Những 'chiến binh' mở đường cho công cuộc gây dựng một thế giới không khói thuốc

Mới đây, Việt Nam đã công bố danh sách 30 địa điểm du lịch thuộc quận Hoàn Kiếm sẽ thực hiện mô hình 'Điểm du lịch không khói thuốc'. Theo đó, tại những địa điểm du lịch này, người dân, khách du lịch có hành vi hút thuốc, vứt mẩu, tàn thuốc bừa bãi sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định. Ngoài Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới cũng áp dụng mô hình trên nhằm mục đích tạo dựng một môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Đây cũng là mong muốn của những 'chiến binh' mở đường. Bởi khi thực hiện công cuộc gây dựng một quốc gia không khói thuốc, họ cũng hy vọng với những động thái của mình có thể thiết lập một kiểu mẫu mới cho phần còn lại của thế giới.

Bhutan: Quốc gia hạnh phúc nói không với khói thuốc

Bhutan là đất nước nằm trên con đường tơ lụa của Trung Quốc và tiểu lục địa Ấn Độ. Mặc dù là nước kém phát triển nhưng Bhutan lại là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới với việc: Không có bạo lực, không trộm cướp, không túi nylon và... không khói thuốc lá.

Chính phủ Bhutan hướng đất nước phát triển hòa hợp với thiên nhiên

Chính phủ Bhutan hướng đất nước phát triển hòa hợp với thiên nhiên

Ngày 17-12-2004, chính phủ Bhutan đã ban hành lệnh cấm về việc buôn bán, hút thuốc lá. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền 232 USD (5,3 triệu VNĐ). Quốc gia này trở thành nơi đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm này.

Về lý thuyết, người dân Bhutan vẫn được phép hút thuốc trong nhà riêng nhưng phải chịu mức thuế hải quan và thuế VAT lên tới 200%. Người nước ngoài có thể hút và nhập khẩu thuốc lá (nhưng nếu có hành vi mua bán, họ sẽ bị buộc tội buôn lậu).

Biển báo cấm hút thuốc của Bhutan

Như vậy, một cách nhẹ nhàng và cương quyết, Bhutan đánh dấu khả năng kiểm soát những tiêu cực mà thuốc lá gây ra.

Theo quan niệm của quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuk, một người dân không hút thuốc, họ sẽ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Mà thước đo của đất nước ông không phải theo GDP mà phải theo chỉ số GNH (Chỉ số hạnh phúc quốc dân).

Bhutan cũng là quốc gia lập được nhiều thành tích quốc tế về chống thuốc lá. Điển hình, quận Lhuntse của nước này đã giành giải thưởng của Tổ chức Y tế thế giới nhân Ngày quốc tế không có thuốc lá năm 1998 do là "một trong những nơi tiên phong trong chiến dịch chống thuốc lá" trên thế giới.

Đảo Astypalea: Đi đầu trong chiến dịch "Không khói thuốc"

Đảo Astypalea là địa phận thuộc vào Hy Lạp - quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất châu Âu đã đi đầu trong chiến dịch "Không khói thuốc".

Trong vòng 10 năm đổ lại đây, đảo Astypalea đang đứng trước vấn đề nan giải là môi trường bị tàn phá nặng nề bởi những mẩu thuốc lá đã qua sử dụng.

Chỉ mất khoảng 2 tiếng là thu thập đủ số đầu lọc thuốc lá đựng vừa 2 chai nhựa tại một bãi biển của Astypalea

Trước thực trạng đó, tháng 4-2019, thị trưởng của hòn đảo đã đề ra dự án "Astypalea không khói thuốc" nhằm biến nơi đây trở thành hòn đảo không khói thuốc đầu tiên trên thế giới.

Dự án nhằm thúc đẩy chất lượng cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho người dân và khách du lịch; Nâng cao nhận thức về ô nhiễm các bãi biển do tàn thuốc lá gây ra; Quảng bá hình ảnh cuộc sống và cảnh quan tại đây đã thay đổi như nào khi không ai còn xả đầu lọc thuốc lá.

