Những chuyện ít biết về 'Con đường tuổi 20'

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, chúng tôi lại có hành trình để trở về với 'Con đường tuổi 20'. Có đau đớn nào nguôi ngoai và có thể xóa được khi biết rằng: Để có con đường dài 84 km, 'thọc hậu' để chi viện cho chiến trường Miền Nam này, trung bình mỗi mét dài đã có 1 thanh niên xung phong trẻ ngã xuống và mỗi người trong họ đã phải 'gánh chịu' đến 10 quả bom, có những trọng điểm gần 200 cán bộ, chiến sỹ nằm xuống.

Con đường chiến lược

Trên những cung đường khốc liệt một thời ở tỉnh Quảng Bình mở lên Tây Trường Sơn để tiếp viện cho Chiến trường Miền Nam trong công cuộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của dân tộc ta thì Đường 20 được mệnh danh là “Cung đường lửa” khốc liệt nhất. Cung đường này xuất phát từ Động Phong Nha (huyện Bố Trạch), bắt đầu được khởi công từ mùa khô năm 1963 đến mùa khô năm 1967 thì hoàn thành.

Trong thời chi viện cho chiến trường Miền Nam, biết được yếu thế của ta về sự nhỏ hẹp của dải đất Miền Trung nên không quân Mỹ đã tập trung đánh mạnh khu vực này, nhất là ở đoạn Quảng Bình. Chúng hy vọng sẽ cắt đứt được tuyến chi viện của Miền Bắc với Miền Nam ở khu vực này sẽ đưa lực lượng của chúng ta ở Miền Nam vào 1 thế bí về lương thực và quân khí. Đoán định được hiểm thế này, chúng ta đã quyết định mở những tuyến “đường xương cá”, sang Tây Trường Sơn, vòng qua nước bạn Lào để tiếp tế và vận chuyển vũ khí và lương thực vào phía Nam.

“Hang tám cô”, nơi ghi dấu ấn đậm nét về hy sinh mất mát của lực lượng Thanh niên xung phong trẻ trên tuyến Đường 20.

Đường 12 là con đường vượt đỉnh Trường Sơn đầu tiên trong những ngày chi viện cho miền Nam. Đây là đường vận chuyển bằng xe cơ giới chiến lược. Thế nhưng đưa vào hoạt động không được bao lâu thì Đế quốc Mỹ đã phát hiện, tập trung đánh mạnh vào con đường này. Trước sự đánh phá, có thể là hủy hoại và tê liệt nên ta đã có chủ trương mở con đường vượt đỉnh Trường Sơn thứ hai. Con đường 20 đã được định hình và trở thành con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thứ 2 của chúng ta trong lịch sử quân sự cũng như lịch sử của ngành giao thông vận tải.

Đường 20 xuất phát điểm từ động Phong Nha (Bố Trạch) vượt qua Trường Sơn tại vĩ tuyến 17, 20 ở Lùm Bùm, rút ngắn được khoảng cách với đường 9 Khe Sanh. Đường 12 bị phong tỏa, Đường 20 trở nên vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển chi viện cho miền Nam. Vì vai trò to lớn này Đường 20 được coi là đầu mối của “Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử”. Bộ GTVT và Bộ tư lệnh Đoàn 559 đã đặt tên cho con đường chiến lược này là “Con đường tuổi hai mươi”, sau này gọi tắt là Đường 20. Cái tên đó xuất phát từ việc những người làm ra con đường này đều là lực lượng trẻ ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi.

Đường 20 có vị trí chiến lược, lại đi qua địa hình thuộc dạng hiểm trở nhất trên tuyến lửa Quảng Bình. Để mở con đường này, việc khảo sát, thiết kế và thăm dò đã được tiến hành rất kỹ. Nhiều lãnh đạo cao cấp, những người có kinh nghiệm mở đường… đã được triệu tập cho việc mở Đường 20. Khó nhất của Đường 20 là hướng đi. Ban đầu hướng được chọn là từ động Phong Nha lên Cà Roòng, vượt đỉnh Trường Sơn nối với đường 129. Sau khi xem lại bản đồ, vì địa hình nên những người thi công đã thay đổi và hướng được chọn sẽ ngắn hơn hướng cũ, bắt đầu xuất phát từ xóm Quyền, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa vượt qua biên giới Việt – Lào.

Thế nhưng trong quá trình khảo sát thực địa, thấy địa hình hướng này quá phức tạp nên đường lại được chỉnh sửa một lần nữa. Dù đường đi ngắn hơn nhưng địa hình hiểm trở, độ dốc quá lớn, nhiều vực sâu, núi đá liên tục, ít cây cối sẽ rất khó ngụy trang. Có những đoạn đi mấy ngày không có nước, có đoạn vào mùa mưa nước ngập 3-4 km. Từ những khó khăn trên, Bộ đã quyết định hủy mở Đường 20 theo hướng xóm Quyền và quay lại sự lựa chọn ban đầu: Hướng đường đi sẽ được chọn theo tuyến Phong Nha - Cà Roòng - đường 129.

