Những chiến sĩ truyền tin

Vanhien.vn trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Đăng Lâm - Nguyên điện báo viên Đài minh ngữ TTXGP khu V, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Ngãi đăng trong cuốn sách 'Chuyện chúng tôi - Lính xung kích Thông tấn' do Ban biên tập tin Trong nước TTXVN xuất bản nhân kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2018), hiện là phóng viên Tạp chí điện tử Văn Hiến tại Quảng Ngãi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam Thông tấn xã- nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã cử hàng trăm phóng viên và điện báo viên vào các chiến trường ở miền Nam.

Điện báo viên Nguyễn Đăng Lâm phát tin từ TTXGP Khu V về Tổng xã Hà Nội

Riêng ở chiến trường Khu V, ngay từ khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi (28/8/1959) lúc bấy giờ chưa thành lập TTX giải phóng Khu V nhưng lúc bấy giờ cũng đã có phóng viên của TTXVN ( anh Võ Thế Ái) được cử về Quảng Ngãi viết tin, bài gửi ra Tổng xã tại Hà Nội. Và từ cuối năm 1960, TTX giải phóng Khu V chính thức được thành lập trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy V quản lý. Những năm đầu lực lượng lãnh đạo, phóng viên còn rất ít. Cũng trong thời gian này Đài minh ngữ Khu V- Đài của TTXGP Khu V cơ quan Thông tấn của Khu ủy và của Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung bộ cũng được thành lập với hô hiệu GPX (giải phóng xã). Đài minh ngữ chuyển phát tin, bài của phóng viên viết từ các chiến trường trong khu vực gửi ra TTXVN tại Hà Nội (VNA) và phát vào TTXGP miền Nam (LPA) để đăng trên các báo Trung ương, phát trên đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanhh giải phóng, phát đối ngoại…

Đối với chiến trường Khu V, theo sự quản lý, chỉ đạo của Khu ủy Khu V thời bấy giờ gồm các tỉnh từ Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc. Đối với tôi là lớp thanh niên trẻ (16 tuổi) thoát ly từ vùng giải phóng huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1971, những năm còn rất ác liệt trong cuộc kháng chiến. Ban đầu mới lên công tác tôi tham gia làm liên lạc ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi, các chú, các anh lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh thấy “có trình độ học vấn và gia đình cách mạng”- lúc đó tôi mới học đến lớp đệ lục - tương đương với lớp 7 hiện nay, cha mẹ đều đảng viên, 2 anh liệt sĩ, tính tình hiền lành, chất phát, viết chữ đẹp, gia đình có truyền thống cách mạng nên đầu năm 1972 tôi được chọn cùng Cao Viết Hạnh lúc đó đang công tác văn phòng Tỉnh ủy đi học lớp điện báo viên tại Đài minh ngữ Khu V.

