Những chông gai đã tạo nên một thương hiệu Christian Dior hùng mạnh

Từng đứng trước bờ vực phá sản sau khi ông Christian Dior qua đời, thương hiệu này đã vượt qua giai đoạn khó khăn như thế nào để trở thành đế chế hùng mạnh như ngày hôm nay?

Christian Dior S.A chính thức ra mắt vào năm 1947. Christian Dior cũng là tên của nhà thiết kế (NTK) sáng lập nên thương hiệu thời trang Pháp xa xỉ này. Sau 72 năm hình thành và phát triển, Dior hiện sở hữu 5 dòng sản phẩm chính gồm: Dior Woman, Dior Homme, Dior Cosmetics, Dior Fragrance và Dior Kid.

1947

NTK Christian Dior sinh ngày 21/1/1905 tại thị trấn Grandville, Pháp. Nhà mốt Dior đã luôn nuôi dưỡng trong mình đam mê nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ông buộc phải vào trường Khoa học chính trị theo nguyện vọng gia đình. Không lâu sau đó, một biến cố gia đình xảy ra khiến Christian Dior rơi vào trầm cảm, nhưng cũng từ đây mà ông có cơ hội theo đuổi ước mơ làm nghệ thuật.

Ông đã quyết định theo học nghệ thuật thêu dệt tại quần đảo Balearic. Sau khi tích lũy kinh nghiệm từ công việc trợ lý cho Robert Piguet và Lucien Lelong, Christian Dior đã tự mở thương hiệu riêng mang tên mình vào năm 1946 nhờ sự đầu tư vốn của doanh nhân Marcel Boussac. NTK chọn 1947 là năm khai sinh của thương hiệu vì đó là lúc bộ sưu tập (BST) Dior đầu tiên ra đời.

New Look

12/2/1947, NTK Dior ra mắt BST đầu tiên mang tên New Look với 90 mẫu thiết kế được giới thiệu ở đại lộ Montaigne, Paris. Ban đầu, BST có tên gọi Corolle (tràng hoa) nhưng khi show diễn kết thúc, Tổng biên tập Harper's Bazaar Mỹ - Carmel Snow đã dành lời khen: "Quả là một diện mạo mới!". Từ đó, giới mộ điệu quen gọi New Look khi nhắc đến BST đầu tiên của Dior.

Ra đời trong thời kỳ hậu chiến (lúc này vải khá khan hiếm), nên việc sử dụng trung bình 20 thước vải đắt tiền để làm một chiếc đầm có chân váy chữ A xòe rộng (nét đặc trưng của Dior) là điều vô cùng xa xỉ. Mỗi bộ trang phục trong BST đều mang tinh thần nữ quyền, sự quyến rũ và lãng mạn của kinh đô ánh sáng.

Dior yêu hoa và kiến trúc

Christian Dior thừa hưởng tình yêu thiên nhiên từ mẹ. Niềm đam mê cỏ cây và hoa lá đã ảnh hưởng sâu sắc đến cảm hứng thiết kế của Dior. BST đầu tiên có tên Corolle vì ông muốn giúp cho tất cả phụ nữ đều được đẹp như hoa. Trong mỗi show diễn Dior phải có ít nhất một người mẫu đeo trên người hoa lan chuông - loại hoa yêu thích của NTK.

Bên cạnh đó, Christian Dior cũng mang lòng yêu mến nội thất và kiến trúc vào trong các thiết kế thời trang. Điều đó được thể hiện rõ nét qua những đường cắt may tôn đường cong cơ thể phụ nữ và họa tiết cannage đặc trưng của Dior.

Thiết kế tiêu biểu

Một trong những thiết kế đáng chú ý nhất của nhà Dior là Junon (1949-1950). Chiếc đầm được gọi với tên là Venus, Junon hay Hera theo như thần thoại Hy Lạp. Đây cũng được xem là một trong những thiết kế mà Christian Dior tâm đắc nhất tại thời điểm này. Các hạt ánh kim được đính tinh tế và đẹp mắt tô điểm thêm cho những "cánh hoa" tầng tầng lớp lớp hay cũng có thể coi là những lớp lông công không mắt.

