Những chỉ dẫn đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa ở Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa là hệ thống quan điểm mục tiêu, tính tất yếu khách quan, nội dung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Càng đi sâu vào đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và khi kiểm thảo lại tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa chúng ta lại càng thấy tầm nhìn vượt trước và tính cách mạng, khoa học của Người về một vấn đề vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn và lại vừa có tính quy luật trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta - đó là công nghiệp hóa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa là hệ thống quan điểm về mục tiêu, tính tất yếu khách quan, nội dung công nghiệp hóa nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta tìm thấy những tư tưởng về xây dựng nền công nghiệp toàn diện, vững chắc của nước Việt Nam. Những tư tưởng đó ra đời ngay trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, những năm kháng chiến chống Pháp và trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa nói riêng luôn gắn bó chặt chẽ những vấn đề kinh tế với chính trị, xã hội, là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Những chỉ dẫn đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa ở Việt Nam luận giải trên một số nội dung sau:

Về quan niệm công nghiệp hóa. Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, trong bài viết Thế nào là công nghiệp hóa? đăng trên Báo Nhân dân, số 2136, ngày 22/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa đưa ra quan niệm đầy đủ nhưng đã chỉ ra nội hàm của công nghiệp hóa bao gồm phải phát triển công nghiệp nặng: “Các ngành công nghiệp làm ra máy móc, gang thép, than, dầu, hóa chất, v.v., gọi chung là công nghiệp nặng. Công nghiệp nặng là đầu mối để mở mang các ngành công nghiệp khác và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Cho nên, chưa có công nghiệp nặng, thì chưa thể gọi là công nghiệp hóa” (1).

Về mục tiêu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục tiêu chủ yếu của công nghiệp hóa trong mối quan hệ hữu cơ với mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội. Nếu tách rời mối quan hệ này thì công nghiệp hóa sẽ mất phương hướng cụ thể, giáo điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem xét mối liên hệ giữa mục tiêu công nghiệp hóa và mục đích của chủ nghĩa xã hội là vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích cuối cùng của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đem lại đời sống dồi dào, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, trong bài Con đường phía trước đăng trên Báo Nhân dân, số 2134, ngày 20-1-1960, Người chỉ rõ: “Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta” (2). Từ đó, xác định rõ mục tiêu của công nghiệp hóa là nhằm xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, có năng suất cao để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; khắc phục nghèo nàn, lạc hậu của sản xuất nhỏ, hậu quả của chiến tranh.

Trong buổi Nói chuyện với Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội, ngày 20/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân. Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế phải vừa cải thiện đời sống, vừa tích lũy. Cải thiện đời sống từng bước theo khả năng, đồng thời phải tích lũy để kiến thiết” (3). Đây chính là mục tiêu, là bản chất xã hội của quá trình công nghiệp hóa do giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Về tính tất yếu của công nghiệp hóa. Tính tất yếu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải hết sức khoa học:

Thứ nhất, nước ta đi lên xã hội chủ nghĩa xã hội từ một điểm xuất phát thấp, nông nghiệp lạc hậu. Nhấn mạnh đặc điểm kinh tế khi Việt Nam đi lên xã hội chủ nghĩa xã hội, trong bài viết Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Người cho rằng: “Mà đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (4). Trong kinh tế, tính chất lạc hậu của nền kinh tế quốc dân được biểu hiện không chỉ ở trình độ của lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội mà còn ở quy mô tổ chức, cách thức quản lý sản xuất, cơ cấu ngành kinh tế. “Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. (5)

