Những chuyện cảm động về tình cha con An Thuyên – Bông Mai

(Phunutoday) - 5 tuổi, Bông Mai đã có thể đánh đàn guitar và hát, 7 tuổi bắt đầu được bố dạy piano, đến năm 14 tuổi, bố khuyên nên học múa vì chất giọng khàn không hợp để làm ca sĩ. Đi học múa hai năm lại chuyển sang học piano rồi phát hiện ra "mình chỉ mê ca hát" nên chị quyết định theo nghiệp ca hát. Chưa đầy 20 tuổi, chị đã là thành viên của nhóm Con Gái - một nhóm nhạc nhẹ có tiếng của thủ đô.

(Phunutoday) - 5 tuổi, Bông Mai đã có thể đánh đàn guitar và hát, 7 tuổi bắt đầu được bố dạy piano, đến năm 14 tuổi, bố khuyên nên học múa vì chất giọng khàn không hợp để làm ca sĩ. Đi học múa hai năm lại chuyển sang học piano rồi phát hiện ra "mình chỉ mê ca hát" nên chị quyết định theo nghiệp ca hát. Chưa đầy 20 tuổi, chị đã là thành viên của nhóm Con Gái - một nhóm nhạc nhẹ có tiếng của thủ đô.

Ba năm sau, chị quyết định rời nhóm, vào Nam vừa ca hát, vừa làm công tác giảng dạy trong trường nghệ thuật. Ít lâu sau, chị lại trở về Hà Nội, bỏ công việc giảng dạy để làm MC, rồi biên tập viên âm nhạc cho VTV3. Từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam ra Bắc, chuyển rất nhiều công việc từ ca sĩ, giảng viên, MC đến biên tập viên nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm là liên quan đến âm nhạc. Với Bông Mai - cô con gái rượu của nhạc sĩ An Thuyên - âm nhạc dường như đã là "cái duyên, cái số".

Học đàn bằng chiếc piano vẽ trên giấy

Khác hẳn với nét yểu điệu của cái tên chị mang, Bông Mai ngoài đời không thích đồ hiệu, không thích son phấn, chân chất đúng kiểu "con nhà binh". Sinh ra trong một gia đình "đặc biệt" với cả bốn thành viên đều hoạt động nghệ thuật và cùng "ăn lương" quân đội, bố là thiếu tướng, nhạc sĩ nổi tiếng An Thuyên; mẹ là đạo diễn sân khấu, đại úy Huyền Lâm; anh trai là nhạc sĩ, trung úy An Hiếu, Bông Mai đến với nghệ thuật như một điều tất yếu. 5 tuổi, Mai đã được bố dạy đánh guitar và cô bé xinh xắn ấy có thể tự đánh đàn và hát say sưa cả ngày. Khi bắt đầu vào lớp 1, cả gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống, bố đi học Nhạc viện Hà Nội, mẹ học ĐH Sân khấu Điện ảnh.

Cứ có thời gian rảnh là nhạc sĩ An Thuyên lại dạy đàn piano cho Mai. Hồi đó, gia đình mới chuyển ra Hà Nội, sống trong căn nhà tập thể chật hẹp, điều kiện kinh tế khó khăn nên không làm sao đủ tiền để mua một chiếc đàn, thế là nhạc sĩ đành vẽ chiếc piano trên giấy rồi dạy cho Mai.

Mai thích ca hát lắm, Mai và anh trai An Hiếu rất muốn tham gia các phong trào văn nghệ tại khu tập thể nhưng luôn bị các bạn từ chối và không ai chơi cùng vì bị gọi là "đồ nhà quê", kỷ niệm ấy khiến Mai không bao giờ quên. Mỗi khi có chương trình văn nghệ biểu diễn ở sân khu tập thể, hai anh em chỉ dám đứng trên gác nhìn xuống mà rất buồn.

Bông Mai tâm sự: “Trung thu năm nào, bố An Thuyên cũng làm đèn ông sao để hai anh em được rước cùng bạn bè, nhưng chúng tôi không bao giờ được đi cùng đoàn mà phải tách riêng và chỉ nhìn thấy ánh đèn của mọi người phía xa. Chúng tôi phải mất mấy năm trời như thế mà không có bạn bè trong khu nhà mình ở. Nhưng cũng rất may là chúng tôi có những người bạn thật sự ở lớp, và đến bây giờ, những người bạn ấy vẫn chơi với một người bị gọi là nhà quê ra tỉnh như tôi”.

