Những chương trình truyền hình thực tế sớm bị khai tử vì phản cảm

Rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đã nghĩ ra đủ mọi chiêu trò, cách thức, thậm chí cả những 'cú lừa' đánh vào niềm tin, khát khao đổi đời của khán giả.

Rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đã trở thành thương hiệu toàn cầu như The Bachelor, Keeping up with the Kadarshians, Ru Paul’s Drag...

Mỗi năm, có thêm rất nhiều chương trình truyền hình thực tế mới ra mắt khán giả xoay quanh chủ đề cũ về hẹn hò, cuộc sống thường nhật, biểu diễn sân khấu, phiêu lưu sinh tồn… Trong cuộc đua nội dung ấy, không thiếu nhà sản xuất đã tìm cách biến tấu với các chủ đề để nội dung chương trình của họ trở nên khác lạ, nguy hiểm, thậm chí thách thức giá trị xã hội vì mục tiêu thu hút người xem.

Cú lừa triệu phú của show hẹn hò

Chương trình truyền hình thực tế Joe Millionaire ra mắt năm 2003 trên kênh Fox, với nhân vật chính của chương trình là một quý ông độc thân tên Evan Marriott. Marriott được thừa kế một gia tài lớn và đang có nhu cầu tìm bạn đời.

Người đàn ông đưa một nhóm những cô gái có tiềm năng trở thành cô dâu tương lai tới những địa điểm xa hoa, trước khi loại bỏ những người không vừa ý vào cuối mỗi tập.

 Câu chuyện của Evan Marriott là một bất ngờ lớn với khán giả khi tập cuối của chương trình ra mắt.

Câu chuyện của Evan Marriott là một bất ngờ lớn với khán giả khi tập cuối của chương trình ra mắt.

Mới nghe, kịch bản Joe Millionaire khá giống The Bachelor - một chương trình truyền hình thực tế về chủ đề hẹn hò nổi tiếng, nhưng sự thật, Evan Marriott không phải triệu phú mà là công nhân xây dựng.

Người phụ nữ cuối cùng trụ lại cuộc chơi sẽ được tiết lộ sự thật, và nếu cô gái chấp nhận lấy Marriott - người đã công khai lừa đảo mình trên sóng truyền hình, đôi vợ chồng mới cưới sẽ giành được phần trưởng trị giá một triệu USD.

Sau chương trình, Evan Marriott đã chia tay người vợ mới cưới và chia đôi số tiền thưởng. Marriot chuyển đến một nơi xa rời sự nhòm ngó của truyền thông, mở công ty xây dựng riêng.

Đây là một cú sốc lớn với truyền thông. Kịch bản của chương trình còn hơn cả một cú lừa, đã đánh vào sự thực dụng và khát khao đổi đời của nhiều thiếu nữ.

Biến phẫu thuật thẩm mỹ thành tiền đề của cuộc thi sắc đẹp

Khác với các chương trình dùng phẫu thuật thẩm mỹ giúp người tham gia thay đổi cuộc đời, The Swan biến nó thành công cụ cho một cuộc chạy đua sắc đẹp nhân tạo.

Chương trình “vịt hóa thiên nga” này đưa hai phụ nữ đi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ toàn diện và cho khán giả xem kết quả. Cuối mỗi tập, một người sẽ bị loại trong khi người kia sẽ thành thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp tổ chức vào chặng cuối chương trình. The Swan chính thức bị khai tử vào năm 2005 sau hai mùa lên sóng do không còn khán giả theo dõi.

The Swan được cho là chương trình truyền hình thực tế tồi tệ và gây tranh cãi nhất lịch sử.

Một trong các người chơi chia sẻ bản thân cô phải chịu nhiều di chứng tâm lý nặng nề sau khi tham gia chương trình. Được biết, cô đã tiến hành nâng vòng 3, nâng đùi trong, căng da mặt kép, nâng môi trên, nâng mắt trên và dưới, nâng chân mày nội soi, nâng mũi, nâng ngực khi tham gia chương trình.

Trả lời phỏng vấn báo chí, cô nói: “Tôi đã sợ hãi tột độ, hét lên với nhà sản xuất ‘Trả lại khuôn mặt cũ cho tôi!’. Tất nhiên, tôi biết điều đó không thể xảy ra. Nhưng mỗi lần soi gương, tôi thấy như thể đang nhìn một ai đó không phải mình”.

Ép người chơi không được ngủ

Luật chơi nghe như thể tình tiết trong Nightmare on Elm Streets này được áp dụng trong một chương trình truyền hình thực tế của Anh sản xuất năm 2004.

Người chơi của Shattered được yêu cầu thức suốt 7 ngày, làm bài kiểm tra hiệu suất mỗi 24 tiếng và hoàn thành hàng loạt thử thách phức tạp. Bất cứ người chơi nào nhắm mắt quá mười giây, số tiền thưởng nhận được cuối chương trình sẽ bị trừ đi một khoản.

