Những chiến công thầm lặng vì sự bình yên cho mỗi buôn làng

Trong đấu tranh với tổ chức phản động Fulro và các thế lực lợi dụng hoạt động tà đạo để chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, lực lượng An ninh Công an các tỉnh Tây Nguyên đã phải chịu rất nhiều gian khổ, hy sinh.

Cái lớn nhất họ có được không phải là chiến thắng quân sự, mà là đưa được hàng ngàn người lầm lỡ trở về với chính nghĩa, với buôn làng, người thân của mình để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân…

Những luận điệu xuyên tạc...

Đời sống của hàng ngàn bà con dân tộc Xê Đăng ở xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk và xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vốn rất đỗi bình yên và từng bước phát triển, đổi mới nếu như không bị bọn tà đạo rủ rê, lôi kéo. Cuộc sống vốn dĩ bình yên ấy đã bị xáo trộn khi vào giữa năm 2006, 2 đối tượng A H’Yum và Y Gyin từ xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum lén lút đến các buôn làng để rỉ tai, tung tin với bà con rằng chính Y Gyin “Nhìn thấy Đức Mẹ hiện hình” và chọn bà ta làm “Sứ điệp” để phán truyền lời của Đức Mẹ.

Lực lượng An ninh Công an Đắk Lắk tổ chức thăm hỏi, tuyên truyền vận động đồng bào trước lời dụ dỗ của kẻ xấu.

Với những lời lẽ mụ mị, Y Gyin đã tìm cách xúi giục bà con bỏ đi lễ nhà thờ, tụ tập ở nhà hoặc ngoài rẫy để đọc kinh chờ ngày tận thế sẽ được lên thiên đường. Thị còn xúi giục mọi người không cho trẻ em đến trường học, không nhận sự hỗ trợ về cây, con giống của Nhà nước để phát triển sản xuất, không tham gia các hoạt động xã hội, không thực hiện trách nhiệm công dân của mình… Và một số người dân còn bị lừa: “Những ai đi theo thị thì không làm cũng có ăn, đau ốm bệnh tật không cần chữa cũng khỏi, ai nợ nần chỉ cần cầu nguyện thì các món nợ sẽ được xóa bỏ...”.

Trước những lời lẽ “ngon ngọt” của đám tà đạo, đã có nhiều bà con nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, mê muội nghe theo lời của Y Gyin. Và cũng từ ngày đó, sự bình yên của các buôn làng người Xê Đăng bắt đầu bị xáo trộn. Nhiều gia đình đang êm ấm, vợ chồng, con cái thuận hòa bỗng nhiên mâu thuẫn, lục đục. Trong buôn làng, mối đoàn kết tương trợ, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau lâu nay bỗng nhiên bị rạn nứt…

Điển hình như ông A Đuih (trú tại buôn Kon H’Ring, huyện Krông Pắk) lâu nay là một hộ khá giả. Không chỉ có nhiều cà phê, cao su, ruộng rẫy mà A Đuih còn là Đội trưởng Đội sản xuất, được Trung tâm Cao su Ea H’Đing giao quản lý 32ha cao su. Mỗi tháng, thu nhập của nhà A Đuih lên đến hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, chỉ vì nghe lời Y Gyin mà bỗng nhiên, cuối tháng 11/2011, A Đuih bỏ buôn làng nhà cửa, cha mẹ, vợ con đi đâu không rõ. Thậm chí, khi gia đình tổ chức cưới vợ cho đứa con trai, A Đuih cũng không có mặt để chúc phúc cho con.

Cách nhà A Đuih không xa là nhà của hai cha con Đinh và Lợi. Từ ngày mê muội đi theo tà đạo Hà Mòn của Y Gyin, họ không giao tiếp với người khác, khi có cán bộ và bà con trong buôn đến hỏi thăm thì họ chặt cây gai độc đem rào kín cổng ngõ, không cho người khác đạo đến thăm chơi. Đến cuối năm 2011, cả hai cha con Đinh, Lợi đã bỏ nhà đi biệt tích không ai biết ở đâu. Cùng với A Đuih, Bră, Đinh, Lợi còn có nhiều người khác như A Geng, H’Sit, A Đêk ở buôn Kon H’ring và Ly, Luyên, Luy, IL… ở các buôn Kon Wang, Kon Tay cũng đột ngột bỏ gia đình, dòng tộc, buôn làng đi đâu không rõ, mặc cho vợ con nheo nhóc, cực khổ, ruộng rẫy không người chăm sóc…

Sự hy sinh thầm lặng

Những ngày đầu tháng 4/2023, có dịp theo chân các cán bộ, chiến sĩ An ninh Công an tỉnh Đắk Lắk trở lại buôn Kon Wang, Kon Tay và Kon H’Ring, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự bình yên đã trở lại nơi đây. Trẻ em hồn nhiên nô đùa, người lớn bận rộn với vụ thu hoạch cà phê, sắn. Nhìn cảnh này, ít ai nghĩ, những buôn làng này đã từng bị “cơn gió độc” tà đạo thổi qua, từng có nhiều đàn ông bỏ vợ con theo tà đạo, sản xuất bị đình trệ…

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Trương Hồng Quý, Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, giai đoạn năm 2012-2013, việc đấu tranh với tà đạo Hà Mòn vô cùng vất vả, hàng trăm hộ dân ở xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk và xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar sống ly khai, từ bỏ buôn làng, trốn vào rừng, bất hợp tác với chính quyền địa phương. “Trước tình hình tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có dấu hiệu bọn Fulro lưu vong có thể biến đó thành công cụ tập hợp lực lượng nên rất cần đấu tranh xóa bỏ, không để sự việc lan rộng. Nhằm đấu tranh xóa bỏ tà đạo này, các cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng An ninh Công an tỉnh và huyện Krông Pắk nhận nhiệm vụ đến 3 buôn Kon Wang, Kon Tay và Kon H’Ring để cùng ăn, cùng ở, cùng làm rẫy, làm ruộng với bà con”, Thượng tá Quý cho hay.

