Những chọn lựa khó khăn

(TBKTSG) - Chuyện tập đoàn Vinashin chưa thu xếp được với các chủ nợ nước ngoài về khoản vay 600 triệu đô la để một trong những chủ nợ đâm đơn kiện ra tòa tại Anh là chuyện đã xảy ra rồi. Vấn đề bây giờ là suy nghĩ phương án giải quyết tốt nhất vì lợi ích của cả nền kinh tế.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đầu tiên, phải khẳng định đây là khoản vay thương mại không có sự bảo lãnh của Chính phủ cho nên, ở phương diện trực tiếp, ngân sách nhà nước không có trách nhiệm đứng ra trả giùm cho Vinashin khoản nợ này. Theo một số nguồn tin, các chủ nợ chỉ có một thư xác nhận từ một cơ quan chính phủ, mang ý nghĩa xác nhận có biết chuyện Vinashin đi vay như thế, chứ không mang ý nghĩa bảo lãnh.

Sau khi có thông tin quỹ Elliott VIN có trụ sở ở Hà Lan, một chủ nợ của Vinashin, kiện Vinashin ra tòa, một số ý kiến cho rằng trong trường hợp này, tốt nhất là cho Vinashin tuyên bố phá sản. Trên thực tế khi Vinashin không có khả năng trả nợ tức đã lâm vào tình trạng phá sản và hai lần tái cơ cấu Vinashin với những thay đổi rất lớn về tổ chức công ty thực chất cũng là một hình thức cho phá sản và tổ chức lại. Nếu Vinashin phá sản, Elliott cũng sẽ như hàng loạt chủ nợ khác, sẽ phải chờ đến lượt mình để nhận lại nợ sau khi thanh lý Vinashin.

Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ Elliott không chỉ kiện một mình Vinashin, họ kiện thêm 21 công ty trực thuộc Vinashin nữa. Nếu nhớ lại, chúng ta đều biết khái niệm tập đoàn về mặt pháp lý không có ý nghĩa gì nhiều, tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Vì thế, trong hợp đồng vay 600 triệu đô la, các chủ nợ đã ký với Vinashin trong tư cách là người vay (tức là công ty mẹ) và 21 công ty con trong tư cách là người bảo lãnh cho Vinashin (để kết nối 22 công ty này lại với nhau, chứ không dùng khái niệm tập đoàn như chúng ta). Hợp đồng nói rõ nếu Vinashin không trả nợ đúng hạn thì 21 công ty bảo lãnh phải gánh toàn bộ nghĩa vụ nợ như thể họ là con nợ vậy.

Vì thế phương án cho Vinashin phá sản không thể áp dụng trong trường hợp này bởi không thể cùng lúc cho 22 công ty lớn phá sản.

Phương án tốt nhất là đàm phán với chủ nợ để có được một thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án. Thuận lợi của phương án này là ở chỗ, khoản vay 600 triệu đô la có nhiều chủ nợ, người đứng ra thu xếp chính là Credit Suisse, họ không đồng ý kiện Vinashin ra tòa, có lẽ vì đang chờ phương án dàn xếp khoản nợ để tránh thiệt hại. Một mình Elliott kiện dĩ nhiên không bằng tất cả chủ nợ đồng lòng đi kiện nên khả năng đàm phán là có thể.

Để việc đàm phán được đơn giản, có thể ngay bây giờ nên thành lập một công ty dạng mua bán nợ, và đứng ra mua lại khoản nợ này từ Vinashin và 21 công ty bảo lãnh. Theo thông tin trong ngành tài chính, đã có lời chào 35% giá trị cho khoản nợ này từ các công ty trong nước (xem bài “ Món nợ Vinashin ”). Bên cạnh đó, giá trị khoản nợ này trên thị trường hiện nay ở vào khoản 40-50%. Các con số này là chỉ dấu để hai bên nhanh chóng đàm phán và đạt một thỏa thuận bên ngoài tòa án. Điều quan trọng là người đứng ra đàm phán chính là công ty đã mua lại khoản nợ của Vinashin chứ không phải là Chính phủ và càng không phải là ngân sách nhà nước. Có như vậy việc tái cơ cấu Vinashin mới có thể tiếp tục tiến hành.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/ykien/65860/