Trong số 10 người chơi của mùa đầu tiên, chỉ có 4 người trụ được tới hết ngày thứ sáu. Người chiến thắng cuối cùng đã thức trọn 178 tiếng, tương đương 7 ngày rưỡi.

Sức chịu đựng của người chơi Shattered bị đẩy lên đến cực hạn trong 7 ngày.

Vì những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người chơi, Shattered chỉ có một mùa duy nhất.

Mới đây, Netflix đã sử dụng lại thử thách này để xây dựng chương trình truyền hình thực tế Awake: The Million Dollar Game. Tuy nhiên, trò chơi này chỉ giới hạn xong 24 giờ đồng hồ, và người chơi phải thực hiện một nhiệm vụ duy nhất – là đếm tiền, và nhớ rõ số tiền mình đã đếm.

Kịch bản kỳ quặc

Who’s Your Daddy là chương trình truyền hình thực tế được Fox sản xuất năm 2005. Đây được coi như biến thể không giống ai của The Bachelor.

Người chơi của chương trình, TJ Myers, được sắp xếp ở trong một căn hộ sang trọng với vài người đàn ông đứng tuổi. Điểm mấu chốt khiến nội dung Who’s Your Daddy trở nên kỳ quặc là mục đích Myers ham gia chương trình - người đẹp không tìm kiếm tình yêu - cô đi tìm người cha đã bỏ rơi mình khi còn nhỏ.

Who's Your Daddy bị dừng phát sóng ngay sau tập đầu tiên.

Những “ứng cử viên bố” sẽ được Myers đặt câu hỏi, yêu cầu tham gia các màn thử thách dựa trên ký ức cô còn nhớ được về cha. Cuối mỗi tập, thay vì trao hoa hồng cho thí sinh, Myers nói với họ: “Con nghĩ bác là bố mình”.

Rất tiếc, khán giả không bao giờ biết được danh tính cha ruột cô gái, bởi chương trình đã bị hủy sau khi tập đầu tiên phát sóng vấp phải sự phản đối của Hội đồng Quốc gia về Cho nhận con nuôi Mỹ. Cơ quan này nhận định Who’s Your Daddy đã xem thường tình phụ tử thiêng liêng.

Bắt trẻ em phải sống xa cha mẹ

Kid Nation, chương trình của đài CBS, được nhận xét giống như phiên bản truyền hình thực tế của danh tác Lord of the Flies (1954) của tác giả đoạt giải Nobel William Golding.

Tuy nhiên, thay vì thả một nhóm nam thiếu niên lên đảo hoang và để chúng tự xoay xở duy trì trật tự như tác phẩm văn học, Kid Nation để 40 đứa trẻ từ 8 đến 15 tuổi sống sáu tuần không phụ huynh tại một thị trấn ma ở New Mexico (Mỹ). Lũ trẻ phải tự xây dựng, và tìm cách vận hành cộng đồng nhỏ của mình.

Khi lên sóng, Kid Nation liên tục khiến người xem hốt hoảng vì những hoạt động mà các em bé phải thực hiện trong chương trình như thi đấu để quyết định địa vị xã hội trong mỗi tuần, hay tự tay giết thịt những con gia cầm chúng nuôi.

Kid Nation để người chơi nhí thực hiện nhiều hoạt động nguy hiểm.

Nhà sản xuất chương trình đã bị chỉ trích nặng nề vì lợi dụng trẻ em và vi phạm luật lao động. Được biết, những diễn viên nhí trong chương trình phải làm việc tới 14 tiếng một ngày. Bố mẹ các em cũng chịu phê phán vì đã đẩy con mình vào nguy hiểm.

Sau mùa đầu tiên năm 2007, Kid Nation không được sản xuất tiếp mùa 2.

Đưa sinh nở tự nhiên lên chương trình truyền hình thực tế

Born in the Wild (2015) được "lấy cảm hứng" từ một video đăng tải lên mạng từ năm 2013 quay lại cảnh một phụ nữ sinh con ngoài trời. Nội dung của chương trình theo chân những gia đình lựa chọn việc sinh nở không can thiệp y tế.

Trong thông cáo báo chí trước khi chương trình lên sóng, nhà sản xuất viết: “Chuyện gì sẽ xảy ra khi các bậc phụ huynh tương lai tự xoay xở sinh con mà không nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ? Born in the Wild sẽ ghi lại hành trình đáng nhớ của những ông bố bà mẹ trẻ trung lựa chọn sinh con ‘kiểu tự thân vận động’”.

Dù nhà sản xuất đã cam kết an toàn, nhưng Born in the Wild vẫn không thuyết phục được khán giả.

Dù nhà sản xuất cam kết mọi tình huống trong chương trình đều được kiểm soát, và luôn có xe cứu thương cùng đội kỹ thuật viên cấp cứu khẩn cấp túc trực bên ngoài trong suốt quá trình ghi hình, nhưng Born in the Wild vẫn tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm với khán giả và cộng động. Do đó, chương trình bị “khai tử” sau mùa đầu tiên lên sóng.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-chuong-trinh-truyen-hinh-thuc-te-som-bi-khai-tu-vi-phan-cam-post1073422.html