Những chuyện ấm lòng mùa thi

Một kỳ thi THPT quốc gia nữa vừa diễn ra, tập trung đỉnh điểm sự quan tâm, lo lắng của gần 900 ngàn thí sinh và những người trong gia đình.

Các sinh viên tình nguyện đã hỗ trợ đắc lực cho nhiều thí sinh.

Cho đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức thi có thể coi là ổn thỏa. Nhìn lại cả một kỳ thi, cũng đã có nhiều những câu chuyện làm ấm lòng thí sinh, gia đình của các em cũng như dư luận của toàn xã hội.

Câu chuyện hy hữu và có lẽ là cũng hài hước nhất khi thí sinh Trần Thị Yến ở Hà Giang bị công an “bắt đi thi”. Vào ngày 26/6 chuẩn bị đến giờ thi, các giám thị tại điểm thi THPT Lê Hồng Phong (Hà Giang) không thấy thí sinh Yến. Khi xác minh được nhà của Yến chỉ cách điểm thi vài km, một chiến sĩ cảnh sát dùng xe máy đến tận nhà để đón thí sinh này.

Lý do thí sinh không đến phòng thi là vì... ngủ quên. Chắc chắn nữ sinh này sẽ vô cùng bất ngờ khi có một chiến sĩ cảnh sát đến tận nhà “áp giải” mình đến điểm thi. Rất may, với sự tích cực của chiến sĩ cảnh sát, nữ sinh này vẫn kịp giờ làm thủ tục vào phòng và làm bài.

Câu chuyện hy hữu thứ hai là về thí sinh duy nhất trên cả nước làm bài trên đề thi bằng giấy A3. Đó là thí sinh Huỳnh Ngân Giang, cựu học sinh lớp 12B4 trường THPT Nguyễn Huệ, (TP Huế, Thừa Thiên Huế).

Năm 14 tuổi, Giang bị bệnh viêm màng bồ đào khiến đôi mắt bị mờ, không nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh, đặc biệt là chữ in trong sách giáo khoa. Với ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch, em không bỏ dở việc học.

Lên lớp, Giang cố gắng nghe giảng và dùng điện thoại chụp lại những gì cô giáo ghi trên bảng, về nhà phóng to để đọc. Để xem sách, Giang phải đưa mắt sát từng trang giấy. Ba năm THPT, Giang đều là học sinh giỏi của trường. Năm 2018, em vào đội thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh và giành giải nhì.

Để tạo điều kiện cho Giang, trước kỳ thi THPT quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của em ra Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến làm riêng một bộ đề thi đặc biệt. Thầy Thân Nguyên Khánh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sau khi nhận được hồ sơ về trường hợp của Giang, Bộ đồng ý.

Đề thi của Giang được in trên khổ giấy A3 (gấp đôi khổ A4) với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để em có thể đọc. Em là thí sinh duy nhất cả nước được sử dụng bộ đề A3.

Xét cho đến cùng, nếu những cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cũng như những cán bộ tại Hà Giang không hết lòng hỗ trợ các thí sinh kể trên, cũng chẳng ai có thể trách cứ họ. Nhiệm vụ chính của họ là làm thủ tục và đảm bảo việc tổ chức thi diễn ra đúng quy chế đúng pháp luật cho đông đảo các thí sinh tại đại bàn mà mình phụ trách. Nhưng họ đã làm tốt hơn thế. Cùng một tinh thần hỗ trợ hết mức có thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý tạo điều kiện để Khánh có được đề thi in trên giấy A3 và có thể làm bài bình thường. Còn các cán bộ tại điểm thi THPT Lê Hồng Phong cũng đã linh hoạt chủ động và có giải pháp tình thế hợp lý để “cứu” cho thí sinh khỏi lỡ buổi thi.

Trong công tác tổ chức những sự kiện lớn, mỗi một trường hợp ngoại lệ sẽ là một lần có thêm nhiều việc phát sinh phải làm cho các cán bộ nhân viên. Cũng trong những sự kiện lớn đó, lợi ích chung của số đông luôn được ưu tiên hàng đầu, và trong không ít trường hợp đó chính là lý do để người ta từ chối tạo điều kiện giúp đỡ những trường hợp ngoại lệ.

Rất may, một học sinh thiếu may mắn nhưng đầy nghị lực vượt khó đã được những người thầy ở Sở và Bộ thấu hiểu, hỗ trợ tạo điều kiện. Sẽ là vô cùng đáng tiếc nếu chỉ vì những thiếu khuyết thể chất mà một học sinh học giỏi vượt khó không thể tham gia kỳ thi lần này.

Nhiều sĩ tử trong kỳ thi vừa qua còn được tiếp sức bởi một lực lượng đông đảo những sinh viên, đoàn thanh niên tình nguyện. Không quản nắng nóng, họ đã đồng hành giúp đỡ để các thí sinh có được tinh thần tốt nhất và làm bài thi hết khả năng của mình.

Bên cạnh đó còn là đông đảo những “tình nguyện viên” vô danh, họ là những bác xe ôm, những bà chủ quán nước, những chủ nhà trọ sẵn sàng giảm giá, thậm chí là hỗ trợ miễn phí cho các sĩ tử. Họ tự nguyện làm những việc này mà không cần bất cứ sự “vận động” hay hưởng ứng theo một phong trào nào...

Tất nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn về công tác tổ chức để kỳ thi THPT quốc gia ngày càng tốt hơn. Đặt trong bối cảnh những tiêu cực ở một số địa phương trong kỳ thi năm ngoái vẫn còn chưa hết nóng, những câu chuyện ấm lòng trên khẳng định rằng cái tốt vẫn tiềm ẩn trong chính cuộc sống và sẽ này mầm bởi chính nhu cầu tự thân…

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nhung-chuyen-am-long-mua-thi/370021.vgp