Những chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Đăk Lăk

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Bằng những cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã dần được khôi phục lại trong các buôn làng.

Nghi lễ mời rượu của người Ê Đê tại xã Ea Kao, Tp. Buôn Ma Thuột.

Huyện Cư M’gar được đánh giá là một điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS tại tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, huyện Cư M’gar đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai phục dựng lại các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các DTTS, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc định kỳ 2 năm/lần… Ông Y Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar cho biết: Ngoài không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO ghi danh, trên địa bàn huyện còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lời nói vần của người Ê Đê và sử thi của người Ê Đê. Không chỉ dân tộc Ê Đê mà các DTTS khác như Xơ Đăng, Thái, Tày, Nùng… ở địa phương cũng đang làm rất tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Nhiều nghi lễ nông nghiệp được đồng bào tổ chức như Lễ mừng cơm mới, Lễ mừng lúa mới, Lễ hội lồng tồng…

Còn tại TP Buôn Ma Thuột, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc cũng được chính quyền đặc biệt quan tâm. Nhiều năm qua, TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức phục dựng lại các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh, thiếu nhi, múa xoang, hát dân ca, nâng cao kỹ năng đánh chiêng cho nghệ nhân đã được mở rộng. Định kỳ 2 năm một lần, TP Buôn Ma Thuột tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc với nhiều hoạt động đặc sắc như diễn tấu cồng chiêng, thi giã gạo nhanh, đan lát truyền thống, dệt thổ cẩm, hát dân ca và các hoạt động thể thao khác...

Lễ mừng cơm mới của người Thái ở huyện Cư M’gar được tổ chức hằng năm.

Tỉnh Đắk Lắk là nơi hội tụ 49 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên nền văn hóa phong phú, đa sắc màu. Từ nhiều năm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh luôn coi việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương. Cụ thể, tỉnh đã cấp phát hàng trăm bộ chiêng, trang phục truyền thống cho các buôn làng và một số trường học. Tổ chức nhiều lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; dạy chỉnh chiêng cho nghệ nhân trẻ; tổ chức biểu diễn cồng chiêng định kỳ nhằm phục vụ cộng đồng và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh một tháng 2 lần vào tối thứ 7 giữa tháng và cuối tháng; chú trọng việc sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu trữ các bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời con người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào DTTS tại chỗ. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức các lớp truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi cho thanh niên dân tộc tại chỗ; tổ chức trình diễn và phục dựng nghi lễ, lễ hội dân gian truyền thống…

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Nhờ quan tâm của HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2021 - 2030, ngành Văn hóa có thêm nguồn lực để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Ngành Văn hóa tỉnh Đắk Lắk sẽ vận dụng nguồn lực này để xây dựng thiết chế văn hóa; phát triển du lịch cộng đồng thôn, buôn đồng bào DTTS; tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, phục dựng nghi lễ, lễ hội…

Lê Hường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-o-dak-lak-5717877.html