Tổ thu phát tin Đài minh ngữ TTXGP Khu V

Giữa năm 1973, học xong Cao Viết Hạnh được trở về Đài Minh ngữ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi, do học khá nên tôi được giữ lại công tác tại Đài minh ngữ Khu V chuyên thu, phát tin, bài của các phóng viên từ các chiến trường tại các tỉnh thông qua Đài minh ngữ các tỉnh gửi lên Đài Minh ngữ Khu V để lãnh đạo TTXGP Khu V biên tập, kiểm duyệt, sau đó lại chuyển lại Đài Minh ngữ Khu V phát tiếp ra TTXVN Hà Nội sử dụng. Xin nói thêm, thời bấy giờ tại các chiến trường anh em điện báo viên chúng tôi đều sử dụng máy phát vô tuyến điện 15 oát (phát tín hiệu Moc-xơ), một máy phát thường là 2 điện báo viên và một người chuyên quay máy ragono để phát điện cung cấp cho máy phát vo tuyến điện. Một bản tin khoảng 300- 400 chữ phải phát hết thời gian khoảng 25-30 phút, tùy thời tiết tốt xấu. Mỗi tổ có từ 1-2 máy phát, máy thu, ăngten, máy ragono, súng đạn, đồ dùng cá nhân đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu với địch bất cứ lúc nào. Từ năm 1973 trở đi, khi tuyến giao thông Đông trường sơn được thông suốt, nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy phát 50W, máy thu PR250, máy thu teletip, máy nổ… được chuyển từ TTXVN Hà Nội vào viện trợ cho TTXGP khu V sử dụng thu phát tin với Tổng xã và các tỉnh trong khu vực.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, anh chị em phóng viên, điện báo viên ở TTXVN cử từ Hà Nội vào cũng như anh em từ các tỉnh đồng bằng thoát lý lên còn rất trẻ, rất nhiệt huyết, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các anh chị hăng hái xông pha trên khắp các chiến trường, không sợ hy sinh, không ngại gian khó. Tuy mới vào chiến trường chưa quen, nhưng khi được phân công đi về các tỉnh là các anh chị rất phấn khởi, mặc dù đi từ TTXGP Khu V về đến các tỉnh xa như Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc phải đi bộ ít nhất từ 25- 30 ngày mới đến các cơ quan Ban tuyên huấn Tỉnh ủy. Khi về đến các địa phương các anh chị luôn lăn lộn với các đơn vị bộ đội chủ lực và các đơn vị bộ đội địa phương, cán bộ, du kích xã đến với từng trận địa để cùng chiến đấu, ghi lại bằng tin, bằng bài ghi nhanh, chụp những kiểu ảnh về những chiến công vang dội của các đơn vị, ghi lại những tấm gương tiêu biểu trong cuộc chiến đấu, những tấm lòng của các mẹ, các chị ở các địa phương của chiến trường Khu V đã hết lòng nuôi dưỡng, chăm lo đối với các anh bộ đội Cụ Hồ, chăm sóc các anh, chị thương binh như chăm sóc chính những đứa con, đứa em ruột thịt của mình. Những bản tin, những bài ghi nhanh của phóng viên đều được các điện báo viên tại các tỉnh chuyển cấp tốc hàng giờ, hàng ngày về TTXGP Khu V để chuyển phát tiếp ra Hà Nội hàng giờ, hàng ngày. Những tin, bài ghi nhanh mà chúng tôi vừa phát xong buổi sáng nhiều khi chưa đến trưa hoặc chiều cùng ngày đã nghe Đài Phát thanh giải phóng và Đài tiếng nói Việt Nam phát trên đài. Khi được nghe những tin, bài như thế đã động viên chúng tôi (Phóng viên, điện báo viên) và cả những đơn vị bộ đội trực tiếp đánh địch, động viên cán bộ, nhân dân tại các địa phương rất lớn. Bởi mình, đồng chí mình đã góp được một phần nhỏ nhoi vào đó để cho cuộc chiến tranh nhanh chóng kết thúc, để cho miền Nam sớm được hoàn toàn giải phóng, góp phần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” góp phần giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Nhớ lại thời chiến tranh, đối với anh em điện báo viên chúng tôi tuy không cực khổ, vào sinh ra tử như các anh chị phóng viên, vì là đơn vị vô tuyến điện nên địch dễ phát hiện tín hiệu ta phát tin nên dễ bị địch ném bom, nhưng chúng tôi luôn sát cánh với các anh chị phóng viên trên khắp chiến trường. Ví dụ như trận ném bom B52 của Mỹ đếm 21/5/1972 đã ném bom vùi lấp anh Hoàng Quốc Thăng- điện báo viên của Đài Minh Ngữ Khu V được điều động đi chiến dịch tỉnh Quảng Đà cùng 4 đồng đội là cán bộ, phóng viên dưới hang đá. Đến tháng 8/2011 mới được khai quật, bốc cất hài cốt đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam), và còn nhiều đợt địch phát hiện đài phát tín hiệu và ném bom tại nơi đóng quân của anh em. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, nơi nào có phóng viên- nơi đó có điện báo viên để phát những tin bài hàng giờ, hàng ngày về Tổng xã. Cứ sau một trận đánh với quân địch, các anh chị phóng viên nhanh chóng tác nghiệp viết ngay tin hoặc ghi nhanh chuyển gấp qua cho điện báo viên hoặc qua đường giao liên nếu phóng viên và điện báo viên ở xa hàng chục cây số để anh em điện báo viên phát ngay về TTXGP khu V và từ những tin bài đó, sau khi được các anh chị TTXGP khu V biên tập, anh em điện báo viên Đài chúng tôi lại phát tiếp ra Tổng xã VNA, và phát vào LPA. Chính vì thế những tin, bài chiến thắng như trận Ba Gia, Vạn Tường (Quảng Ngãi), Núi Thành (Quảng Nam), Đèo Nhông, An Lão (Bình Định) năm 1965 và những tin bài về cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân 1968, cũng như chiến dịch Xuân- Hè 1972, những chiến thắng vang dội tại các tỉnh trong cuộc tổng tấn công năm 1975… và những trận đánh lập nên những chiến công vang dội khác của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tại các tỉnh đều được phóng viên TTX đưa tin bài rất kịp thời để các báo, đài sử dụng làm nức lòng quân và dân cả nước.

