Những chuyển biến của GDP

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí 3-2018 đạt mức 6,88% so với cùng kỳ của năm 2017. Lũy kế trong chín tháng đầu năm 2018, GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất tính từ năm 2011 đến nay.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: LÊ ANH

Kết quả này được xem là rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước rất nhiều thách thức. Thứ nhất, đó là vấn đề lãi suất đang có xu hướng tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu. Lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất của toàn xã hội tăng, sẽ cản trở quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện chưa rõ khi nào sẽ kết thúc, trong khi nguy cơ lan rộng thành một cuộc chiến trên phạm vi toàn cầu có thể diễn ra bất kỳ lúc nào nếu các bên không kiểm soát được. Thứ ba, đó là giá dầu mỏ đã và đang có xu hướng tăng nhanh, hiện đã tăng trên 25% kể từ đầu năm 2018 đến nay.

Bên cạnh đó, kết quả trên còn có một ý nghĩa rất quan trọng khác khi mà năm 2018 được xem là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế năm năm 2016-2020. GDP tăng trưởng cao trong bối cảnh Việt Nam đang cùng một lúc thực hiện hai mục tiêu là tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đang dần có sự chuyển biến về chất

Có lẽ nếu chỉ nói về tốc độ tăng trưởng cao thì nhiều người sẽ không cảm nhận được hết ý nghĩa của nó. Do vậy, cần phải xem xét và trả lời được câu hỏi động lực nào đã thúc đẩy GDP tăng trưởng cao như vậy trong năm 2018. Câu trả lời ngắn gọn là chưa có nhiều sự khác biệt lớn so với các năm gần đây. Tăng trưởng GDP vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, một điểm mới đáng ghi nhận của năm 2018 là tăng trưởng GDP đang giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Theo đó, trong khi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 thì tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ ở mức 9,52% tính đến ngày 20-9-2018, thấp hơn nhiều so với con số 11,02% của cùng kỳ năm 2017. Vậy thì nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội được tài trợ bởi nguồn nào? Đó chính là nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như của chính người dân trong nước. Khi mà môi trường vĩ mô duy trì được sự ổn định, các doanh nghiệp của Việt Nam đã thu hút được một khối lượng vốn rất lớn từ cả bên ngoài và trong nước. Minh chứng rất rõ là việc hàng loạt doanh nghiệp, như Vinhomes, Techcombank, Hòa Phát, Novaland... đã thu hút được hàng tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng gần gấp đôi so với năm 2017 cho thấy nguồn lực trong nước cũng được sử dụng vào quá trình phát triển của các doanh nghiệp. Ngoài ra, một điểm cũng rất đáng lưu ý là tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Điều đó cho thấy hiệu quả đầu tư của toàn xã hội đã được cải thiện.

Đâu sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho Việt Nam?

Hiện tại tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, quy mô xuất nhập khẩu hiện đang ở mức 220% GDP. Con số này lại càng đáng phải chú ý khi mà xuất khẩu và nhập khẩu hiện đang khá cân bằng. Điều này cho thấy tăng trưởng của Việt Nam dựa vào nhu cầu của thế giới nhưng nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đó lại được nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu lại phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI. Do vậy, có thể thấy rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng giá trị tạo ra và được giữ lại ở trong nước là rất thấp; phần lớn sẽ thuộc về các doanh nghiệp FDI và có thể được chuyển ra khỏi lãnh thổ.

Đông Hà

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279595/nhung-chuyen-bien-cua-gdp.html