Theo thị trưởng, dự án được thực hiện trên tinh thần tình nguyện của mọi người, những người hút thuốc lá vẫn được chào đón tại đây. Nhưng ông cũng mong sự đổi thay của hòn đảo sẽ trở thành động lực cho những người có thói quen hút thuốc thay đổi, giúp họ hướng vào cuộc sống lành mạnh hơn.

Ngoài ra, một điểm thú vị thu hút sự quan tâm của mọi người tới sự kiện là nhà tài trợ của dự án là Papastratos – một trong những công ty thuốc lá lớn nhất Hy Lạp.

Astypalea vốn được mệnh danh là "con bướm của Nam Aegean" bởi vẻ đẹp đầy chất thơ

Đến nay, tình trạng của Astypalea đã được cải thiện một cách đáng kể, viên ngọc của đại dương đang dần hồi sinh. Trong tương lai, khi chiến dịch "không khói thuốc" đạt được thành công, Astypalea sẽ nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến thu hút du lịch hàng đầu thế giới.

Bùng nổ làn sóng hưởng ứng chiến dịch “không khói thuốc”

Ngay sau động thái của những "chiến binh" mở đường, nhiều quốc gia đã đồng loạt hưởng ứng chiến dịch để giảm thiểu tác hại của thuốc lá gây ra với con người và môi trường xung quanh.

Ngày 1-1-2016, Hawaii là bang đầu tiên của Mỹ nâng độ tuổi hút thuốc lá từ 18 lên 21.

Singapore ra lệnh cấm hút thuốc tại những nơi công cộng từ năm 1970. Nếu bị phát hiện vi phạm hút thuốc lá tại khu vực cấm sẽ bị phạt từ 200 đô Singapore cho tới 1.000 đô Singapore và bị kết án tại tòa.

Rất nhiều quốc gia vì mối nguy hại từ thuốc lá đã ban hành lệnh cấm hút, buôn bán thuốc lá ở nơi công cộng

Nhật Bản để hạn chế tình trạng hút thuốc đã tăng thuế đối với mặt hàng này. Một gói thuốc sẽ được mua với giá 460 yên (tương đương 90.000 VNĐ).

Ngoài ra, nhiều quốc gia sử dụng lệnh cấm hút thuốc và tăng thuế như: Úc, Ấn Độ, Ireland, Tây Ban Nha,...

Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách trên. Trước đó, Việt Nam đã triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá tại 100% nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện,... Tùy theo mức độ vi phạm mà số tiền phạt sẽ dao động từ 100.000 VNĐ đến 5 triệu VNĐ.

Giải pháp thông minh cho phát triển du lịch

Ngoài việc ủng hộ chiến dịch "không khói thuốc" để giảm thiểu những nguy hại từ thuốc lá, nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình "thành phố không khói thuốc" như một giải pháp thông minh để thu hút khách du lịch đặt chân tới đất nước mình.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người càng được nâng cao. Trong đó, nhu cầu tối thiểu chính là được hưởng một môi trường lành mạnh có lợi cho sức khỏe, tinh thần của bản thân.

Hiểu được điều đó, mô hình "thành phố không khói thuốc" được áp dụng nhằm tạo ra một không gian trong lành, giúp con người hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, hen suyễn do phơi nhiễm với khói thuốc lá.

Mô hình còn hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, mô hình còn giúp những người nghiện thuốc lá có thêm động lực để cai nghiện hoặc giảm thiểu việc sử dụng khi tiếp xúc với một môi trường không khói thuốc.

Đại diện Vinacosh từng dẫn chứng kinh nghiệm tại các nước sau khi triển khai du lịch không khói thuốc. Như tại New York sau một năm thực thi, số lượng khách du lịch từ gần 40 triệu đã tăng lên hơn 54 triệu người; còn tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 15 triệu đã tăng lên 35 triệu khách du lịch. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các nước trên thế giới không ảnh hưởng đến lượng khách tham quan và doanh thu của các nhà hàng, khách sạn.

Quan trọng hơn, điều lợi nhất đối với một quốc gia khi áp dụng chiến dịch này là có được một hình ảnh xinh đẹp điển hình của một đất nước đáng sống trong mắt bạn bè quốc tế.

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-chien-binh-mo-duong-cho-cong-cuoc-gay-dung-mot-the-gioi-khong-khoi-thuoc/827504.antd