Những chính sách lao động cơ bản đối với lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ

Hiện nay, pháp luật quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, lao động nữ với các đặc thù riêng của giới tính như mang thai, nghỉ đẻ hay nuôi con nhỏ luôn là một rào cản, trở ngại để người sử dụng lao động vi phạm quyền bình đẳng này cũng như quyền lợi mà pháp luật đã quy định riêng cho lao động nữ.

Ảnh minh họa

Với đối tượng lao động nữ, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong lao động nhất là tại các thời điểm đặc thù như mang thai, nghỉ đẻ, nuôi con nhỏ, pháp luật quy định các chính sách như sau:

Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về chế độ khám thai sản: Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ đang mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

- Được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ…

Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi

Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi

Bảo vệ thai sản

Theo Điều 137 Bộ luật lao động 2019, để bảo vệ thai sản cho lao động nữ, người lao động nữ được ưu tiên:

- Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; và trong thời gian đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

- Được chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi…

Không bị xử lý kỷ luật khi mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ

Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với người lao động đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai

Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật lao động, trường hợp lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau, sẩy thai, khám thai, nạo, hút thai, phá thai bệnh lý, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc triệt sản thì người lao động sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-chinh-sach-lao-dong-co-ban-doi-voi-lao-dong-nu-mang-thai-va-nuoi-con-nho-20230507143829263.htm