Bông Mai sinh ra ở thành phố Vinh, Nghệ An. Năm chị 5 tuổi thì cả gia đình quyết định chuyển ra Hà Nội sinh sống để tiện cho việc học của cả bố và mẹ. Ra Hà Nội với đôi bàn tay trắng, không người thân thích, khó khăn bộn bề, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Và tuổi thơ của Bông Mai cũng gắn liền với sự vất vả, sự thiếu thốn của cả gia đình.

Lúc đó, bố chị - nhạc sĩ An Thuyên - đang học tại Nhạc viện Hà Nội, còn mẹ cũng đang học đạo diễn sân khấu. Những năm đầu tiên là năm đói kém nhất của gia đình chị. Cả nhà phải ở trong kí túc xá trường Sân khấu Điện ảnh - nơi mẹ chị đang theo học. Ở chung với người khác nên đồ đạc trong nhà mất thường xuyên, mang được cái xe đạp từ Nghệ An ra cũng mất, tem phiếu ăn cả năm cũng mất. Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, không ít bữa cơm của gia đình chị chỉ có hai món là cơm và nước mắm. Chỉ thỉnh thoảng, sau những cơn mưa, gia đình mới có một bữa "tươi".

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên

Bông Mai vẫn nhớ như in cái dáng bé xíu và đen thui thủi của anh trai mình - nhạc sĩ An Hiếu khi hằng ngày anh cố gắng tát cá ở các ao nhỏ và cái cống xung quanh khu kí túc mà gia đình được nhà trường cho mượn. "Không một ngày nào là chúng tôi không đánh nhau hay cãi nhau, đến mức có một ngày, chúng tôi im lặng, không có “chiến tranh” thì mẹ đã phải ghi vào nhật ký của gia đình. Và từ sau ngày đó, chúng tôi không bao giờ chành chọe nhau nữa" - chị nhớ lại kỷ niệm với anh trai.

Đam mê ca hát, nhưng con đường nghệ thuật đầu tiên của Bông Mai không phải là âm nhạc mà là nghệ thuật múa. Năm 14 tuổi, bố khuyên chị nên học múa vì chất giọng khàn quá sẽ không hợp để làm ca sĩ. Nghe lời bố, Mai thi đỗ với số điểm cao. Học múa hai năm, Mai chuyển sang học piano rất dễ dàng vì đã có nền tảng sẵn có. Khi học, các thầy cô biết Mai thích hát nên cũng hay ưu tiên cho cô bé vừa đệm đàn, vừa hát.

Lúc đó, Bông Mai biết rằng, hát mới thực sự là đam mê lớn nhất của mình. Và rồi Bông Mai chuyển hướng, theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 18 tuổi. Năm 1997, khi đang là học viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, Bông Mai được mời tăng cường cho Đoàn Ca múa nhạc Trung ương đi biểu diễn tại Trung Quốc.

Một sự kết hợp ngẫu nhiên của Bông Mai cùng Xuân Nhị, Nguyệt Anh trong liên hoan đó đã khiến nhiều người khuyên họ nên trở thành một nhóm nhạc và cái tên Con Gái ra đời. Nhưng rồi, khi đang ở tuổi 24, Mai rời nhóm Con Gái, rời Hà Nội, quyết định theo nghề giảng dạy và vào công tác tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật quân đội 2 tại TP.HCM.

Ba năm sau, Mai được đặc cách lên Đại úy (qua giai đoạn Thượng úy) nhờ những đóng góp của chị cho công tác giảng dạy và công tác Đoàn tại nhà trường. Công việc và gia đình ổn định, chị bắt đầu đi hát trở lại ở các phòng trà TP.HCM. Chính người cha - nhạc sĩ An Thuyên - đã động viên, khuyến khích Bông Mai tiếp tục sự nghiệp ca hát và chị cũng nhìn nhận rằng chính dòng nhạc và tính cách của bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách của mình.

Không có khiếu sáng tác như bố

Là con của một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng chị lại không có năng khiếu sáng tác giống như bố. Bông Mai bộc bạch: "Mai không có khiếu sáng tác bài hát như bố và anh trai. Nhưng bù lại, Mai lại có năng khiếu văn chương, thích viết truyện. Gặp một tình huống hay một câu hát nào đó trong cuộc sống, Mai cũng có thể viết thành một câu chuyện, chủ yếu để phục vụ việc học đạo diễn, thay vì mình lấy truyện của người khác thì mình có thể tự chuyển thể truyện của mình thành phim".

Đối với Bông Mai, bố là người ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống của chị. Chính bố là người đưa chị đến với âm nhạc, khơi gợi năng khiếu âm nhạc trong chị. Chị cũng giống như hầu hết những đứa con thần tượng bố, đều thấy bố mình đặc biệt.

