Những chỉ số quan trọng khi siêu âm thai

Khi đọc một phim siêu âm hay bản kết quả siêu âm thai, mẹ sẽ nhìn thấy rất nhiều ký hiệu viết tắt của những chỉ số khác nhau. Dưới đây là ý nghĩa những chỉ số quan trọng mẹ cần biết.

Các chỉ số thai nhi mẹ cần biết

Hầu hết các chỉ số thai nhi đều là từ tiếng Anh, những gì mẹ nhìn thấy trên phim siêu âm hay các kết quả siêu âm là từ viết tắt của các chỉ số này. Một số thuật ngữ phổ biến nhất bao gồm:

GA (Gestational age): Tuổi thai tính từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối.

CRL (Crown rump length): Chiều dài đầu mông. Vì trong nửa đầu thai kỳ, bé thường cuộn người lại nên khó đo chính xác chiều dài đầu – chân. Trong những tuần cuối, chiều dài đầu mông sẽ được thay thế bằng chiều dài đầu – chân.

BPD (Biparietal diameter): Đường kính lưỡng đỉnh, là đường kính lớn nhất ở mặt cắt vòng đầu bé.

FL (Femur length): Chiều dài xương đùi

EFW (estimated fetal weight): Khối lượng thai ước đoán

Ý nghĩa của từng chỉ số thai nhi

1. GA (Gestational age)

Tuổi thai là yếu tố rất quan trọng vì nó liên quan đến việc dự tính ngày sinh cũng như giúp mẹ và bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi theo đúng “tuổi”. Thông thường, tuổi thai thường được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng trước khi mẹ có bầu. Nếu mẹ không nhớ rõ ngày này hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không đều thì nên trao đổi rõ để bác sĩ dùng những biện pháp khác để tính tuổi thai.

Chú ý: Dự kiến sinh (phụ thuộc vào tuổi thai) sẽ chính xác nhất vào thời điểm thai từ 1 đến 3 th.á.n.g. Từ th.á.n.g thứ 4, dự kiến này thường chênh lệch nên các bác sĩ luôn khuyên mẹ lấy ngày dự kiến trước đó làm “chuẩn” để lên kế hoạch sinh đẻ.

Mẹ bầu cần hiểu những chỉ số siêu âm này để biết sự phát triển của thai nhi.

2. CRL: Rown rump length (chiều dài từ đầu mông)

Trong siêu âm, chỉ số chiều dài đầu mông rất quan trọng đối với trẻ dưới 12 tuần. Vì lúc này bác sĩ thường không tính cân nặng và lấy chiều dài đầu mông làm thước đo sự phát triển của thai nhi.

3. BPD: Biparietal diameter (đường kính lưỡng đỉnh)

Đường kính lưỡng đỉnh chính là chu vi vòng đầu của thai nhi (thường được tính từ lúc 13 tuần). Đến giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ bầu nên quan tâm đặc biệt đến chỉ số này vì nếu đầu con quá to thì sẽ khó đẻ thường và nên cân nhắc đến phương án sinh mổ. Đầu của em bé sơ sinh khoảng 90mm là bình thường.

4. FL: Femur length (chiều dài xương đùi)

Bước vào tuần thứ 13, chiều dài đầu mông của em bé rất khó đo vì con nằm ở nhiều tư thế khác nhau trong bụng mẹ. Thay vào đó, bác sĩ sẽ dựa vào chiều dài xương đùi để xác định thai nhi có đạt tiêu chuẩn chiều cao hay không nên các mẹ chú ý nhé!

5. EFW (g): Cân nặng ước tính

Đây có lẽ là chỉ số được nhiều mẹ quan tâm nhất. Cân nặng của con phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng nên các mẹ nhớ chú ý ăn uống nhé! Đặc biệt, nhiều mẹ có tâm lý thích con “càng to càng tốt” nhưng đây không phải là quan niệm đúng đâu. Thực tế là nhiều em bé sơ sinh vượt quá cân nặng đã phải đối mặt với rất nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch. Cân nặng tốt nhất của bé là từ 2,9kg đến 3,5kg.

Phương Ngân (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nhung-chi-so-quan-trong-khi-sieu-am-thai-p42261.html