ra để làm một thống kê sâu hơn, người ta nhận ra rằng, nếu xếp các bang theo trình độ học vấn trung bình của cư dân thì ở 30 bang có chỉ số thấp nhất, ông Trump chiến thắng những 28 bang. Ông Trump cũng chiến thắng tại 24 bang có GDP bình quân đầu người thấp nhất nước Mỹ.

Ở Pháp, những thống kê cũng chỉ ra vào năm 2017, ứng viên dân túy Marine Le Pen nhận được nhiều phiếu bầu từ tầng lớp thất nghiệp hơn ứng viên Emmanuel Macron. Điều tương tự cũng xảy ra tại cuộc bầu cử năm ngoái ở Hà Lan, khi sự nổi lên của chính trị gia cực hữu Geert Wilders gắn liền với một nền sản xuất nơi tự động hóa thay thế những công nhân bậc thấp.

Trong khoảng một thập niên qua, chúng ta chứng kiến khoa học đang phát triển nhanh hơn con người. Aristotle đã bàn về điều này từ hàng ngàn năm trước khi tự động hóa ra đời và ngày nay, những giáo sư của Đại học Oxford, ông Carl Benedikt Frey và Michael Osborne thậm chí còn ước tính khoảng 47% công việc tại nước Mỹ có nguy cơ bị thay thế bởi robot và công nghệ.

Rõ ràng, những viễn cảnh phản địa đàng là có thật và là một tiến trình không thể đảo ngược. Bạn không thể yêu cầu những nhà tư bản hãy thôi không tự động hóa trong khi một giờ lao động trung bình của con người trị giá 28 USD và máy móc vừa nhanh nhẹn, vừa chính xác, vừa hoàn hảo, lại chỉ đòi ở bạn có 8 USD.

Sự trỗi dậy của làn sóng dân túy trong trường hợp này là một sự phản kháng và một mặt nào đó, cũng là sự phản kháng thiếu tỉnh táo như cách các công nhân đập phá máy móc và phản đối cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18.

Còn công nghệ, tưởng như là cánh tay phải đắc lực của con người nhưng oái oăm thay, lại chỉ là cánh tay phải đắc lực cho một nhóm người. Những nhóm bị bỏ lại, họ cảm thấy bị gạt ra rìa và sự xuất hiện của các chính trị gia dân túy với những lời vỗ về và hứa hẹn ngọt ngào đã đem lại ánh sáng cho họ.

Biếm họa về cách robot đang thay thế cho con người, khiến bất công xã hội ngày càng bị đào sâu.

Nhưng, thế vẫn chưa hết! “Cáo trạng” công nghệ không chỉ dừng ở mức đó. Sự phổ cập công nghệ mở ra một tương lai của nền kinh tế chia sẻ, với những đại diện hàng đầu là các ứng dụng như Uber, Airbnb, Grab,...

Hãy lấy Uber làm ví dụ. Một cư dân thành thị với mức lương tương đối thấy Grab là một hình thức kinh tế tuyệt với. Là một khách hàng, bạn được di chuyển với giá rẻ hơn. Là một người lao động, bạn có thể kiếm thêm thu nhập từ nó.

Nhưng ngược lại, những tài xế taxi chuyên nghiệp lại chịu thiệt thòi đủ đường. Nếu tiếp tục gắn với taxi truyền thống, thu nhập họ giảm vì nhu cầu cho mô hình dịch vụ này giảm. Còn nếu chuyển sang Uber, họ chấp nhận làm việc mà không có bất cứ quyền lợi bảo hiểm hay sự bảo vệ nào từ phía công đoàn.

Theo một nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts, một tài xế Uber ở Mỹ trung bình kiếm được 8,55 USD một giờ, nghĩa là thấp hơn mức lương tối thiểu ở nhiều thành phố. Và thà vào nhà kho Amazon để làm việc, họ còn kiếm được nhiều tiền hơn. Bởi vậy, nhìn trên bình diện rộng, những ứng dụng chia sẻ đang phân chia lại giá trị hơn là kiến tạo nên các giá trị mới.

“Cái mà mọi người nhận được trên tư cách là người tiêu thụ thì cũng tương đương với cái mà mọi người mất đi trên tư cách là người lao động, thành thử những cải tiến kiểu này chỉ là trò chơi có tổng bằng 0”, cây bút Simon Caulkin của tờ Financial Times nhận định.

Đấy là chưa kể, trong trò chơi có tổng bằng 0 ấy, những nhóm người vốn đã thấp cổ bé họng trong xã hội chỉ có mất ngày càng nhiều hơn và những gì họ mất lại chuyển sang túi của những người vốn đã có cuộc sống đủ đầy.

Bất công xã hội làm sao lại không leo thang. Và như một công thức định sẵn, trong thời khắc khủng hoảng, đây là lúc chủ nghĩa dân túy vào cuộc như một vị siêu anh hùng với sức mạnh cứu vớt những nạn nhân bị bỏ quên.

Nói cho cùng, nếu thế giới không có sẵn những tan vỡ thì cũng đã chẳng có những kẽ nứt nào cho chủ nghĩa dân túy sinh sôi và trồi lên như loài nấm đẹp, cám dỗ mà đầy độc tố.

Và hiểu theo một cách khác, dân chủ và dân túy là một hiện tượng đa nhân cách, giống như Jekyll khả kính và Hyde quái vật ở trong cùng một bản thể, cùng một cũi da thịt.

Và gì nữa? Chính Jekyll dân chủ đã tự mình tạo nên Hyde quái vật, chính Jekyll dân chủ có thể tự đập đầu vào tường để sa vào dân túy và dần tiến lên thành phát-xít. Sự cực đoan luôn được mã hóa bên trong mỗi người - chỉ manh nha được “bật” lên, hay nói theo cách của triết gia Michel Foucault “chủ nghĩa phát xít có trong tất cả chúng ta, trong đầu chúng ta và trong hành vi thường nhật của chúng ta”.

Và điều đáng sợ nhất không phải là dân túy Hyde có thể gây ra những biến động gì mà đáng sợ hơn cả là sự khoái trá đầy ham hố của dân chủ Jekyll trước những gì dân túy Hyde đang làm, một khi dân chủ Jekyll đã không còn tỉnh táo.

Hiền Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-chan-ret-nguy-hiem-cua-thoi-dai-526797/