Những chính sách tác động trực tiếp đến giáo viên có hiệu lực từ tháng 5

Từ tháng 5/2021, nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động dạy học của giáo viên sẽ có hiệu lực.

Các quy định về dạy học trực tuyến, đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, quy định mới về trình độ chuẩn của giáo viên giáo dục thường xuyên, dạy học trực tuyến sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2021.

Không liên kết đào tạo ngành sức khỏe

Từ ngày 3/5, Quy chế đào tạo trình độ đại học do Bộ GD&ĐT có hiệu lực. Quy chế này chỉ thực hiện với hình thức vừa làm vừa học. Tuy nhiên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không được thực hiện việc liên kết đào tạo.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: Chương trình đào tạo dự kiến liên kết đào tạo đã được tổ chức thực hiện tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy, từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành, bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo…

Đào tạo chứng chỉ sư phạm trở lại

Năm 2014, Bộ GD&ĐT từng ra quyết định về việc tạm dừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đồng thời, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm 2020, cả nước còn thiếu gần 90.000 giáo viên ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 11/2021 cho phép người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên bậc Tiểu học (hiệu lực từ ngày 22/5)

Theo đó, cử nhân các ngành: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ) muốn trở thành giáo viên tiểu học chỉ cần tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Để trở thành giáo viên tiểu học, người học phải tham gia 13 học phần bắt buộc tương đương 31 tín chỉ.

(Ảnh minh họa: C.H)

(Ảnh minh họa: C.H)

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành thông tư số 12 năm 2021 cho phép người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có thể trở thành giáo viên THCS, THPT (có hiệu lực từ ngày 22/5)

Những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS/THPT.

Sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS và THPT. Người học cần có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy học, giáo dục ở trường THCS, THPT.

Chuẩn giáo viên giáo dục thường xuyên

Tại thông tư số 10 năm 2021 của Bộ GD&ĐT đưa ra quy định mới về trình độ chuẩn của giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo Luật Giáo dục 2019, trình độ giáo viên bậc THCS và THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Đối với giáo viên giáo dục thường xuyên ở bậc THCS phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS;

Đối với giáo viên giáo dục thường xuyên bậc THPT phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Quy định về dạy học trực tuyến

Từ ngày 16/5, chính sách về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực (thông tư số 9 năm 2021).

Theo đó, giáo viên dạy học trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến, tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Thông tư này cũng quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại trường. Tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Bộ GD&ĐT cũng quy định, giáo viên tổ chức triển khai dạy học trực tuyến trực tiếp để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho tất cả học sinh tham dự trong cùng không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ, chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến đến học sinh.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-chinh-sach-tac-dong-truc-tiep-den-giao-vien-co-hieu-luc-tu-thang-5-ar609751.html