Cây Rao Ráng, một trong những chứng tích về cây xanh còn sót lại trên tuyến Đường 20 trong những lần đánh bom tọa độ của Đế quốc Mỹ.

Để mở con đường mòn – “cung đường lửa” này, tất cả các loại phương tiện máy móc hiện đại và có được lúc bấy giờ cùng 5.000 thanh niên xung phong trên khắp Miền Bắc kết hợp với bộ đội Trường Sơn đã được huy động. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, sau 6 tháng Đường 20 đã hình thành với độ dài 84km. Đây được xem là con đường của chiến thắng, ta đã thắng địch trên mặt trận GTVT vì thế đường này còn có tên khác - Đường Quyết Thắng. Ngày 5/5/1966 con đường vượt đỉnh Trường Sơn này đã được thông xe. Từ mùa khô năm 1966 đến 1968 đường này đã vận chuyển rất nhiều hàng hóa để kịp thời chi viện cho chiến trường.

Những dấu mốc lịch sử

Đường 20 ra đời và hoạt động trong lúc mưa bom bão đạn ác liệt nhất, tuyến đường này cũng bị đánh phá nhiều nhất. Ngầm Trà Ang trên Đường 20 đã gánh chịu hàng nghìn tấn bom của địch, đây được mệnh danh km số 0 của tọa độ lửa. Tại km 40 hay cua chữ A, núi rừng bị địch dội bom tan hoang. Trọng điểm ATP gồm ngầm Ta Lê, núi Phu La Nhích, Ngầm chữ A (km số 8) địch liên tục bắn phá. Có ngày chúng bắn phá 93 trận. Có đoạn rộng 2km, dài 8km rừng bị đánh cháy trơ trọi. Riêng trọng điểm ATP đã có gần 200 cán bộ, chiến sỹ nằm xuống. Khi làm con đường này, quân ta đã tính trung bình mỗi người phải gánh chịu 10 quả bom. Địch phá đường chính ta mở đường phụ, mạng lưới đường “mạng nhện” được mở dày đặc trên suốt con đường.

Bia chứng tích trước “Hang tám cô” – Đau lòng vì độ tuổi hy sinh của các anh, các chị.

Bây giờ ai đi qua Đường 20 cũng đều dừng lại thắp một nén nhang tại km 16,5 hay còn gọi là Hang tám cô để tưởng nhớ những người đã hy sinh khi làm con đường này. Ngày 14/11/1972, tiểu đội làm đường gồm 8 người, (4 nam, 4 nữ) đều quê Thanh Hóa và 5 chiến sỹ Binh chủng pháo binh đã mãi mãi nằm tại đây. Khi địch thả bom, tiêu diệt tọa độ này, họ đã chạy vào hang đá để ẩn nấp. Đây là hang chiến lược mà trước đó bộ đội ta vẫn dùng để cất giấu vũ khí, tránh mưa, tránh bom.

Cửa hang nhỏ nhưng lòng hang rộng tới 12 mét, cao 9 mét, dài 20 mét. Thế nhưng 3 loạt bom liên tục, ước chừng 180 quả đã làm cả không gian rung chuyển. Trong tiếng đất đá, cây cối đổ xuống quân ta còn nghe tiếng chấn động khác như động đất. Tiếng động đó từ một tảng đá lớn bằng hai ngôi nhà ba gian đổ xuống lấp mất cửa hang. Quân ta không có cách nào để giải cứu vì tảng đá lớn như một hòn núi.

Muốn phá chỉ có dùng mìn, dùng mìn người trong hang sẽ chết và cùng với đó 8 người đã không thể cứu được. Sau này nhiều người kể lại rằng, suốt trong tám ngày đầu mọi người vẫn nghe văng vẳng từ trong hang tiếng kêu cứu, đến ngày thứ chín thì im bặt. Tất cả đã mãi mãi nằm lại trong hang đá. Đến năm 1996, tỉnh Quảng Bình mới kết hợp với quân khu tiến hành phá hang. Mìn nổ liên tục nhưng cũng phải mất hơn một tháng tảng đá mới được phá bỏ. Hài cốt 8 người đã được đưa về quê mai táng sau bao nhiêu năm nằm lại trong hang đá lạnh lẽo.

Giờ Đường 20 khởi đầu từ động Phong Nha đã được tu sửa, cán trải xi măng tạo sự thuận tiện cho người dân và các phương tiện lên Tân Trạch, Thượng Trạch và Cửa khẩu Cà Roòng để sang nước bạn Lào. Và đi trên con đường này trong ngày đất nước độc lập, người ta không thể không nhớ đến một thời hào hùng của dân tộc cùng với sự ngã xuống, thấm đẫm máu đào của các thế hệ nam nữ thanh niên mà nếu may mắn trở về họ đã lên chức ông bà!

Bài và ảnh: Đức Tuyền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/nhung-chuyen-it-biet-ve-con-duong-tuoi-20-40961