Những 'chuyên gia' hòa giải cơ sở chia sẻ kinh nghiệm

Được tiếp xúc với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, được nghe họ chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ mới thấu hiểu những vất vả của công việc 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'.

Hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý, là mắc xích quan trọng, xóa tan những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tại nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có không ít hòa giải viên tiêu biểu, với uy tín và kinh nghiệm của mình, họ đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.

Bà Đặng Thị Mai Hòa

Bà Đặng Thị Mai Hòa

Thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật

Bà Đặng Thị Mai Hòa, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải của tổ dân phố 1B, phường Vĩnh Phúc từ năm 1993 đến nay – người đã hòa giải thành công nhiều vụ việc bằng sự giản dị và khéo léo, chia sẻ: Muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai để tuyên truyền, giải thích cho người dân. Bên cạnh đó, hòa giải viên cần sự kiên trì, nhiệt tình và đặc biệt là phải gần dân thì mới giải quyết kịp thời những thắc mắc, những tranh chấp.

Ông Lê Minh Thảo

Ông Lê Minh Thảo, công chức tư pháp phường Vĩnh Phúc, chia sẻ kinh nghiệm: Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên cùng họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của các hòa giải viên, không để mâu thuẫn phát sinh, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, phát huy vai trò của những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm tham gia hòa giải...

Ông Nguyễn Văn Khiên

"Bí quyết" là kiên nhẫn và nhiệt tình

Ông Nguyễn Văn Khiên, Tổ trưởng Tổ dân phố 1, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm – người có tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở mà ông đã đảm nhận suốt 15 năm nay – chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ: Khi mâu thuẫn xảy ra, tôi chọn hướng giải quyết sự việc bằng giải pháp uyển chuyển, ở góc độ “tình làng nghĩa xóm”. Mâu thuẫn xuất phát từ nhiều yếu tố, để giải quyết hài hòa mâu thuẫn có nhiều cách, với tôi cái tình vẫn là yếu tố cốt lõi.

Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn

Ông Lý Văn Phủ

Nắm vững chính sách, pháp luật

Ông Lý Văn Phủ, người có uy tín, hòa giải viên (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, chia sẻ: Muốn mọi người đồng lòng, thuyết phục được người khác không làm sai thì trước hết bản thân, gia đình mình phải làm đúng, phải gương mẫu. Khi có vụ việc phát sinh tôi sẽ chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt ông luôn vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của thôn, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ

Gần gũi để thấu hiểu

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 18, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, chia sẻ: Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” nên ngoài việc luôn nhiệt tình, gương mẫu và tuyên truyền người dân trong TDP chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Tôi luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với cấp trên, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc.

Thường xuyên phối hợp tốt với cảnh sát khu vực, các chi hội đoàn thể và nhân dân ở tổ dân phố nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để giải quyết ngay tại cơ sở. Phải luôn sâu sát, nắm vững hoàn cảnh của từng gia đình trong TDP; mọi công to, việc nhỏ của các gia đình mình phải nắm được để khi có những việc bất thường xảy ra kịp thời có hướng giải quyết.

Ông Khúc Văn Thoi

Hòa giải viên phải công tâm, khách quan

Ông Khúc Văn Thoi, Tổ trưởng tổ hòa giải số 9, phường Thạch Bàn, quận Long Biên – năm 2017, ông được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen đã có thành tích trong 3 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội – chia sẻ kinh nghiệm: Những thành viên trong tổ hòa giải nhất là tổ trưởng sống phải trong sạch, liêm chính, công tâm, khách quan, vô tư, lấy tình trước, sau mới đến lý, vận dụng các văn bản pháp luật áp dụng vào công tác hòa giải.

Luôn luôn tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy chi bộ, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, các bộ phận chuyên môn của phường như địa chính, tư pháp phường, vụ việc nào khó, nhận định tình hình không ổn, đề nghị sự giúp đỡ cán bộ UBND phường và mời đ/c cảnh sát khu vực tham dự hòa giải cùng.

Tổ hòa giải cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, những thành viên tổ hòa giải phải là những người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

Giữ vững đoàn kết ở tổ dân phố là một điều vô cùng quan trọng. Cuộc sống ổn định, bình yên thì đời sống tinh thần cũng như kinh tế - xã hội mới được phát triển tốt. Muốn đạt được điều đó công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện TP Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải, 7.920 tổ dân phố với 35.053 hòa giải viên. Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác hòa giải đã đi vào nề nếp, bài bản, quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân. Nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-chuyen-gia-hoa-giai-co-so-chia-se-kinh-nghiem-180376.html