Những chiến sĩ giữ bình an cho Tết

Mỗi dịp Tết đến xuân về, khi người người đổ về quê ăn Tết thì các chiến sĩ Cảnh sát cơ động (CSCĐ) vẫn lặng lẽ với nhiệm vụ của mình. Giữa không khí thiêng liêng ấy, những người lính sẵn sàng gác lại tình riêng của mình để bảo vệ Tết cho mọi người được trọn vẹn hơn.

Đón Tết tại đơn vị

Đối với người Việt, những ngày nghỉ Tết là quãng thời gian quý báu để họ tạm gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống, để đêm giao thừa thắp nén hương trầm tưởng nhớ tổ tiên, để được quây quần cùng gia đình, họ hàng bên mâm cơm chiều 30, để được hít thở cho căng tràn ngực phổi cái sức sống mãnh liệt của mùa xuân mới…

Với những người dân bình thường, hạnh phúc đơn giản là vậy, thế nhưng, với những chiến sĩ CSCĐ, họ gọi vui ngày Tết là những ngày đi “canh gác mùa xuân”. Khi Tết đến, họ không trở về cùng gia đình, không đón khoảnh khắc giao thừa với người thân mà vẫn phải đi làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn trật tự để đổi lấy cái Tết bình yên cho nhân dân.

Vào một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, thuộc Trung đoàn CSCĐ – Công an TP Hà Nội. Lúc này, trời đã về khuya, giữa cái lạnh thấu da thịt của đêm đông, các chiến sĩ đang ráo riết khẩn trương chuẩn bị cho ca trực, tuần tra tiếp theo trên địa bàn Thành phố. Đại úy Đinh Văn Sang, Đại Đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, chia sẻ: “Theo quy luật, cận Tết là thời điểm các loại tội phạm hoạt động mạnh vì vậy Tiểu đoàn luôn phải nâng cao cảnh giác, túc trực liên tục để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, công việc của người chiến sĩ CSCĐ vô cùng vất vả.

Thời điểm cận Tết, trong cái rét của đêm đông những người lính đặc nhiệm vẫn rong ruổi trên từng tuyến đường, góp phần giữ bình yên cho Thành phố.

Thời điểm cận Tết, trong cái rét của đêm đông những người lính đặc nhiệm vẫn rong ruổi trên từng tuyến đường, góp phần giữ bình yên cho Thành phố.

Chúng tôi là lực lượng chiến đấu trực tiếp, mọi công việc hiểm nguy như xảy ra vụ bắt cóc con tin hay khủng bố tại địa bàn… đều được huy động đầu tiên. Tết nhất tình hình phức tạp, công việc cũng trở bận rộn hơn. Đã nhiều năm công tác trong ngành, chưa năm nào tôi được đón Tết trọn vẹn cùng với gia đình. Đôi lúc cũng cảm thấy có lỗi với vợ con nhưng công việc của mình là vậy, không thể vì hạnh phúc riêng mà lơ là công việc”.

Cũng giống như Đại úy Sang, Trung úy Đàm Tiến Sơn, chia sẻ: “Tuy nhà tôi ở ngay Hà Nội nhưng cũng chẳng mấy khi được ăn Tết với vợ con. Nhiều lúc thấy vợ vất vả quá, ngày thường đã phải thay chồng gánh vác chuyện gia đình, Tết đến cũng phải một mình tất bật sắm sửa, chuẩn bị và đón giao thừa cùng chồng… qua màn hình điện thoại. Năm vừa rồi vợ tôi mới sinh em bé, thương lắm nhưng cũng chỉ biết động viên an ủi vợ ở nhà cố gắng vượt khó. Có thời gian, xa nhà lâu quá, cậu con trai nhỏ không nhớ mặt bố, thấy bố về mà quay mặt như không, bế thì khóc ngằn ngặt vì lạ. Những lúc ấy, tôi cảm thấy có phần chạnh lòng”.

Là chiến sĩ nữ hiếm hoi trong Tiểu đoàn nhưng Thiếu úy Ma Thị Nga vẫn phải ở lại trực Tết bình thường như đồng đội. Khi được hỏi về cảm giác đón xuân xa nhà chị Nga kể, quê chị ở Tuyên Quang, được phân công về Tiểu đoàn công tác từ năm 2016. Do đặc thù của công việc, các chiến sĩ gần như phải trực 24/24, hiếm khi có dịp trở về nhà, kể cả Tết. “Bọn mình ở đây, cũng làm việc như các anh em, cùng tập luyện, đi tuần, bảo vệ, ứng trực… đủ cả.

Tổ tuần tra tiến hành xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông.