1957

Năm 1957, NTK Christian Dior qua đời do cơn đau tim. Sự ra đi của ông gây ra khủng hoảng và xáo trộn trong nội bộ. Giám đốc điều hành thương hiệu Dior - ông Jacques Rouët phải cân nhắc việc đóng tất cả chi nhánh của thương hiệu trên thế giới, nhưng do sự phản đối gay gắt của giới mộ điệu Pháp. Cuối cùng, trợ lý Yves Saint Laurent (YSL) được cất nhắc đảm nhiệm chức Giám đốc sáng tạo.

Yves Saint Laurent - Marc Bohan

Sự xuất hiện của chàng trai trẻ đã giúp thương hiệu quay lại vòng quay ban đầu của nó. Càng thành công, các thiết kế của YSL càng bứt phá và mới mẻ, nhưng nó vẫn giữ được chất lãng mạn phóng khoáng của Dior.

Khoảng năm 1960, YSL phải gia nhập quân ngũ sau khi để lại cho thương hiệu Dior 6 BST. Cuối năm đó, Marc Bohan nối tiếp trở thành Giám đốc sáng tạo.

Khác với YSL, phong cách thiết kế của Marc trở nên kín đáo hơn, nhưng vẫn nhận được nhiều sự khen ngợi từ các nhân vật có tiếng. Điển hình là diễn viên Elizabeth Taylor đã đặt mua 12 thiết kế từ BST Xuân - Hè Slim Look (1961) của ông.

Hedi Slimane - Raf Simons

Năm 2001, Hedi Slimane trở thành Giám đốc sáng tạo cho Dior Homme. Trong BST đầu tiên, quần skinny jeans được những người mẫu nam "mình dây" mặc đã gây chấn động trong ngành thời trang, vì vẻ đẹp phi giới tính, đậm chất rock n' roll cá tính đi ngược lại hình ảnh nam nhi mạnh mẽ trên các sàn diễn khác. Heidi cũng là NTK nam đầu tiên nhận giải thưởng NTK quốc tế xuất sắc của CFDA.

Năm 2012, Raf Simons nhận nhiệm vụ trẻ hóa và hiện đại hóa cho thời trang Dior nữ. Dior and I (2015), phim tài liệu ghi lại những ngày tháng Raf Simons làm việc tại Dior, đã trở thành bộ phim ngắn mà các tín đồ thời trang nhất định phải xem. Sau 3 năm cống hiến hết mình cho Dior, việc rời khỏi đây đã khiến Raf Simons trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong thời gian đó.

Maria Grazia Chiuri

Nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của Dior là một chuyên gia về Haute Couture với sự hiểu biết sâu sắc về phụ nữ - điều mà các NTK nam trước đây chưa làm được. Maria Grazia Chiuri được kỳ vọng sẽ vực dậy dòng túi xách và giày Dior, vì trước đây bà từng góp phần tạo nên những món phụ kiện trendy như túi Baguette (Fendi) hay những đôi giày đinh tán (Valentino). Thật vậy, J'adior (dòng chữ xuất hiện từ túi xách, giày dép đến cả ốp lưng iPhone) của Dior là ví dụ điển hình. Những thiết kế J'adior đều có kiểu dáng thanh lịch, phi giới tính, phù hợp mọi hoàn cảnh.

Dưới sự dẫn dắt của Maria, thương hiệu Dior đang được khoác lên mình tinh thần nữ quyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới mộ điệu vẫn còn nghi ngại rằng tài năng và gu thẩm mỹ của Maria có thể sẽ dẫn Dior trở thành "chị em song sinh" với Valentino.

Như Huỳnh, Thanh Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-chong-gai-da-tao-nen-mot-thuong-hieu-christian-dior-hung-manh-post919990.html