Những chuyến bay vượt biển nối dài sự sống

Những chuyến bay của Tổ cấp cứu đường không - Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã giúp cấp cứu kịp thời cho nhiều người bệnh tại vùng biển, đảo. Không gian trong trực thăng chật hẹp, ồn và chao đảo nên việc trao đổi chuyên môn, thực hiện các thao tác cấp cứu rất khó khăn. Tuy vậy, Tổ cấp cứu đều cố gắng khắc phục để giữ cho bệnh nhân luôn an toàn.

Chuyến bay đưa bệnh nhân về đất liền cấp cứu, điều trị kịp thời

Những chuyến bay cứu người

Một ngày cuối tháng 3/2023, trong quá trình lặn ở độ sâu 35m, ngư dân Hoàng Văn Đ. (51 tuổi, quê Hà Tĩnh, thuyền viên tàu cá QNg 96-293 TS) lên khỏi mặt nước đột ngột, có biểu hiện đau ngực trái, khó thở nhẹ, yếu hai chi dưới. Bệnh nhân sau đó được chuyển vào Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ quyết định điều trị bệnh nhân tại Trung tâm y tế Trường Sa, báo cáo tình trạng của bệnh nhân hằng ngày cho Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, các triệu chứng không giảm.

Hội chẩn qua Telemedicine (khám bệnh từ xa) với Bệnh Quân y 175, các bác sĩ đã đề nghị cấp trên đưa bệnh nhân vào đất liền điều trị.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 18 đã nhanh chóng điều động máy bay trực thăng EC 225 mang số hiệu VN 8622 cùng Tổ Cấp cứu đường không - Bệnh viện Quân y 175 do đại úy - bác sĩ Đinh Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ Cấp cứu đường không, xuất phát tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).

Chuyến bay đưa bệnh nhân về đất liền cấp cứu, điều trị kịp thời

Sau đó, chuyến bay đã đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175) an toàn, nhanh chóng đưa bệnh nhân vào trung tâm cấp cứu và tiến hành điều trị. Bác sĩ Đinh Văn Hồng chia sẻ, đối với bệnh nhân hội chứng giảm áp mức độ nặng, vấn đề đưa bệnh nhân bằng trực thăng về đất liền là một cân nhắc cực kỳ quan trọng.

Khi đưa bệnh nhân lên máy bay, các nguy cơ của hội chứng giảm áp sẽ diễn biến nặng, có thể bệnh nhân sẽ diễn tiến suy hô hấp nguy kịch, thuyên tắc phổi và ngừng tim. Do đó, khi đưa bệnh nhân lên máy bay, kíp cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở oxy nồng độ cao, theo dõi sát sinh hiệu bệnh nhân, nếu bệnh nhân diễn biến nặng phải xử lý ngay trong quá trình bay.

Anh Trịnh Tân T. (31 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) cũng là một trong những bệnh nhân được Tổ Cấp cứu đường không đưa từ Trường Sa về đất liền cấp cứu, điều trị kịp thời. Trước đó, anh T. cùng với các ngư dân đang khai thác hải sản trên tàu cá BĐ 96714 TS thì bị trượt chân ngã, người đập mạnh vào dây túi kéo cá của tàu.

Anh được đưa vào Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu và xác định anh bị chấn thương bụng kín, dập vỡ gan, chảy máu trong ổ bụng mức độ nhiều và mất máu. Do tình trạng quá nặng nên anh T. được đưa lên trực thăng vận chuyển về đất liền và được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thực hiện phẫu thuật ngay.

"Lúc bị té, tôi cứ nghĩ là mình sẽ chết bởi ở giữa biển khơi làm sao ai có thể cứu được mình. Nhưng nhờ có y, bác sĩ ở Trung tâm y tế Trường Sa, đặc biệt là các chiến sĩ đã cho tôi máu vì tôi mất máu nhiều, rồi tổ bay đã đưa tôi về đất liền. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã giúp tôi sống sót", anh T. xúc động chia sẻ.

Khắc phục khó khăn, giữ an toàn cho bệnh nhân

Đại úy - bác sĩ Đinh Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ cấp cứu đường không - Bệnh viện Quân y 175, cho biết, lần đầu tiên bay cấp cứu, anh đã rất lo lắng bởi tính chất cấp cứu bằng trực thăng khác với cấp cứu trên mặt đất cũng như trên tàu thủy.

Bởi lẽ, không gian trong trực thăng chật hẹp, ồn và chao đảo nên việc trao đổi chuyên môn, thực hiện các thao tác cấp cứu rất khó khăn. Không ít lần Tổ cấp cứu đường không còn gặp phải các tình huống thời tiết xấu, buộc phải bay thấp…Tuy vậy, mọi người đều cố gắng khắc phục khó khăn để giữ cho bệnh nhân luôn an toàn.

Theo Bệnh viện Quân y 175, từ năm 2012 đã có những chuyến bay vận chuyển người bệnh từ Trường Sa về đất liền cấp cứu nhưng phải đến năm 2016, hoạt động bay cấp cứu mới được tổ chức một cách bài bản, chính quy.

Từ đây, Bệnh viện Quân y 175 thành lập Tổ cấp cứu đường không với 12 thành viên, gồm 8 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Đến nay, Tổ cấp cứu đường không đã thực hiện được gần 100 chuyến bay và 100% đều thực hiện cấp cứu thành công.

Bệnh nhân các chuyến bay cấp cứu có đến 65% là ngư dân đang lao động, sản xuất trên biển.

Minh Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-chuyen-bay-vuot-bien-noi-dai-su-song-20230426164306508.htm