Đặc biệt, trong chiến dịch tổng tấn công xuân 1975, TTXGP và Đài Minh ngữ Khu V đã cử hầu hết những phóng viên và điện báo viên trẻ khỏe về các địa phương các tỉnh để đưa tin chiến thắng tại các tỉnh. Trong đó, mở đầu cho chiến dịch này là Nam Tây nguyên, Đài đã cử 2 điện báo viên giỏi đó là anh Mai Cường và Nguyễn Hồng Thái và TTX cử anh Phước Huề (PV) với đầy đủ phương tiện trang thiết bị phục vụ thu phát tin máy 15 oát. Đến ngày 10/3, quân giải phóng bắt đầu tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột, khoảng 18 giờ chiều, máy của anh Mai Cường và anh Hồng Thái đã điện về tin chiến thắng Ban Mê Thuột do anh Phước Huề viết gửi về; sáng ngày 11/3 anh Huề lại có tin quân ta hoàn toàn làm chủ Chi khu quân sự Ban Mê Thuột, sức chống cự của quân dịch yếu ớt… Từ những tin, bài của TTXVN đưa, các Hãng tin phương Tây như AFP, AP, UPI, Reuter… đồng loạt đưa tin “quân cộng sản đã chiếm Ban Mê Thuột”..., và trong chiến dịch này Đài lại cử tiếp nhiều điện báo viên khác đi với các mũi chiến dịch lớn theo yêu cầu của Khu ủy…