Mỗi tháng chỉ được nghỉ vài ngày, lúc ấy mới có thời gian ra ngoài, gặp gỡ bạn bè. Nhiều khi đến ngày nghỉ, nhưng có sự kiện gì bọn mình vẫn phải đi và đẩy ngày nghỉ sang những tháng sau. Vì vậy thời gian về thăm gia đình mỗi năm dường như rất ít. Tết cũng vậy, nam nữ đều phải trực như nhau. Năm ngoái là lần đầu tiên mình ở lại trực Tết, cảm giác nhớ nhà trào nước mắt. Đêm 30, người người đổ ra đường đón giao thừa, mình cũng ra đường nhưng là để canh gác, giữ an toàn cho người dân…” - chị Nga chia sẻ.

Ấm tình đồng đội

Bỏ qua những nỗi niềm riêng, các chiến sĩ đều tỏ ra rất hào hứng khi kể về đồng đội của mình. Thiếu úy Lương Thị Thu (quê ở Lạng Sơn), một bóng hồng của tiểu đoàn C2, chia sẻ, chị cùng các chiến sĩ nữ ở đây đều là người từ các tỉnh xa về đơn vị công tác mới được 2 năm nay. Do chỉ có 6 nữ nên được các anh em trong đơn vị quan tâm giúp đỡ rất nhiều. “Đại Đội trưởng của chúng tôi lúc làm việc rất nghiêm khắc, làm không đạt yêu cầu sẽ bị nhắc nhở, chấn chỉnh ngay.

Nhưng trong cuộc sống anh lại rất tình cảm, bảo con gái làm nghề này chịu nhiều vất vả, thiệt thòi nên sắp xếp mấy chị em ở một phòng rộng rãi, nhường hết từ nhà tắm, nhà vệ sinh, cốt sao các chị em có thể sinh hoạt một cách thoải mái nhất. Các anh em trong đơn vị cũng đối xử với tôi rất tốt, ngoài công việc chung là nhiệm vụ của mỗi người phải tự hoàn thành thì ở đây, các anh không bao giờ để chị em phải làm việc nặng, có khi tổ chức ăn uống các anh cũng dành phần bếp núc, nấu nướng, chị em chỉ cần đến góp vui thôi. Đặc biệt là dịp Tết, biết các chị em xa nhà sẽ cảm thấy tủi thân nên chỉ huy và các anh tổ chức đón Tết tại đơn vị cho, vui lắm”.

Với đặc thù là lực lượng chiến đấu trực tiếp cùng ăn, cùng ở với nhau trong một đơn vị nên các chiến sĩ trong Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm coi đơn vị như ngôi nhà thứ hai của họ. Trung úy Đàm Tiến Sơn kể, các anh em trong Tiểu đoàn đều xem nhau như người trong gia đình, giúp đỡ, nhường nhịn lẫn nhau.

Bình thường nếu ai có việc quan trọng, các chiến sĩ sẽ linh động đổi ca trực cho nhau còn vào dịp Tết, sẽ ưu tiên cho các chiến sĩ ở xa hay những chiến sĩ vừa lập gia đình, có con nhỏ được nghỉ hoàn thiện để họ có thời gian thu xếp chuyện gia đình, nội ngoại hai bên. Tết xa nhà ai cũng thấy buồn thật, nhưng được sự quan tâm của chỉ huy và đồng đội, nỗi buồn ấy cũng vơi đi phần nào.

Đại úy Đinh Văn Sang cũng chia sẻ: “Là lực lượng chiến đấu trực tiếp, phải đảm bảo ứng trực 50% quân số bất kể thời điểm nào trong năm nên các anh em ở lại đơn vị trực Tết rất đông. Hiểu được tâm lý, nhớ nhà, nhớ quê, hàng năm, đơn vị luôn cố gắng tổ chức cho anh em một cái Tết thật đầy đủ. Tết ở đơn vị cũng có đào, có quất, bánh chưng, mâm ngũ quả… Ngoài ra Đoàn Thanh niên của đơn vị còn tổ chức chương trình “Vui xuân đón Tết” với các trò chơi dân gian như đập niêu, giã bột, thi nấu ăn… Để các anh em vui chơi đón Tết”.

Tuy công việc vất vả, gian lao, chưa năm nào được đón xuân trọn vẹn nhưng các chiến sĩ trong Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm luôn cảm thấy tự hào với công việc của mình. “Đến với nghề này là đam mê và cả một quá trình dài nỗ lực rèn luyện và phấn dấu, dù vất vả đến đâu, chúng mình cũng chấp nhận. Hi sinh cái Tết của mình để đổi lấy cái Tết bình an cho người dân chính là niềm vui, niềm tự hào của mỗi người chiến sĩ CSCĐ”, Thiếu úy Lương Thị Thu chia sẻ.

Thắm Lê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-chien-si-giu-binh-an-cho-tet-86645.html