Mọi thứ mà Mai biết đến khi còn nhỏ không phải là đồ chơi mà là âm nhạc. Chị tự thấy mình là người may mắn khi được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật như thế. Chị bảo, bố chị tạo cho chị một nền móng vững chắc để có thể xây một ngôi nhà của chính mình trên nền móng đó. Chị học được rất nhiều tính cách của bố như tính quyết đoán, mạnh mẽ.

"Từ khi mới ra Hà Nội đến bây giờ, qua rất nhiều cương vị, Mai thấy bố chẳng thay đổi nhiều lắm, vẫn chất phác và ra ngoài thì lúc nào cũng muốn giúp đỡ người khác. Trước những việc đàm tiếu không đáng có, bố biết im lặng. Mai cũng thừa hưởng được tố chất lãnh đạo của bố" - Bông Mai tâm sự.

Trước khi làm công việc biên tập như bây giờ, Bông Mai đã có thời gian làm giảng viên thanh nhạc trong trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi bố chị - nhạc sĩ An Thuyên - làm hiệu trưởng. Có bố làm sếp, lại công tác cùng trường nên không tránh khỏi những lời dị nghị rằng chị có được vị trí đó là nhờ có bố nâng đỡ.

Nói về vấn đề này, Bông Mai chia sẻ: "Bố tôi sống tình cảm, thương con nhưng khá nghiêm khắc, chừng mực. Khi làm việc, có nhiều mối quan hệ liên quan đến bố, tôi phải cố gắng hơn bao giờ hết. Còn nhớ, khi tôi xin ý kiến bố học khóa đạo diễn truyền hình ở trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, bố tôi bảo: “Con phải cố gắng để luôn đứng ở top đầu”. Kết quả là năm đầu, trong 100 học viên, chỉ mình tôi là đạt loại xuất sắc".

Ca sĩ Bông Mai

Thế rồi, như để minh chứng cho lời chị nói, để chứng tỏ mình có thể tự bước đi trên đôi chân mà không phải nhờ cậy bố, Bông Mai quyết định bỏ công việc giảng dạy về "đầu quân" cho Đài Truyền hình Việt Nam. Lý giải nguyên nhân dẫn đến quyết định chuyển từ một cô giáo trong trường quân đội ra ngoài làm biên tập viên, Bông Mai chia sẻ: "Có thể nhìn thấy, môi trường quân đội là môi trường thuận lợi, an toàn, bình lặng, phù hợp cho một người phụ nữ có gia đình.

Lúc đó, Mai đã là Đại úy, chỉ còn hơn một năm nữa là lên quân hàm Thiếu tá. Nhưng Mai không muốn mọi người nghĩ Mai nhờ bố mới được như vậy. Mai muốn tự đi bằng sức của mình, mặc dù con cái khó có thể rời khỏi vòng tay bố mẹ được. Mỗi quyết định của Mai đều được đưa ra khá nhanh. Nếu mình cảm thấy ổn thì Mai quyết định ngay. Gia đình cũng khá quen với tính cách đó của Mai. Riêng việc chuyển từ quân đội ra ngoài, Mai đã cân nhắc rất kỹ. Bố mẹ cũng ủng hộ và đến giờ nghĩ lại, Mai vẫn cho rằng đó là quyết định đúng đắn."

Xa sân khấu ca hát để tập trung cho công việc biên tập ở Đài Truyền hình, nhiều người hỏi chị như thế có phải an phận quá không, nhất là đối với một người làm trong lĩnh vực nghệ thuật và còn trẻ như Bông Mai. Nhưng chị bảo đôi lúc chị cũng thấy tiếc, nhưng công việc ở Đài Truyền hình chiếm nhiều thời gian, lại phải chăm sóc cho con nên chị chỉ mốn có một cuộc sống bình thường, không cần sự nổi tiếng.

Chị bộc bạch: "Mục đích của Mai đơn giản, Mai không đặt mục tiêu phải nổi tiếng, phải giàu có. Đối với Mai, chỉ cần một cuộc sống bình thường, đi làm đủ tiền nuôi hai con, nói vui là nuôi một “con ô tô” nữa, Mai cũng không có nhiều nhu cầu. Mai không phải tuýp người phụ nữ điệu, không thích đồ hiệu, không son phấn, không có khái niệm dùng các vật dụng đắt tiền. Chỉ đơn giản Mai là người biết tiêu tiền. Với một cái túi 1.000 USD, Mai sẽ quy ra ngay đóng tiền học cho con được bao nhiêu lâu và làm được những việc gì".

Kim Kim

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blognguoinoitieng/201111/Nhung-chuyen-cam-dong-ve-tinh-cha-con-an-Thuyen-Bong-Mai-2113465/