Thứ hai, nước ta đi lên xã hội chủ nghĩa xã hội trong điều kiện một nền công nghiệp lạc hậu. Không chỉ lạc hậu về nông nghiệp mà đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn lạc hậu cả về công nghiệp. Công nghiệp rất nhỏ bé, lẻ tẻ, rời rạc, phân bố không đều, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, xướng sống của toàn ngành công nghiệp. Sau gần một thế kỷ đô hộ, chính sách của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam chỉ nhằm mục đích khai thác, vơ vét, bóc lột; các cơ sở công nghiệp mà chúng để lại rất ít, lạc hậu về trình độ công nghệ lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh: “Đế quốc Pháp để lại cho ta một nền kinh tế rất nghèo nàn. Trong nông nghiệp thì sản xuất nhỏ chiếm đại bộ phận, kỹ thuật vô cùng lạc hậu. Công nghiệp thì rất nhỏ bé và lẻ tẻ. Nông nghiệp và công nghiệp lại bị tàn phá nặng nề trong mười lăm năm chiến tranh. Đã vậy khi chúng phải rút khỏi miền Bắc, thực dân Pháp lại ra sức phá hoại kinh tế” (6). Do đó, trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roayan Môngxô, ngày 12/7/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ” (7).

Thứ ba, từ mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong xây dựng phát triển kinh tế đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nghiệp và nông nghiệp vừa là mục tiêu vừa là động lực và có mối quan hệ biện chứng trong quá trình công nghiệp hóa ở nước ta. Song, đi vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không thể phát triển được kinh tế nước nhà nói chung và nông nghiệp nói riêng nếu không phát triển công nghiệp.

Trong bài viết hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp, đăng trên Báo Nhân dân, số 616, ngày 9/11/1955, Người đã chỉ ra mối quan hệ của công nghiệp và nông nghiệp: “Công nghiệp và nông nghiệp là như hai chân của nền kinh tế nước nhà. Chân phải thật vững thật khỏe, thì kinh tế mới tiến bộ thuận lợi và nhanh chóng” (8). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói rõ quan điểm về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mối quan hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp và với các ngành kinh tế khác. Người chỉ rõ: “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế... Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh, và nhanh chóng đi đến mục đích” (9). Phát triển “nông nghiệp tốt, công nghiệp tốt, thì xây dựng tốt chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà” (10).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải ra sức tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong công cuộc phát triển nông nghiệp, vì: - “Có thực mới vực được đạo”, phải làm cho nhân dân ta ngày càng thêm ấm no. - Nông nghiệp phải cung cấp đủ lương thực và nguyên liệu để phát triển công nghiệp, để bảo đảm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa” (11). Nông nghiệp phải là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, để tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà: “Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hóa học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp dần dần máy cấy, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển” (12). “Cái thìa khóa của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp, và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu đi sát, phục vụ sản xuất” (13). Phát triển công nghiệp, giải quyết lương thực đủ tiêu dùng, cả hai việc đó vừa là bức thiết, vừa là khách quan không những đối với đời sống của nhân dân mà còn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đó, nông nghiệp là cơ sở phát triển của công nghiệp hay nói cách khác, nông nghiệp là nền tảng của công nghiệp hóa.

Thứ tư, từ yêu cầu khách quan của việc xây dựng cơ sở kinh tế - xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Nền tảng kinh tế lạc hậu quy định một cơ cấu xã hội, giai cấp tương ứng. Ở nước ta, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ tiến trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư, đại bộ phận là nông dân, tiểu tư sản, người buôn bán nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế. Trong đời sống văn hóa tinh thần, tuyệt đại bộ phận nhân dân mù chữ; ý thức hệ phong kiến, tư tưởng thực dân còn nặng nề, phong tục tập quán còn lạc hậu, còn chi phối suy nghĩ, đời sống tinh thần của nhiều người. Đối với một nước nông nghiệp lạc hậu, phổ biến còn là sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội thì mâu thuẫn cơ bản lại chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển của đất nước theo xu hướng tiến bộ, hiện đại nhất (chủ nghĩa xã hội) với thực trạng xã hội quá thấp kém. Xuất phát từ đặc điểm lớn nhất này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ chức năng kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là phải tạo được những tiền đề kinh tế khách quan, làm nền tảng cho sự vận hành của chế độ xã hội mới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Ở miền Bắc, chúng ta đang ở trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc” (14). Mặt khác, chúng ta lại phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta nghĩa là trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền.

Về nội dung chủ yếu của công nghiệp hóa. Nội công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhiều lĩnh vực. Song, nội dung chủ yếu được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiều lần đến vai trò và sự cần thiết phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn...

