Những chiếc chân gà cùng cực

Việc chính phủ Ai Cập kêu gọi người dân ăn chân gà đang tạo ra làn sóng giận dữ. Những bước đi sai lầm của giới chức trách đang đẩy nước này vào tình thế khủng hoảng nghiêm trọng.

Ai Cập đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhiều cư dân rơi vào cảnh nghèo túng, vật lộn từng ngày để nuôi sống gia đình.

Chính phủ mới đây đã kêu gọi người dân ăn chân gà như một lời khuyên dinh dưỡng thay thế các thực phẩm khác.

Thông tin này đã khiến người dân tức giận.

Giá tăng chóng mặt

Nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng lạm phát, ở mức hơn 30% trong tháng 3. Riêng Ai Cập là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Các nhu yếu phẩm cơ bản như dầu ăn, phô mai giờ đã trở thành những mặt hàng xa xỉ không thể mua được. Một số sản phẩm đã tăng giá gấp đôi hoặc gấp ba lần trong vòng vài tháng.

Người dân Ai Cập đối phó với tình trạng bão giá do khủng hoảng. Ảnh: BBC.

Wedad, một người mẹ có 3 con, chia sẻ: "Thông thường, tháng nào tôi ăn một bữa thịt. Nhưng giờ đây giá thịt tăng lên 0,16 USD rồi".

Lý do một phần khiến Ai Cập rơi vào cảnh khó khăn nghiêm trọng là do nước này phụ thuộc chính vào thực phẩm nhập khẩu thay vì phát triển nông nghiệp, trong khi dân số cả nước lên tới 100 triệu người.

Ngay cả ngũ cốc để nuôi gà cũng phải nhập khẩu.

Năm ngoái, đồng Bảng Ai Cập đã tụt một nửa giá trị so với đồng USD. Việc chính phủ Ai Cập phá giá tiền tệ một lần nữa vào tháng 1/2023 đã đẩy chi phí nhập khẩu tăng mạnh.

Chỉ cách đây một năm, Wedad đã sống thoải mái với khoản trợ cấp là 162 USD/tháng. Bây giờ, cô phải vật lộn để mưu sinh như nhiều người khác.

"Người bán hàng báo giá một kg phi lê gà là 5,18 USD. Có những người khác còn bán với giá lên tới 6,5 USD", Wedad nói khi đi chợ với số tiền ít ỏi gom góp được.

"Chân gà, rồi cả xương gà cũng được bày bán. Chân gà có giá là 0,65 USD", cô nói với thái độ xót xa.

Sự tức giận dâng cao khi chính quyền Ai Cập bị cáo buộc phạm sai lầm trong xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: BBC.

Tổng thống Ai Cập Adbdul Fattah al-Sisi thường đổ lỗi tình trạng hỗn loạn xảy ra sau cuộc nổi dậy ở Ai Cập năm 2011 và sự gia tăng dân số nhanh chóng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn kinh tế hiện tại của đất nước. Ông cũng nói rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chiến sự Ukraine cũng là yếu tố tác động lớn.

Chiến sự ở Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2/2022 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Ai Cập.

Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới và Nga, Ukraine là nhà cung cấp chính cho Ai Cập. Chiến sự đã làm gián đoạn xuất khẩu, khiến cho giá lúa mì cũng như giá bánh mì tăng vọt.

Du lịch, từng tạo ra khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nguồn du khách Nga và Ukraine đến thăm Ai Cập giảm mạnh nên ngành du lịch nước này cũng chịu thua lỗ nặng nề.

Những bước đi vào ngõ cụt

Các nhà phân tích cho rằng những bước đi sai lầm của chính phủ đã khiến tình hình tồi tệ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Theo ông Timothy Kaldas, nhà kinh tế chính trị tại Viện Chính sách Trung Đông Tahrir, quyền lực và ảnh hưởng của tổng thống, quân đội, các cơ quan an ninh và tình báo đã tăng lên trong thời gian Tổng thống Sisi nắm quyền.

Vấn đề này xảy ra thông qua việc mở rộng các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền, ví dụ như quân đội, được giao các hợp đồng nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Kết quả là sự tham gia của khu vực tư nhân đã bị thu hẹp đáng kể, các công ty không liên kết với chế độ thì không thể cạnh tranh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rời bỏ Ai Cập.

Bữa ăn của người dân Ai Cập ngày càng đạm bạc. Ảnh: BBC.

Ai Cập đã phải khẩn cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp gói cứu trợ 4 lần trong 6 năm qua. Gần một nửa doanh thu của nước này dùng để trả các khoản nợ đó, chiếm tới 90% GDP.

Các quốc gia vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Saudi Arabia đã mua tài sản nhà nước và hỗ trợ Ai Cập, nhưng cũng đưa ra các điều kiện chặt chẽ với các khoản đầu tư tiếp theo.

Khó khăn kinh tế trong quá khứ đã dẫn đến bạo loạn và góp phần vào sự thất bại của hai cựu Tổng thống Hosni Mubarak và Mohammed Morsi. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tức giận của công chúng ngày càng tăng đối với nền kinh tế và sẽ lại gây ra tình trạng bất ổn.

Trong một video lan truyền trên mạng xã hội, một bà nội trợ Ai Cập nói với Tổng thống Sísi rằng: "Ông đã biến cuộc sống của chúng tôi thành địa ngục".

Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn hàng đầu từ Ukraine và Nga trước khi chiến sự xảy ra làm gián đoạn nguồn cung. Ảnh: BBC.

Đi chợ về, Wedad tỉa đậu xanh và thái cà chua để chuẩn bị cho món fasouliya khadra, một món ăn truyền thống của Ai Cập.

Cô đang lo lắng cho tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Trong khi hành lễ, mọi người sẽ phải nhịn ăn từ sáng đến tối nhưng cũng có khoảng thời gian để nạp năng lượng từ những giờ ăn bữa ăn thịnh soạn.

"Tôi sẽ phải làm gì? Có lẽ tôi cũng không thể mua được thịt gà".

"Tôi hầu như không đủ tiền mua súp đậu lăng".

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-chiec-chan-ga-cung-cuc-post1413688.html