Cũng theo Thượng tá Quý, tà đạo “Hà Mòn” mang màu sắc chính trị rất rõ. Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì nguy cơ mất an ninh, trật tự rất lớn, tiềm ẩn việc bà con nhân dân sẽ bị lôi kéo, đòi ly khai, tự trị và tham gia các hoạt động mang tính mê tín dị đoan, hoang đường... “Có thời điểm khi anh em cán bộ, chiến sĩ đến nhà để gặp gỡ tuyên truyền, vận động thì họ chặt cây gai độc đem rào kín cổng ngõ, không cho người lạ đến thăm chơi. Thậm chí nhiều gia đình thấy cán bộ, chiến sĩ hoặc chính quyền địa phương đến là kéo nhau bỏ lên núi, vào rừng ở hàng chục ngày không về. Bước đầu, công tác vận động cũng khó triển khai bởi sự nghi ngờ, nhiều người sợ bị Công an bắt, đánh đập như lời kẻ xấu nói…”, Thượng tá Quý nhớ lại.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng tình cảm chân thành, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và huyện đã được điều động xuống sống cùng bà con ngay tại “điểm nóng”. “Nhiều đồng chí phải gác việc riêng gia đình sang một bên, thậm chí nhiều tháng trời không được gặp vợ con, người thân để nắm địa bàn, chủ động tham mưu chính quyền địa phương, kịp thời phát hiện hoạt động nhen nhóm, phục hồi tổ chức, kích động biểu tình, trốn ra rừng của các đối tượng tà đạo “Hà Mòn”. Bên cạnh đó, kiên quyết tổ chức đấu tranh, không để phát sinh điểm nóng, gây mất ổn định an ninh chính trị”, Thượng tá Quý nói thêm.

Ngoài việc “bốn cùng” với bà con, lực lượng Công an cũng thường xuyên phối hợp cùng chính quyền các cấp tổ chức những đợt phát động quần chúng, phân tích cái đúng, cái sai và đưa các đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân để bà con thấy rõ bản chất lừa mị của Y Gyin và đồng bọn. Kết quả, đã có nhiều người dân hiểu ra bộ mặt lừa đảo của Y Gyin và tà đạo Hà Mòn nên đã từ bỏ, trở lại làm ăn như trước kia. Tuy vậy, sau một thời gian lắng xuống, như con sóng ngầm, nọc độc Hà Mòn vẫn tiếp tục gây hại cho bà con. Nguy hiểm hơn nữa là tà đạo này đã bị bọn phản động Fulro lưu vong ở nước ngoài móc nối tham gia hoạt động, xuyên tạc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, lôi kéo, kích động bà con đi gây rối an ninh trật tự, chống phá chính quyền.

“Để ngăn chặn, không cho tà đạo Hà Mòn tái diễn, lây lan, trong thời gian qua, chính quyền, lực lượng Công an các cấp, các ban, ngành, đoàn thể vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động quần chúng, thường xuyên đến thăm hỏi, kiên trì tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, động viên những gia đình có người theo tà đạo Hà Mòn và tổ chức đi tìm, kêu gọi. Nhờ sự kiên trì đấu tranh không mệt mỏi trong hàng chục năm trời, đến nay hầu hết bà con đã quay trở về với buôn làng, với người thân. Và chính họ (những người lầm lỗi) đã nhận ra rằng, trong những tháng ngày trốn ra rừng sống chui lủi, một số thì sang tỉnh Kon Tum ăn nhờ ở đậu để chờ được thấy “Đức Mẹ hiện hình” và “được hưởng sung sướng” như lời của Y Gyin và A H’Yum nói chỉ là ảo mộng, lừa dối nhưng khi muốn về nhà thì bị chúng đe dọa, khống chế không cho về”, Thượng tá Quý nhớ lại.

Lại một lần nữa, để đưa được các đối tượng theo tà đạo Hà Mòn về lại với cộng đồng buôn làng là cả một quá trình nằm gai, nếm mật của lực lượng trinh sát An ninh địa bàn. “Các đối tượng sống trong rừng khó khăn như thế nào, thì giai đoạn các anh em trinh sát đi thăm dò cơ sở của họ cũng vất vả như thế. Lội suối, băng rừng nhiều ngày đêm, nhiều mối nguy ập đến bất ngờ, nhưng với tinh thần quả cảm, nhiệt huyết với nghề, cộng với trách nhiệm giữ bình yên cho Tổ quốc, cho các buôn làng, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Bắt, khởi tố các đối tượng lầm đường lạc lối không phải là mục đích chính của lực lượng Công an. Vấn đề quan trọng là cảm hóa các đối tượng lầm đường lạc lối, giúp họ trở về hòa nhập với cộng đồng, hỗ trợ họ nhận thức tốt, có cuộc sống lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của họ”, Thượng tá Quý chia sẻ.

Có thể thấy rằng, để đồng bào ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào sự cống hiến hết mình của những cán bộ, chiến sĩ An ninh. Họ đã âm thầm, lặng lẽ, “ba bám, bốn cùng” với mỗi nếp nhà, đem cái lý cái tình đến với mỗi người, giúp bà con thấu hiểu điều hay, lẽ phải, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, bịp bợm của bọn phản động cũng như tà đạo, chuyên tâm vào lao động, dựng xây nên những bản làng vững vàng, hưng thịnh.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-chien-cong-tham-lang-vi-su-binh-yen-cho-moi-buon-lang-i691560/