Thứ nhất, phát triển công nghiệp nặng. Công nghiệp nặng là ngành công nghiệp cung cấp tư liệu sản xuất chính về cơ sở kỹ thuật vật chất cho các ngành của nền kinh tế quốc dân; do đó, phát triển công nghiệp nặng có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng” (15), vì “Công nghiệp nặng làm cơ sở cho nền kinh tế độc lập” (16).

Thứ hai, phát triển công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Công nghiệp nhẹ là ngành công nghiệp cung cấp sản phẩm tiêu dùng sinh hoạt; phần lớn sản phẩm công nghiệp nhẹ là sản xuất hàng tiêu dùng, một phần là nguyên liệu và bán thành phẩm cho sản xuất như sợi hóa học, vải dùng trong công nghiệp, giấy, muối… Ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là lĩnh vực sản xuất bao gồm các nghề thủ công và các cơ sở công nghiệp nhỏ; thường các cơ sở công nghiệp nhỏ này có nguồn gốc từ các nghề thủ công phát triển thành... Như vậy, cùng với công nghiệp nặng thì công nghiệp nhẹ cũng rất quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Người nêu rõ: “Mọi chính sách của Đảng và Chính phủ ta đều nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Ngành công nghiệp nhẹ quan hệ rất khăng khít với đời sống thường ngày của nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ của công nghiệp nhẹ là rất quan trọng” (17). Trong thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An 21/7/1969, Người căn dặn: “Công nghiệp và thủ công nghiệp phải sản xuất nhiều công cụ làm đất, tưới tát, vận chuyển…, phải cung cấp nhiều hàng tiêu dùng tốt và rẻ cho nhân dân” (18).

Thứ ba, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Xuất phát từ đặc điểm kinh tế đất nước, ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng một cơ cấu kinh tế công nông nghiệp hiện đại và vai trò của thương nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 1, Người đã phác thảo mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Chính sách kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không ngừng phát triển sản xuất để nâng cao mãi đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân” (20).

Thứ tư, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là vấn đề sử dụng máy móc trong nông nghiệp. Vì thế, Người chỉ dẫn: “Ta bây giờ cái gì cũng phải gánh. Nếu dùng xe cút kít thay cho gánh thì cũng đơn giản thôi, ai cũng đóng được và một xe cút kít chở bằng 3 người gánh. Hoặc như làm cái máy cày máy bừa, máy tuốt lúa thì không phải học mấy năm rồi mới đóng được, nông dân cũng không phải học mấy tháng rồi mới dùng được. Công nhân phải giúp nông dân, giúp hợp tác xã cải tiến công cụ từ những cái thô sơ trở đi... Một số nhà máy đã tổ chức giúp đỡ nông dân” (21).

Về các bước tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân. Tại Hội nghị Bộ Chính trị về phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế sau hòa bình, có ý kiến muốn tập trung vào xây dựng và phát triển công nghiệp nặng, ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Mấy năm kháng chiến ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị… Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan… Cho nên, trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô cũng là mácxít. Trung Quốc phát triển cả công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, đồng thời phát triển cả nông nghiệp. Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi đến thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, sau mới đến công nghiệp nặng” (22).

Tóm lại, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa hàm chứa những nội dung thật sự đặc sắc sắc, có giá trị định hướng chỉ đạo thực tiễn công nghiệp hóa ở Việt Nam không chỉ ở những giai đoạn lịch sử trước đây mà còn có giá trị nhiều mặt trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay./.

Chú thích:

(1) (3) (4) (5) (6) (20) (21) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.449; tr.605; tr.411; tr.412; tr.41; tr.372; tr.636

(2) (9) (10) (11) (12) (13) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.445; tr.375-376; tr.163; tr.163; tr.375-376; tr.376

(7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.315

(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.191

(14) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr.91-92

(15) (16) (17) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.439; tr.565; tr.455

(18) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.596

(19) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.445

(22) Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.197.

Sơn Thái - Đức Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-chi-dan-dac-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-cong-nghiep-hoa-o-viet-nam-178046.html