Phải nói rằng trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 tuy tôi không trực tiếp ra trận như nhiều phóng viên, điện báo viên khác, nhưng hầu như tất cả những tin bài chiến thắng tại các tỉnh trong khu V đều được tôi và anh Mai Xuân Thảo (quê tỉnh Thanh Hóa), anh Quảng Ái (Quảng Ngãi) là những điện báo viên chuyên thu, phát tín hiệu moc- xơ giỏi để thu- phát suốt ngày đêm theo yêu cầu của điện báo viên tại các địa phương. Nhiều ngày từ sáng sớm chúng tôi lên máy làm phiên CQ (phiên việc trực tuyến để hẹn giờ làm với các đài ở các tỉnh), sau đó cứ theo giờ hẹn làm đến 21- 22 giờ đêm nhưng không ai kêu than mệt mỏi. Trong những ngày này, không có niềm vui nào bằng niềm vui biết trước tiên những tin chiến thắng tại các địa phương. Nhiều khi anh em chúng tôi suốt ngày đeo cáp nghe, tay cầm bút viết liên tục hết trang giấy này đến trang giấy khác, hoặc suốt ngày ngồi gõ ma- níp phát tin ra Hà Nội. Nhiều anh chị em trong cơ quan tranh thủ ghé sang phòng điện báo để xem chúng tôi thu tin chiến thắng. Khi chúng tôi thu được một vài tin, cơ quan lại cho giao liên chuyển ngay sang lãnh đạo TTXGP Khu V để biên tập và chúng tôi lại phát tiếp ra TTXVN Hà Nội. Và một điều cũng cần nói thêm là các anh chị điện báo viên tại Trung tâm kỹ thuật Thông tấn tại Tổng xã cũng hết mình với điện báo viên tại chiến trường TTXGP Khu V cũng như các khu vực khác. Các anh chị ngoài đó biết rằng trong miền Nam rất ác liệt này thường xuyên bị sốt rét, ốm đau triền miên nên nhiều khi tay yếu phát tín hiệu không chuẩn, cộng với thời tiết xấu làm cho người nhận tín hiệu càng khổ sở thêm, không một lời kêu ca mà động viên anh em chúng tôi cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Thông qua các điện báo viên tại Tổng xã, anh em chúng tôi được biết trong những ngày chiến dịch xuân 1975, tại trụ sở TTXVN tại Hà nội hàng ngày có hàng nghìn người tập trung trước trụ sở TTXVN để xem tin chiến thắng tại các tỉnh miền Nam phát về. Niềm vui của chúng tôi những phóng viên, điện báo viên được nhân lên gấp bội...

Là một người trưởng thành từ điện báo viên, sau ngày giải phóng, bản thân tôi được cử vào công tác tại Phân xã Phú Khánh, phấn đấu vừa làm việc tại cơ quan, tối đến học bổ túc từ lớp 7 đến hết cấp 3, sau này thi đậu đại học, cơ quan cho đi học tại chức ở trường Đại học tổng hợp TP Hồ Chí Minh- chuyên ngành ngữ văn. Sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị về việc chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, từ tháng 7 năm 1989 tôi lại được cơ quan điều động về làm Trưởng Phân xã Quảng Ngãi đến tháng 6 năm 1999. Từ tháng 7/1999- 12/2001 được điều động ra làm Phó Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại Đà Nẵng kiêm Trưởng Phân xã Đà Nẵng và từ đầu năm 2002 lại được điều động về lại Trưởng Phân xã Quảng Ngãi đến khi nghỉ hưu từ tháng 12/2014.

Rất vinh dự và tự hào là người con của quê hương Núi Ấn- Sông Trà, quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bản thân đã có gần 44 năm đóng góp cho Ngành TTXVN, là một trong những người có thâm niên cao nhất của Ngành TTXVN, trong đó có 25 năm làm Trưởng Phân xã. Bằng sự cố gắng của bản thân, thông qua học hỏi các anh chị đi trước, cộng những kinh nghiệm trong tác nghiệp viết tin, bài, chụp ảnh. Do đó, thật vinh dự và tự hào trong công tác chuyên môn của mình, bản thân tôi cũng đã đoạt 2 giải báo chí Quốc gia, trong đó có giải A giải báo chí Quốc gia lần thứ V năm 2010 với loạt bài "Lý Sơn- Bảo tàng sống động về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa" và một giải C về vụ phá rừng ở Sơn Hà; đoạt 2 giải Nhì giải ảnh báo chí "Khoảnh khắc Vàng" do TTXVN tổ chức; được triển lãm nhiều ảnh nghệ thuật toàn quốc, đoạt nhiều giải ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ- Tây nguyên, được kết nạp vào hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và đoạt nhiều giải báo chí, giải ảnh nghệ thuật của tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyễn Đăng Lâm - Nguyên điện báo viên Đài minh ngữ TTXGP khu V, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Ngãi.

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-chien-si-truyen-tin-62909