Những chuyển động đầu tiên ở 2 nhà máy điện duy nhất sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng

Đây là những chuyển động đầu tiên của 2 Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 - là những nhà máy điện duy nhất cho đến nay sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu cho sản xuất điện tại Việt Nam.

Chúng ta đã có 2 nhà máy điện Nhơn trạch 1 và 2 sử dụng khí tự nhiên (LN) từ mỏ các mỏ thuộc bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Tuy nhiên khí tự nhiên được khai thác từ những mỏ rất xa nơi tiêu thụ là các nhà máy điện khí, nên phải xây dựng các đường ống dẫn khí dài hàng trăm cây số xuyên biển. Như đường ống dẫn khí từ bể Nam Côn Sơn đến nhà máy chế biến khí Dinh Cố (Bà Rịa-Vũng Tàu), rồi đưa về nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và 2 (Đồng Nai) dài trên 600 km.

Dù phải vận chuyển xa, tốn kém, căng thẳng vì đảm bảo an toàn, nhưng khí tự nhiên cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy điện chạy khí. Trong khi đó, tình trạng thiếu điện tại miền Nam từ 2019 sẽ rất nghiêm trọng nếu không có các giải pháp cụ thể để khắc phục. Trong cuộc thị sát tại các tỉnh miền Nam năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí phải chủ động kiểm tra định kỳ, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, bằng mọi giá đảm bảo không để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thiếu điện.

Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quy hoạch ngành Công nghiệp Khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong đó yêu cầu “nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG). Lượng nhập khẩu LNG chủ yếu cho sản xuất điện nhằm giảm thiểu nhiệt điện than trong mục tiêu giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí nhà kính CO2".

LNG là khí không màu, không mùi, không độc hại và không có tính chất ăn mòn; thành phần chủ yếu là metan (khoảng 95%) và một lượng nhỏ các khí khác. Mặc dụ có những thuận lợi so với xăng dầu như mật độ năng lượng cao hơn, giảm số lần tiếp nhiên liệu cũng như giảm ô nhiễm môi trường, nhưng LNG vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí rất cao trong việc đầu tư vào phương tiện cất giữ và vận chuyển, cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc chế biến. Vì vậy, hiện tại LNG chỉ được sử dụng tại các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Anh, Nhật và các nước châu Âu.

Tháng 2 năm 2017, Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 sử dụng khí LNG đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Tổng công suất lắp đặt 2 nhà máy dự kiến khoảng 1.500 MW, gấp đôi tổng công suất Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và 2. Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là 2 nhà máy đầu tiên và duy nhất cho đến nay của nước ta sử dụng LNG. Theo đánh giá, với hơn 10 năm thực hiện quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí, PV Power am hiểu được các nhà máy điện khí nên có thể lựa chọn được công nghệ tối ưu cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất.

Đồng bộ với Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, PVGAS được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng Kho LNG Thị Vải giai đoạn 1 với công suất 1 triệu tấn/năm và mở rộng lên 3-5 triệu tấn/năm; sau đó với nguồn nguyên liệu nhập khẩu LNG từ nước ngoài cung cấp cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ; và kho chứa sản phẩm của dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 với công suất chứa LPG 300.000 tấn/năm và condensate 170.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2021.

Mới đây, tại Hội thảo “Mô hình đầu tư các nhà máy điện (NMĐ) sử dụng khí LNG nhập khẩu” được tổ chức nhằm giới thiệu về chuỗi dự án khí LNG Thị Vải – nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 tới các đối tác, các đơn vị tư vấn, các ngân hàng/tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm về công nghệ nhà máy điện khí, công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác thu xếp vốn cho dự án.

Tại hội thảo, các bên liên quan đã lên kế hoạch tiến độ dự kiến, kho cảng LNG Thị Vải sẽ bắt đầu khai thác vào quý II/2022 và dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 sẽ vận hành vào cuối năm 2022/2023, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhập khẩu khí LNG và nhà máy điện phải thực hiện đồng bộ với nhau. Việc đầu tư các dự án này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao và thiếu hụt công suất tại khu vực miền Nam, đặc biệt khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; đa dạng hóa nguồn nhiên liệu sơ cấp, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu than nhập khẩu có tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro về cung ứng điện… Đây là những bước chuyển động đầu tiên của 2 nhà máy điện đầu tiên và duy nhất ở nước ta sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/nhung-chuyen-dong-dau-tien-o-2-nha-may-dien-duy-nhat-su-dung-khi-thien-nhien-hoa-long-201808271043531p0c77.htm