Những chuyên gia Đức 'đặt nền móng' cho ngành tên lửa Liên Xô

Khác với chương trình tên lửa Mỹ dưới sự chỉ đạo của công trình sư người Đức Wernher von Braun nổi tiếng, một chuyên gia người Đức khác từng tham gia vào chương trình tên lửa vũ trụ của Liên Xô lại rất ít được biết đến.

Chương trình tên lửa của Đức Quốc xã

Sau khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, các cơ quan tình báo Mỹ & Liên Xô đã bắt đầu săn tìm tàn dư công nghệ sản xuất tên lửa của đế chế Đức thời đó, cũng như các chuyên gia đóng góp trong các dự án này. Mỹ là nước đầu tiên chiếm được bang Thuringen, cùng với đó là bãi thử tên lửa tại Peenemunde. Họ đã thu thập toàn bộ trang thiết bị cùng các tên lửa còn nguyên vẹn, cũng như đưa toàn bộ các chuyên gia Đức từng tham gia dự án sang Mỹ.

Chương trình tên lửa Đức thời đó vượt trội hơn nhiều so với Mỹ và Liên Xô. Khi đó, tên lửa Đức đã sở hữu các động cơ nhiên liệu lỏng có lực đẩy lên tới 27 tấn, trong khi tên lửa Mỹ & Liên Xô chỉ có lực đẩy tối đa 1,5 tấn.

Đức đã cho ra đời tên lửa hành trình Fau-1 với tầm bắn 250km và vận tốc 60km/h. Tiếp đó là tên lửa Fau-2 với tầm bắn 320km và tốc độ 5.900km/h.

Tính tới năm 1944, Đức đã phóng gần 10.000 tên lửa Fau-1 và 8.000 tên lửa Fau-2. Sau đó, tên lửa Fau-1 được Mỹ và Liên Xô dùng làm nguyên mẫu cho tên lửa hành trình, còn Fau-2 là nguyên mẫu của các tên lửa đạn đạo và tên lửa vũ trụ.

Khôi phục sản xuất tên lửa Fau-2 tại Đức

Dù đã nỗ lực hết sức, Thượng tướng Ivan Serov vẫn không thể tìm thấy một quả tên lửa còn nguyên vẹn nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, không lâu sau đó tại nhà máy ngầm “Dora”, người ta đã tìm thấy những bộ phận cấu thành lắp vào một số tên lửa hoàn chỉnh.

Lôi kéo các chuyên gia Đức

Tất cả các chuyên gia hàng đầu của Đức, trong đó có Wernher von Braun và cấp phó của ông là Helmut Grottrup, đã được điều chuyển đến khu vực mà Mỹ chiếm đóng. Vợ của Helmut Grottrup đã đến Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô giải thích rằng, người quyết định tất cả trong việc này không phải chồng, mà chính là cô ta. Và nếu có thể, thì cô ta sẵn sàng cùng chồng và các con chuyển đến khu vực do Liên Xô kiểm soát. Vài ngày sau, cả gia đình cùng hai con của họ đã được chuyển đến khu vực thuộc Liên Xô. Nỗ lực đưa thêm cả chuyên gia Wernher von Braun rời đi đã bị thất bại, do phía Mỹ canh giữ anh ta vô cùng nghiêm ngặt.

Tên lửa đẩy Saturn của Mỹ được coi là "hội tụ" rất nhiều công nghệ do Đức khởi xướng.

Helmut Grottrup đã giúp Liên Xô tuyển chọn chuyên gia. Trong khi đó, Tướng Ivan Serov đã thông qua quyết định khôi phục sản xuất và lắp ráp tên lửa đạn đạo Fau-2, với sự tham gia của hai công trình sư Sergei Korolev và Valentin Glushko. Tại nhiều địa điểm đã bố trí các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cũng như tổ chức các hoạt động thử nghiệm.

Sau khi lắp thêm nhiều hệ thống thiết bị mới, các nhà chế tạo Liên Xô dưới sự chỉ đạo của công trình sư Korolev đã hoàn thiện đáng kể chương trình của Đức. Và họ đã trở thành những người đặt nền móng cho chương trình tên lửa-vũ trụ của Liên Xô.

Đến năm 1946, Liên Xô đã hoàn thành khôi phục nhà máy lắp ráp và phòng thí nghiệm tên lửa. Họ đã thành công lắp ráp 7 tên lửa Fau-2 từ các linh kiện thu thập được. Trong số này, 4 quả đã được đưa ra thử nghiệm, 3 quả còn lại được gửi sang Nga nhằm tiếp tục nghiên cứu. Sau đó, Liên Xô đã thử nghiệm thành công động cơ và tiếp tục sản xuất & gửi thêm 17 tên lửa sang Nga.

Năm 1947, Liên Xô tiến hành thử nghiệm tên lửa Fau-2. Tuy nhiên, 3 lần thử nghiệm đầu tiên đều không thành công, do tên lửa di chuyển lệch nhiều so với đường bay.

Sau khi lắp thêm thiết bị ổn áp, các tên lửa thử nghiệm đã thành công, với độ chính xác cao lên tới 700m. Sau đó, những tổ hợp tên lửa P-1 đầu tiên do Liên Xô sản xuất dựa trên Fau-2 được đưa vào biên chế năm 1950.

Hoàng Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-chuyen-gia-duc-dat-nen-mong-cho-nganh-ten-lua-lien-xo-1796634.html